Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập

Chiều 20/8, tại số 62 Tràng Tiền (Hà Nội), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập'.

Nhân dịp học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện Sách giáo khoa và Đồ dùng học tập”. Sự kiện diễn ra từ ngày 20-24/8/2024 tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là lần thứ 13 Phòng trưng bày của Tổng cục mở cửa đón khách tham quan và tìm hiểu thông tin về sản phẩm.

Ngay khi mở cửa, phòng trưng bày thu hút nhiều người xem. Ảnh: Lam Giang

Ngay khi mở cửa, phòng trưng bày thu hút nhiều người xem. Ảnh: Lam Giang

Phòng trưng bày gồm gần 100 loại hàng hóa với trên 400 sản phẩm là các loại sách giáo khoa, vở bài tập, sách tham khảo cùng nhiều loại vở, đồ dùng học tập phổ biến trên thị trường đã được lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khi thực thi công vụ.

Đối với không gian trưng bày sách, điểm nhấn chính trong kỳ trưng bày lần này là các loại sách giáo khoa, vở bài tập, sách tham khảo với những dấu hiệu phân biệt thật - giả về màu sắc, hình ảnh, khổ sách, định lượng giấy, nội dung, tem chống giả và mã thẻ cào, giúp khách tham quan, người tiêu dùng, các em học sinh, các bậc phụ huynh trang bị những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện đúng sách để đảm bảo quyền lợi của các em học sinh.

Bên cạnh đó, Phòng trưng bày còn giúp khách tham quan nhận diện rất nhiều các dòng sách về kỹ năng - tâm lý, sách quản trị kinh doanh, sách tranh nghệ thuật.

Sách giả tại phòng trưng bày.

Sách giả tại phòng trưng bày.

Tại không gian trưng bày các sản phẩm là đồ dùng học tập, Ban tổ chức trưng bày các loại bút, vở viết, giấy thủ công, bảng viết phấn các nhãn hiệu của Thiên Long, Hồng Hà… với đầy đủ các dấu hiệu nhận diện và so sánh.

Chia sẻ tại sự kiện PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục cho biết, sách giáo khoa giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng, chủ yếu là học sinh, bởi những sản phẩm này thường có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin, dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh.

Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như một số nhà xuất bản khác.

Nổi bật là vụ việc phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang; thu giữ 34.000 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa tại Đồng Nai; phát hiện, thu giữ 5.500 quyển sách giáo khoa vi phạm tại Tây Ninh.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói về việc cho phép đại diện Ban đại diện Cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa:

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nhan-dien-sach-giao-khoa-va-do-dung-hoc-tap-2023503.html
Zalo