Nhận diện những 'chướng ngại vật' doanh nghiệp cần vượt qua trong năm 2025
Mối lo nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi, khó tiếp cận tín dụng, thách thức trong phục hồi sản xuất kinh doanh, tiêu dùng còn phục hồi khiêm tốn trong khi người tiêu dùng có thay đổi lớn về xu hướng mua sắm, chậm tiến trình đổi mới công nghệ và nâng cao tính cạnh tranh…là những 'chướng ngại vật' mà các doanh nghiệp nội địa cần chú ý khi bước vào năm 2025.
Trong báo cáo thường niên kinh tế Tp.HCM với chủ đề “phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới” được nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Tp.HCM (UEH) và Cục Thống kê Tp.HCM đưa ra vào hạ tuần tháng 12/2024 có cho rằng đối với Việt Nam nói chung, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) quốc nội là điều cần phải tiếp tục chú ý trong năm 2025.
Vẫn lo nợ xấu chưa giảm đi
Theo báo cáo nêu trên, trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên, các DN trong nước có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2025.
Hơn nữa, việc đầu tư của các DN trong nước chưa phục hồi mạnh sẽ làm chậm tiến trình đổi mới công nghệ và nâng cao tính cạnh tranh nhằm tiến sâu và gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này trong trung hạn sẽ là rào cản trong việc nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Tuy vậy, về vấn đề lãi suất cho vay, trong báo cáo vĩ mô Việt Nam mới phát hành trong tháng 12/2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong 6-9 tháng tới để hỗ trợ khách hàng vì nhu cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
MBS cũng lưu ý về việc đẩy nhanh thu hồi nợ xấu vào năm 2025. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng trong quý thứ ba liên tiếp, đạt 2,25% trong quý 3/2024. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục chủ yếu là do sự phục hồi chậm chạp của các ngành xây dựng, nông nghiệp, dầu khí và DN vừa và nhỏ, cùng với tác động của cơn bão YAGI, đã gây ra thách thức cho cả DN và cá nhân trong nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo chuyên gia phân tích của MBS, vào năm 2025, tỷ lệ nợ Nhóm 2 (còn gọi là nhóm nợ chú ý, bao gồm các khoản nợ bị chậm trả từ 10 đến 90 ngày hoặc các khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu) giảm dự kiến sẽ tạo cơ sở vững chắc để giảm áp lực từ tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng tín dụng nhanh hơn sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu. Các ngân hàng tăng đáng kể trích lập dự phòng và thu hồi nợ xấu vào năm 2024 dự kiến sẽ tăng cường hoạt động cho vay vào năm 2025, bất chấp tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.
Tuy nhiên, trong báo cáo của UEH và Cục Thống kê Tp.HCM có nhắc lại vấn đề vốn đầu tư của các DN trong nước trên địa bàn Tp.HCM chưa phục hồi mạnh, cho thấy các DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng và mức sinh lời của đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.
“Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước được duy trì khá thấp, việc các DN trong nước trên địa bàn Thành phố có dấu hiệu gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng phản ánh tình hình nợ xấu đang gia tăng, dẫn đến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống”, báo cáo này nêu rõ.
Điều đáng nói, theo nhóm nghiên cứu, các DN vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, khu vực bất động sản với nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn, dẫn đến rủi ro vốn chảy vào đầu cơ bất động sản thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nên chú tâm đến thay đổi lớn của người tiêu dùng
Ngoài ra, các DN nội địa cần lưu ý thêm trước việc nhóm nghiên cứu của UEH và Cục Thống kê Tp.HCM dự đoán trong năm 2025, tiêu dùng của người dân Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục phục hồi khiêm tốn do hai nguyên nhân. Thứ nhất là thu nhập của người dân nhìn chung chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cú sốc giá cả. Thứ hai là tâm lý phòng ngừa của người dân trước những rủi ro và bất định của nền kinh tế.
Trong khi đó, xét về xu hướng tiêu dùng năm 2025, theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán TPS, nhấn mạnh bước vào năm 2025, góc nhìn kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn khi người tiêu dùng tăng sự quan tâm tới cách chi tiêu. Để thích ứng với xu hướng này, các DN đang cố gắng nắm bắt nhanh xu hướng tiêu dùng trong năm 2025 và đưa ra những giải pháp tối ưu trải nghiệm đối với khách hàng.
Trong cuộc khảo sát tiêu dùng Châu Á Thái Bình Dương được thực hiện bởi PWC - PricewaterhouseCoopers Vietnam, có khoảng 63% người tiêu dùng vẫn lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, khi bỏ qua lạm phát, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng tăng chi tiêu, đặc biệt trong dịp Tết.
Cuộc khảo sát khoảng 7.000 người tiêu dùng, trong đó có 515 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy: 63% người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng tăng chi tiêu đối với hàng hóa thiết yếu, 52% tăng chi tiêu đối với quần áo, và 48% người được khảo sát lựa chọn tăng chi tiêu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Riêng với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vốn là sở trường của các DN nội địa, phía MBS cho biết bước sang năm 2025, ngành FMCG Việt Nam sẽ đối diện với nhiều cơ hội và thách thức. Để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, các DN ngành FMCG phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới, bền vững, thân thiện với môi trường và có tiện ích cao hơn. Đồng thời, các chiến lược marketing cần gắn liền với trải nghiệm khách hàng và tận dụng bán hàng đa kênh.
Qua trao đổi với VnBusiness, dưới góc độ là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN Tp.HCM, ông Nguyễn Đình Tuệ cho rằng nếu nhìn lại năm 2023 và 2024 sẽ thấy các DN nội địa đã gặp khó khăn lớn từ việc suy giảm tiêu dùng dẫn tới không bán được hàng, rất khó tiêu thụ. Còn các đơn hàng xuất khẩu cũng bị mất đơn hàng hoặc giảm đơn hàng. Tình trạng này kéo dài suốt hai năm liền.
Mặc dù thế, theo ông Tuệ, đến giai đoạn cuối năm 2024 đang có dấu hiệu kinh tế phục hồi thì các DN bắt đầu có đơn hàng. Các đơn hàng xuất khẩu của DN bắt đầu tăng lên và một số ngành nghề tăng trưởng khá. Tuy nhiên, có đơn hàng nhưng giá không tăng trong khi các loại chi phí sản xuất đều tăng. Chính vì vậy mà DN chủ yếu là cầm cự để duy trì hoạt động, còn lợi nhuận suy giảm rất lớn. Có những trường hợp DN không có lãi, thậm chí còn lỗ nhẹ nhưng DN vẫn cố gắng duy trì để tồn tại.
“Hy vọng trong năm 2025 tín hiệu này sẽ tốt hơn dù các DN vẫn còn nhiều khó khăn thử thách ở phía trước”, ông Tuệ nói.
Nhìn chung, trước lưu ý về những chướng ngại như nêu trên đang cần các DN nội địa chú tâm nhiều hơn để lường trước rủi ro và có giải pháp chiến lược phù hợp hơn khi bước vào năm 2025.