Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

2025 dự báo là một năm đầy thách thức với kinh tế thế giới, trong đó, có Việt Nam do diễn biến địa chính trị và thay đổi chính sách của một số quốc gia lớn.

Nhiều biến số tác động đến kinh tế Việt Nam

Thông tin được chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra tại Hội thảo Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 12/12, tại Hà Nội. Theo đó, cũng giống như năm 2024, 2025 dự báo sẽ là một năm nhiều biến cố, thử thách đối với nền kinh tế thế giới, cũng như Việt Nam. Trong đó, những diễn biến địa chính trị trên thế giới cùng phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, những chính sách mới của Hoa Kỳ tới đây sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Hội thảo Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 12/12. Ảnh: NH

Hội thảo Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 12/12. Ảnh: NH

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá đồng Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên, từ mức 24.265 đồng/USD đầu năm 2024 đã lên 25.318 đồng/USD đến thời điểm hiện tại; tương đương mức tăng 4,34 %. Dự báo, cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế mới của Hoa Kỳ.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tới đây, Hoa Kỳ có thể sẽ áp thế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào quốc gia này, trong đó, Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ tăng thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và với nước khác ít nhất khoảng 25%, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng dự báo, Hoa Kỳ có thể thực hiện chính sách giảm thuế cho người giàu, điều này sẽ làm tăng thiếu hụt ngân sách cho Hoa Kỳ, buộc Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc FED (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) mua trái phiếu Chính phủ nhiều hơn, một động thái được gọi là nới lỏng định lượng (Quantitative Easing), làm phình tổng tài sản của FED và đẩy môt lượng tiền lớn vào lưu thông. Tất cả những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc FED đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND.

Bên cạnh những tác động của tình hình kinh tế thế giới, các chuyện gia kinh tế cũng cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang “chật vật” phục hồi sau Covid-19. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn, điều này cũng tác không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và những năm tới đây.

Việt Nam có cơ hội tăng trưởng 8% trong năm 2025. Ảnh: NH

Việt Nam có cơ hội tăng trưởng 8% trong năm 2025. Ảnh: NH

Cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Mặc dù đối diện với khá nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn nhìn thấy những cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Cụ thể, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp.

“Gần đây, công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) đầu tiên của Nvidia tại ASEAN” - ông Nguyến Trí Hiếu thông tin.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách thương mại tới đây của Hoa Kỳ có thể tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam - cũng mang lại cơ hội lớn, nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại châu Âu. Do đó, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Cũng nhìn thấy những cơ hội tích cực cho kinh tế Việt Nam trong năm 2025, ông Barry Weiblatt David - Giám đốc Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT - dự báo: Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể đạt 6,9%. Tuy nhiên, nếu giải ngân đầu tư công có thể đạt 100%, mức tăng trưởng GDP có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn 8%, thậm chí 9%. "Tuy vậy, để đạt kết quả trên, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp" - ông Barry Weiblatt David khuyến nghị.

Không chỉ lạc quan về mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đưa ra dự báo: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 7,25% so với cùng kỳ năm 2023 và năm 2025 có thể lên tới 8%, thậm chí có thể lên đến 2 con số nếu theo đuổi quyết liệt các mục tiêu.

Theo đó, những động lực tăng trưởng được ông Lương Văn Khôi đưa ra đó là: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; cả 3 khu vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng trưởng tốt hơn; mức sống dân cư tốt và lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh, giúp thúc đẩy thị trường trong nước phát triển. Tình hình thu hút FDI và xuất khẩu vẫn là điểm sáng; cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng. Đường điện cao thế 500kV mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô. Hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp tiếp tục diễn ra mạnh mẽ…

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-dien-thach-thuc-tim-co-hoi-cho-tang-truong-kinh-te-viet-nam-2025-363901.html
Zalo