Nét đặc sắc nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Bình Giã
Trong lịch sử chiến tranh, có những chiến dịch diễn ra với quy mô không lớn, trên một không gian hẹp... nhưng ý nghĩa của nó lại đạt tới tầm chiến lược.
Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ ngày 2-12-1964 đến 3-1-1965 là một trong những chiến dịch như vậy. Chiến thắng Bình Giã mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam: Kết hợp tiến công với nổi dậy, chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy.
Cuối năm 1964, trên chiến trường miền Nam, Mỹ-ngụy đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm nỗ lực cứu vãn sự sụp đổ của chiến lược "chiến tranh đặc biệt". Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho các chiến trường mở đợt hoạt động quân sự trên toàn miền Nam. Thấu triệt tinh thần trên, Bộ tư lệnh Miền quyết định tập trung lực lượng gồm 2 trung đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn pháo của chủ lực Miền cùng với 2 tiểu đoàn của Quân khu 7, 1 tiểu đoàn của Quân khu 6 và LLVT địa phương mở chiến dịch tiến công ở khu vực Bình Giã-Đức Thạnh (tỉnh Bà Rịa) nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phá kế hoạch bình định trọng điểm của ngụy quân Sài Gòn, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng chống, phá "ấp chiến lược", đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở rộng vùng căn cứ...
Qua hơn một tháng chiến đấu, các đơn vị chủ lực Miền phối hợp cùng LLVT địa phương và nhân dân trên địa bàn đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.700 tên địch, trong đó có một số cố vấn Mỹ, tiêu diệt và làm tan rã Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến số 4, Tiểu đoàn Biệt động quân số 33 và một chi đoàn xe cơ giới M113; đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn khác, bắn rơi, phá hủy 56 máy bay các loại, 45 xe quân sự, thu hơn 1.000 khẩu súng các loại... Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã đã góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của địch, phá vỡ hàng chục "ấp chiến lược", giải phóng địa bàn khá rộng chiến lược ven biển, tạo điều kiện mở rộng căn cứ địa và bến bãi tiếp nhận hàng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tác chiến tập trung đầu tiên của chủ lực Miền và đây cũng là một chiến dịch thể hiện nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự. Trong chiến dịch này, ta đã kéo được một bộ phận lớn quân địch ra ngoài công sự, "nhử" chúng vào những khu vực ta đã bày sẵn thế trận và bố trí sẵn lực lượng để rồi bất ngờ tiêu diệt bằng tiến công vận động với nhiều hình thức chiến thuật độc đáo. Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự ở Chiến dịch Bình Giã trước hết là vấn đề chọn địa bàn mở chiến dịch. Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ, nhiều địa bàn có thể mở được chiến dịch.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, Bộ tư lệnh Miền quyết định chọn khu vực Bình Giã để mở chiến dịch. Thực tế diễn biến và kết quả chiến dịch cho thấy đây là một quyết định táo bạo, vì so với nhiều địa bàn ở miền Đông Nam Bộ thì Bình Giã là địa bàn đáp ứng được đầy đủ 3 yêu cầu: Tiêu diệt được lực lượng lớn sinh lực địch, nhất là lực lượng tổng trù bị của chúng; hỗ trợ cho phong trào chống, phá "ấp chiến lược"; mở rộng vùng giải phóng ra khu vực ven biển, xây dựng các bến bãi để tiếp nhận nguồn chi viện của Trung ương bằng đường biển. Đặc biệt là yêu cầu thứ ba khi mà chủ lực Miền đang rất "khát" nguồn chi viện vũ khí từ miền Bắc vào để phát triển lực lượng và tổ chức các đòn tiến công quy mô lớn.
Thứ hai, xác định đúng phương châm tác chiến chiến dịch là "đánh điểm, diệt viện". Đánh điểm Bình Giã là để "khêu ngòi", thu hút lực lượng ứng cứu của địch vào địa bàn do ta chủ động lựa chọn và bày sẵn thế trận để tiêu diệt. Trung thành với phương châm này, bộ đội ta đã tiêu diệt gọn được nhiều tiểu đoàn địch ngoài công sự, vượt xa yêu cầu tiêu diệt 1-2 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng trù bị của địch mà Bộ chỉ huy Miền đề ra trước chiến dịch. Thành công của phương châm "đánh điểm, diệt viện" ở Bình Giã còn góp phần giải tỏa sức vây ép của quân địch trên hướng Tây Ninh do lực lượng ngụy quân phải rút bớt binh lực tại đây xuống giải tỏa, cứu nguy cho Bình Giã.
Thứ ba, nghệ thuật "tạo thế, khơi ngòi". Trước khi mở màn chiến dịch, Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo các địa phương, đơn vị mở một số trận đánh xa địa bàn chiến dịch nhằm đánh lạc hướng, thu hút sự chú ý, căng kéo và phân tán binh lực địch, tạo điều kiện cho các đơn vị trên hướng tiến công chủ yếu cơ động vào vị trí tập kết một cách chủ động. Giải bài toán tìm mục tiêu "khơi ngòi" cho chiến dịch, thay vì chọn Xuyên Mộc như một số ý kiến đề xuất, Bộ chỉ huy Miền sau khi cân nhắc đã quyết định chọn Bình Giã làm mục tiêu "khơi ngòi". Bình Giã là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía Đông Sài Gòn của ngụy quân, bởi vậy khi Bình Giã bị tiến công, ngay lập tức quân ngụy sẽ phản ứng cả bằng đường bộ lẫn đường không, tung lực lượng ra để ứng cứu, giải tỏa. Đây chính là cơ hội cho ta thực hiện phương châm "đánh điểm, diệt viện".
Thứ tư, nghệ thuật chỉ huy, sử dụng lực lượng. Việc Bộ chỉ huy Miền quyết định tập trung cả hai trung đoàn chủ lực mạnh của Miền lúc bấy giờ là Trung đoàn 761 và Trung đoàn 762, Đoàn Pháo binh Biên Hòa cùng 2 tiểu đoàn bộ binh của Quân khu 7, Tiểu đoàn Pháo binh của Quân khu 6, Đại đội 445 bộ đội địa phương Bà Rịa và lực lượng dân quân, du kích tại chỗ... hình thành quả đấm mạnh để thực hiện mục tiêu tiêu diệt từng tiểu đoàn quân địch, là một quyết định táo bạo và sáng suốt. Đặc biệt, việc tập trung lực lượng tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tiến công địch trên diện rộng, cả trong và sau chiến dịch, buộc địch phải căng kéo lực lượng để đối phó. Điều này đã tạo thuận lợi cho phong trào chống, phá "ấp chiến lược" phát triển sâu rộng khắp chiến trường Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, ở chiến dịch này, nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Đó là trong trận "khơi ngòi" mở đầu chiến dịch, lực lượng tập trung chưa "đủ đô" nên phải hai lần "khơi ngòi" ta mới thực hiện được mục tiêu của chiến dịch là kéo địch ra để tiêu diệt. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho chủ lực Miền để kịp thời chấn chỉnh.