Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024

Ngày 12/12/2024, Vietnam Report công bố Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024. Lễ tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 1/2025 tại Hà Nội.

Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khách quan, khoa học với 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.

 Nguồn: Vietnam Report, tháng 12/2024

Nguồn: Vietnam Report, tháng 12/2024

Thực trạng ngành Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Xu hướng giảm sản lượng

Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển mạnh tại khu vực châu Á. Theo Báo cáo Triển vọng Thực phẩm Nông nghiệp năm 2024 của Alltech, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN).

Giai đoạn 2019 - 2021, ngành TACN Việt Nam phát triển ổn định về sản lượng và đạt đỉnh vào năm 2021 với 21,9 triệu tấn. Tuy nhiên, xu hướng giảm sản lượng bắt đầu xuất hiện sau đó, một phần bởi những tiến bộ trong công nghệ chăn nuôi.

 Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Cục Chăn nuôi

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Cục Chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi, số lượng nhà máy TACN trong giai đoạn 2019 - 2023 tương đối ổn định, từ 260 - 270 nhà máy. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là khu vực tập trung chính của các nhà máy lớn nhờ hệ thống giao thông thuận lợi, nhu cầu chăn nuôi cao.

Sản lượng TACN theo nhóm sản phẩm trong 5 năm qua cũng có những biến động đáng kể. Cụ thể, sản lượng TACN cho lợn tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2019 - 2021 do sự phục hồi của ngành sau dịch tả lợn châu Phi, nhưng sau đó đã chững lại khi quá trình tái đàn dần hoàn tất và nhu cầu ổn định. Trong khi đó, sản lượng TACN cho gia cầm giảm mạnh và TACN cho vật nuôi khác duy trì ở mức thấp.

 Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Cục Chăn nuôi

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Cục Chăn nuôi

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 850 triệu USD, giảm 16,0% và giá trị nhập khẩu nhóm hàng này đạt hơn 4,02 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm, giá nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất TACN như lúa mỳ, ngô, đậu tương giảm từ 8 - 14%, khiến giá TACN được điều chỉnh giảm tới 4 lần. Nguyên nhân chính là nhờ vụ mùa bội thu và điều kiện thuận lợi ở các quốc gia nhập khẩu.

 Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan

Hiện các doanh nghiệp TACN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo khảo sát của Vietnam Report, những yếu tố chính tác động đến tình hình sản xuất trong năm vừa qua là: Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; Sức ép từ tỷ giá gia tăng; Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; Sự biến động của thị trường năng lượng…

Triển vọng năm 2025: Những dự báo khả quan

Trong báo cáo Gia súc và Gia cầm năm 2025 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn Việt Nam dự kiến tăng 3%, đạt 3,8 triệu tấn vào năm 2025. Sản lượng TACN công nghiệp dự kiến đạt 24 - 25 triệu tấn vào năm 2025 và 30 - 32 triệu tấn vào năm 2030, theo Đề án Phát triển công nghiệp chế biến TACN đến năm 2030.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy tín hiệu tích cực trong năm 2025 khi có 57,1% doanh nghiệp lạc quan về triển vọng tăng trưởng ngành, 28,6% dự báo không thay đổi và 14,3% lo ngại khó khăn hơn.

Theo các doanh nghiệp, để tận dụng cơ hội tăng trưởng và vượt qua những thách thức tiềm ẩn, một số giải pháp cần được ưu tiên như: Nghiên cứu sản phẩm TACN hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sinh học; Tìm kiếm, đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu với giá cạnh tranh; Đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất TACN tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế; Thực hiện chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ghi nhận từ khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp cũng kiến nghị chính sách tập trung vào: Nâng cao công tác thống kê, dự báo thị trường; Tăng cường chính sách bảo hộ sản xuất trong nước; Quy hoạch, phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN.

Hoạt động truyền thông của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Dữ liệu mã hóa truyền thông theo phương pháp Media Coding từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024 cho kết quả 5 nhóm chủ đề được thảo luận nhiều nhất: (1) Trách nhiệm xã hội; (2) Hình ảnh/ PR/ Scandals; (3) Sản xuất; (4) Sản phẩm; và (5) Vị thế thị trường.

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp TACN, từ tháng 10/2022-9/2024

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp TACN, từ tháng 10/2022-9/2024

Các doanh nghiệp TACN ghi nhận sự chuyển dịch rõ nét trong trọng tâm truyền thông. Chủ đề Trách nhiệm xã hội ngày càng được ưu tiên, trong khi Hình ảnh/ PR/ Scandals giảm mạnh nhưng vẫn được thảo luận nhiều. Các thông tin liên quan đến Sản xuất tăng đáng kể, cho thấy sự đầu tư của doanh nghiệp vào mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Theo đó, 75,6% doanh nghiệp trong nghiên cứu đạt ngưỡng trên 20%. Dù tỷ lệ này có xu hướng giảm so với các năm trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy các doanh nghiệp TACN tiếp tục hướng tới việc xây dựng hình ảnh uy tín với cộng đồng.

(Nguồn: Vietnam Report)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/top-10-cong-ty-thuc-an-chan-nuoi-uy-tin-nam-2024-2351603.html
Zalo