Nhận diện biến thể thuốc lá điện tử xâm nhập vào Việt Nam

Thị trường có nhiều biến thể thuốc lá điện tử, phong phú mẫu mã, được nhập lậu và 'ngụy trang' dưới hình thù đồ chơi ngộ nghĩnh, bày bán tại nhiều cửa hàng, xe hàng rong cạnh cổng trường học.

Từ ngày 01/01/2025, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử chính thức bị cấm tại Việt Nam. Theo đó, nước ta là quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Nhận diện các biến thể thuốc lá điện tử… được mua bán trên thị trường

Theo tìm hiểu của Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, nhu cầu và việc sử dụng thuốc lá điện tử chủ yếu trong giới trẻ, nhất là nam sinh, nhưng không loại trừ cả phụ nữ và trẻ em gái. Mỗi năm có hàng nghìn người điều trị liên quan tới loại thuốc này vì các bệnh tim, gan, loạn thần.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, không có bằng chứng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu, nhưng loại chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, thuốc lá điện tử phong phú chủng loại, kết cấu gồm một pin, một bộ đốt và buồng chứa dịch lỏng. Một số được sản xuất dưới dạng thuốc điếu truyền thống, xì gà hay ống điếu, có loại giống cây bút, ổ USB và những vật dụng thường ngày khác.

Với sự phát triển của xã hội và công nghệ cao, thị trường có nhiều biến thể thuốc lá điện tử, phong phú mẫu mã; được nhập lậu và "ngụy trang" dưới hình thù đồ chơi ngộ nghĩnh, bày bán tại nhiều cửa hàng, xe hàng rong cạnh cổng trường học như: gấu hương cà phê, các nhân vật hoạt hình, hộp sữa… có giá dao động từ 100.000 - 200.000 đồng cho một sản phẩm.

Dù “vỏ bọc” tinh vi, vẻ ngoài khó nhận diện, nhưng tìm hiểu kỹ, người nhạy cảm sẽ lập tức phát hiện đuôi sạc pin và đầu hút thuốc, mà công nghệ có hiện đại bao nhiêu… cũng không che giấu được.

“Hộp sữa trá hình của thuốc lá điện tử có hương vị như thật, nhưng chỉ vô tình trẻ con mua, uống phải, rồi sinh ra nghiện ngập… nghĩ tới thôi, tôi rất tức giận. Tôi hy vọng lực lượng chức năng làm mạnh, cấm loại thuốc độc này”, anh Trần Hải Đăng, phụ huynh học sinh một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.

Chung quan điểm, chị Hà Giang, giáo viên trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà trước, thầy cô luôn tuyên truyền, thông tin về sự nguy hại của thuốc lá, thuốc lá thế hệ mới trong học sinh, nhưng để phòng, ngừa con em vướng vào tệ nạn này, cần sự chung tay của gia đình. Quan trọng vẫn là ý thức, nhận thức của các em”.

 Các mẫu sản phẩm thuốc lá điện tử - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ

Các mẫu sản phẩm thuốc lá điện tử - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ

Thuốc lá điện tử có nicotine… độc hại hơn thuốc lá điếu thông thường

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện nay thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá nung nóng, nhóm sản phẩm hỗn hợp (như thuốc lá nung nóng) có sợi thuốc lá và dung dịch nicotine và thuốc lá điện tử chứa, không chứa nicotine, sử dụng một lần, nhiều lần.

Thuốc lá điện tử có hơn 20.000 hương vị khác nhau; loại chứa nicotine thường được nung nóng, được pha trong chất Propylene Glycol và/hoặc Glycerin (đóng vai trò dung môi cho nicotine); tạo ra khí aerosol để người sử dụng hít vào. Loại thuốc này được phân loại theo mức độ kiểm soát của người dùng: hệ thống đóng, mở và mức độ phát triển công nghệ ở các hệ 1, 2, 3 và 4.

Hệ 1 là loại thuốc sử dụng 1 lần, hình dáng giống điếu thuốc, không thể sạc hay tái nạp lại dung dịch điện tử.

Hệ 2, 3 và 4 là loại sử dụng nhiều lần. Hệ 2 có hình chiếc bút, có ống chứa dung dịch điện tử và có thể thay ống mới, hoặc có thể tái nạp sau khi hết. Hệ 3 mang đầu đốt dung dịch điện tử, thân máy tích hợp bộ điều khiển và pin để điều chỉnh nhiệt độ, thay đổi thành phần dung tích điện tử. Hệ 4 thiết kế phần đầu là bình chứa dung dịch nạp sẵn, hoặc tái nạp gắn với thân máy tích hợp hệ thống điều chỉnh, sử dụng muối nicotin nồng độ cao, thay vì nicotin đơn thuần.

“Thành phần và khí tỏa thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống thuốc lá điếu, cũng nguy cơ gây bệnh mãn tính về hô hấp, tim mạch, ung thư, bệnh răng miệng… Thuốc lá điện tử là môi trường thuận lợi để ma túy, cần sa thế hệ mới trà trộn vào, rất khó phát hiện…”, ThS.BS Lâm nêu vấn đề.

 Hút thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh minh họa

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh minh họa

Cố tình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử… xử lý trách nhiệm dân sự, hình sự?

Luật sư Mai Quốc Việt, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, các hành vi vi phạm liên quan thuốc lá điện tử từ ngày 01/01/2025, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Người thực hiện hành vi kinh doanh, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm cụ thể là thuốc lá điện tử, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

Tùy vào hành vi vi phạm, mức độ khác nhau mà người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1 triệu đồng (điểm d khoản 1 Điều 8) cho đến 100 triệu đồng (điểm d khoản 8 Điều 8).

Người có hành vi vi phạm bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ tang vật; công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng cấm; buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Theo luật sư Mai Quốc Việt, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015.

Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định: Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

“Đối với pháp nhân thương mại, nếu phạm tội với các quy định nêu trên, ngoài việc bị phạt tiền, còn bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (là chấm dứt hoạt động) nếu gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra theo Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015”, luật sư Việt nhấn mạnh.

Để ngăn chặn, đẩy lùi thuốc lá điện tử thế hệ mới tới giới trẻ, theo các chuyên gia, cùng với gia đình, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội.

Nhà trường cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện; tăng cường các hoạt động ngoại khóa để học sinh được giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Thúy Nga - Tiểu Phương/ VietnamDaily

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/nhan-dien-bien-the-thuoc-la-dien-tu-xam-nhap-vao-viet-nam-2071256.html
Zalo