Nhận diện rõ để phòng-chống lãng phí hiệu quả
Tổng Bí thư Tô Lâm-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa ký ban hành Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW một số nội dung trọng tâm về công tác phòng-chống lãng phí.

Nhận diện chính xác lãng phí từ khi còn tiềm ẩn đến khi biểu hiện bằng những hành vi cụ thể là cách để phòng-chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả (ảnh minh họa).
Nhận diện chính xác lãng phí từ khi còn tiềm ẩn đến khi biểu hiện bằng những hành vi cụ thể là cách để phòng-chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả. Bởi lẽ, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Từ giữa tháng 10-2024 đến nay, cuộc chiến chống lãng phí của Đảng đã được tiến hành liên tục. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã mang lại kết quả bước đầu. Một số dự án gây lãng phí lớn đã được xới xáo, vực dậy trên tinh thần cái gì có thể khắc phục được thì phải làm ngay để đưa vào khai thác; cái nào không thể thì mạnh dạn chấm dứt, tuyên bố phá sản, nhường cơ hội cho người khác có tiềm lực hơn thực hiện, không để đất đai, tài sản của Nhà nước và Nhân dân phơi mưa phơi nắng, lãng phí nguồn lực và cơ hội phát triển.
Trong Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW, Ban Chỉ đạo Trung ương xác định rõ 7 hành vi gây lãng phí, giúp cho việc nhận diện và đấu tranh hiệu quả với tệ nạn này. Trong đó, chủ yếu là những vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý; ban hành thể chế về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác; lãng phí khi quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Thực tế cho thấy, lãng phí thường xảy ra đối với của công. Mà của công tức là của dân, của nước. Những dự án trăm tỷ, ngàn tỷ xây dựng giữa chừng rồi đắp chiếu hàng chục năm. Những bệnh viện ngàn tỷ như Bạch Mai, Việt Đức (cơ sở 2) đã hoàn thành hơn 90% khối lượng mà vẫn để không bao năm, trong khi các bệnh viện lớn quá tải, người bệnh không có nơi điều trị… đều có nguyên nhân từ hành vi lãng phí của những cán bộ phụ trách dự án gây ra, khi không tuân thủ các quy định của Nhà nước về chủ trương đầu tư; về sử dụng vốn, quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm trang-thiết bị… dẫn đến thiệt hại nặng nề tài sản của Nhà nước, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư công.
Gần 40 năm đổi mới, chúng ta tự hào về những thành quả mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đạt được, đưa một đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh từng bước vượt qua thách thức, trở thành một quốc gia có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín cao trên trường quốc tế. Quá trình lột xác kỳ diệu ấy đã để lại nhiều bài học thành công nhưng cũng không ít đắng cay, thất bại cần được nhìn nhận. Đó là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực quốc gia chưa được ngăn chặn triệt để.
Khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ án lớn; nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, mất chức; nhiều quan tham bị truy tố trước pháp luật; tài sản, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân được thu hồi… Tuy nhiên, ít người để ý rằng tình trạng lãng phí cũng gây tác hại vô cùng ghê gớm. Mà việc này, nói như Tổng Bí thư Tô Lâm là “gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Vì vậy, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng-chống tham nhũng, cần nhận diện khách quan, toàn diện tình trạng lãng phí, không để hao mòn nguồn lực phát triển của đất nước. Công tác phòng-chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện và tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như người dân, thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Tinh thần ấy đang dần được quy chế hóa, thể chế hóa trong quá trình lãnh đạo của Đảng và triển khai thực hiện của Nhà nước, nhất là trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay. Làm sao để không lãng phí cơ sở vật chất, công sở; không để “chảy máu” nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiệt huyết với sự nghiệp chung… là việc cần cân nhắc kỹ càng. Ý nghĩa hơn nữa là làm sao để không lãng phí thời gian, công sức, đánh mất cơ hội thay đổi để đất nước vươn mình phát triển, người dân được hạnh phúc, ấm no.