Đừng tự biến mình thành 'lực lượng chống đối' trên mạng xã hội

Mặc dù nhiều người sử dụng tài khoản mạng xã hội tham gia các hội, nhóm phản động, chống đối do vô tình, hiếu kỳ nhưng đã tạo ra sự 'ảo tưởng' về 'lực lượng chống đối' cho các cá nhân, tổ chức phản động.

Thời gian qua, các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng việc lập, duy trì nhiều hội, nhóm để hoạt động chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 426 hội, nhóm phản động, chống đối thông qua nền tảng Facebook, Tiktok, Telegram…; hơn 1,4 triệu tài khoản tham gia thành viên; viết, tán phát gần 97.000 đầu tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

 Các hội, nhóm do các đối tượng phản động, chống đối lập ra để tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Các hội, nhóm do các đối tượng phản động, chống đối lập ra để tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Thực tế cho thấy, đại đa số người Hà Tĩnh đã có trách nhiệm sử dụng mạng xã hội để phục vụ hữu ích cho cuộc sống, cho xã hội và góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận dùng mạng xã hội mất cảnh giác, bị mạng xã hội tác động, hướng lái, dẫn dắt dẫn đến có lời nói, hành vi trái với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Việc sử dụng tài khoản mạng xã hội tham gia các hội, nhóm phản động, chống đối đã phần nào gây nên bất ổn về an ninh chính trị; một số trường hợp đã có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

 Công an TX Kỳ Anh xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với V.V.T (SN 1986, trú tại phường Kỳ Long) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên không gian mạng.

Công an TX Kỳ Anh xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với V.V.T (SN 1986, trú tại phường Kỳ Long) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên không gian mạng.

Có thể nhận diện, các hội, nhóm này do các đối tượng phản động, chống đối lập ra để tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Một số hội, nhóm công khai ngay mục đích ban đầu đối đầu với Đảng Cộng sản Việt Nam và tán phát các bài viết, video có nội dung xuyên tạc tình hình Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có những hội, nhóm không công khai mục đích, hoạt động chống Đảng, Nhà nước, nhưng thường xuyên cung cấp các thông tin để hướng lái, dẫn dắt người đọc có cái nhìn tiêu cực về những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh và của đất nước. Đặc biệt, một số hội, nhóm có tên gọi rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày (như: lịch sử, văn học, hội họa, thể thao, giải trí…), ban đầu tán phát các bài viết tích cực, nhưng khi có đông thành viên tham gia thì chuyển sang tán phát các bài viết chống Đảng, Nhà nước...

Nhiều người tham gia do vô tình, hiếu kỳ về những thông tin trái chiều và không có các phát ngôn, thể hiện ý kiến cá nhân tiêu cực trên không gian mạng. Tuy nhiên, sự tham gia của họ đã tạo ra sự “ảo tưởng” về “lực lượng chống đối” ở trong nước cho các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, một số người dùng mạng xã hội còn thiếu trách nhiệm, mất cảnh giác, bị mạng xã hội dẫn dắt từ nhiều thông tin trái chiều, dẫn đến biểu hiện lệch lạc, có cái nhìn tiêu cực đối với thành quả phát triển kinh tế- xã hội đạt được, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Trong đó, có trường hợp là cán bộ, đảng viên có tư tưởng bất mãn với chính quyền, tổ chức đảng nơi đang công tác; sử dụng các tài khoản mạng xã hội, tham gia ký tên vào thư ngỏ, kiến nghị, tuyên bố, thỉnh nguyện thư do số cơ hội chính trị, trí thức bất mãn khởi xướng.

Thậm chí, một số trường hợp đã bị tổ chức phản động móc nối tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo “xã hội dân sự”; bị số cầm đầu tổ chức phản động lôi kéo và đã thực hiện các hoạt động phức tạp, như: tán phát tài liệu, bài viết phản động, rải tờ rơi, truyền đơn phản động… trên địa bàn.

Việc có người trên địa bàn dùng mạng xã hội tham gia các hội, nhóm phản động, chống đối sẽ tạo “cơ hội” để các đối tượng phản động kích động gây rối loạn an ninh chính trị khi phát sinh các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh trật tự.

 Với hành vi chống phá Nhà nước, Phan Đình Sang (SN 1967, trú thôn 7, xã Hương Long, huyện Hương Khê) đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 6 năm tù giam.

Với hành vi chống phá Nhà nước, Phan Đình Sang (SN 1967, trú thôn 7, xã Hương Long, huyện Hương Khê) đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 6 năm tù giam.

Năm 2024, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bịa đặt trên không gian mạng; xử phạt hình sự 1 đối tượng 6 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Thời gian tới, các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối tiếp tục triệt để lợi dụng việc lập hội, nhóm trên không gian mạng để hoạt động chống Đảng, Nhà nước; tán phát các bài viết, video có nội dung xuyên tạc tình hình Việt Nam. Nhận diện rõ hậu quả, tác hại của các hội, nhóm phản động, chống đối trên không gian mạng, mỗi chúng ta cần ứng xử có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.

Hoài Long

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/dung-tu-bien-minh-thanh-luc-luong-chong-doi-tren-mang-xa-hoi-post280322.html
Zalo