Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ hòa bình
Chúng ta giữ được hòa khí giữa hai nước và phát triển hòa bình như vậy, thì các nước khác cũng yên tâm. Cho nên, nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ hòa bình, cũng là mong muốn của cả khu vực và thế giới.
Năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Chặng đường 15 năm qua, quan hệ hai nước đã ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và gia tăng lòng tin chính trị. Là hai quốc gia láng giềng, có chung mục tiêu xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những điểm chung đó đã tạo cho hai nước cơ hội để gắn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc phát triển đất nước hòa bình, hữu nghị, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân. Làm rõ hơn về những cơ hội và thách thức trong mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1951- 18/1/2025), phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Vụ trưởng vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương.
PV: Thưa ông, Trung Quốc là nước đầu tiên Việt Nam xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, còn Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu. Còn Trung Quốc thì coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng của họ. Theo ông, vì sao mà Việt Nam và Trung Quốc đều dành cho nhau sự ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của mỗi nước như vậy?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Đây là điều các nhà lãnh đạo hai nước đã nói với nhau như thế. Tôi tin rằng, khi mà lãnh đạo hai nước nói với nhau những câu ngoại giao như thế, thì không chỉ là ngoại giao đâu. Nó phản ánh thực chất quan hệ hai nước, cũng là nguyện vọng của nhân dân hai nước. Cho nên, chúng ta rất coi trọng trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc và ngược lại. Trung Quốc coi trọng chúng ta vì Trung Quốc muốn lấy một điển hình như Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, cũng do Đảng cộng sản lãnh đạo và đã rất thành công. Như thế để cho cộng đồng quốc tế hiểu rằng, Việt Nam và Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc cũng nhìn nhận Việt Nam là một nước phát triển như một ngôi sao đang lên trong khu vực. Việt Nam là cầu nối giữa Trung Quốc với ASEAN. Trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam đứng đầu về việc phát triển ổn định. Cho nên họ coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam là vì như thế.
Họ nói Việt Nam là sự lựa chọn ưu tiên trong đối ngoại của Trung Quốc. Còn Việt Nam chúng ta, “đứng” bên cạnh một nước lớn như vậy, có những ưu thế về mặt chính trị, về mặt ngoại giao như vậy thì chúng ta muốn Trung Quốc trở thành bạn bè thân thiết. Cho nên Việt Nam coi Trung Quốc là một đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện. Năm 2008, hai nước mới nâng cấp lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Thực tế từ đó đến nay, quan hệ hai nước, hợp tác hai nước đang có những dấu hiệu tích cực.
PV: Trong quan hệ giữa hai nước thì sẽ khó tránh khỏi những vấn đề còn chưa thống nhất. Nhưng nhân dân hai nước thì luôn mong muốn hai nước được hòa bình, hữu nghị, hợp tác để cùng nhau phát triển. Đó có được coi là một mẫu số chung, để hai nước có thể giải quyết tất cả những vấn đề bằng con đường ngoại giao, theo phương pháp hòa bình, thưa ông?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Nhân dân hai nước đều mong muốn có hòa bình, mong muốn có giao lưu hữu nghị. Không ai mong muốn xảy ra một chuyện gì để quan hệ hai nước xấu đi. Chúng ta đã có bài học lịch sử rồi. Lúc nào mà quan hệ hai nước Việt Nam với Trung Quốc ổn định, hòa bình, thì phát triển. Họ cũng phát triển, ta cũng phát triển. Điều này có lợi không những cho nhân dân Việt Nam chúng ta, mà cho cả khu vực. Thế giới bây giờ nhìn vào Việt Nam với Trung Quốc. Họ cảm thấy đây là một tấm gương trong mối quan hệ giữa nước lớn với nước nhỏ. Chúng ta giữ được hòa khí giữa hai nước và phát triển hòa bình như vậy, thì các nước khác cũng yên tâm. Cho nên, nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mong muốn có một mối quan hệ hòa bình, cũng là mong muốn của cả khu vực và thế giới. Tôi nghĩ như thế.
PV: Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng, vừa có chung mục tiêu xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội. Ông có cho rằng, điểm tương đồng này sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội để hai nước có thể gắn kết và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình phát triển đất nước?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Chúng ta với họ có cơ chế chính trị tương đồng. Nó không giống nhau hoàn toàn nhưng nó có rất nhiều điểm tương đồng. Cho nên, những gì mà chúng ta làm, Trung Quốc cũng xem xét để có thể áp dụng được hay không. Những gì Trung Quốc thành công, chúng ta cũng xem có thể áp dụng được với chúng ta không. Chúng ta không mang y nguyên nhưng chúng ta có thể học tập, tham khảo. Quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây với quá trình phát triển Trung Quốc gần đây, là có sự tương đồng. Đấy là gì? Đấy là Trung Quốc cải cách, mở cửa. Việt Nam đổi mới. Đó là điểm tương đồng rất quan trọng. Gần 40 năm qua, giữa hai nước tham khảo kinh nghiệm của nhau. Chính sự học hỏi lẫn nhau, tham khảo lẫn nhau đó, đã giúp cho mỗi nước có thêm những bài học kinh nghiệm để phát triển đất nước.
PV: Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang nổi lên rất gay gắt, thâm chí là xung đột, đối đầu nhau về lợi ích, quan hệ hai nước Việt – Trung đứng trước những thách thức nào? Và chúng ta phải ứng xử như thế nào để bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích với các đối tác của chúng ta?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Cạnh tranh giữa các nước lớn thì chúng ta không mong muốn. Thế nhưng thực tế nó đang diễn ra. Ta gọi là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Nhưng mà nó cũng có những đặc điểm khác nhau với thời chiến tranh lạnh. Ví dụ như như cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc ngày nay cũng không giống như Liên Xô với Mỹ trước đây. Cạnh tranh không phải là cạnh tranh "tôi sống anh chết". Mà là cuộc cạnh tranh "tôi trên anh anh, không thể trên tôi". Cuộc cạnh tranh đó dù sao đi chăng nữa cũng không có lợi cho việc phát triển của Việt nam. Cho nên, trong cuộc cạnh tranh đấy, chúng ta phải lựa chọn cách sống của chúng ta. Chúng ta không đứng về một bên nào cả. Việt Nam không chọn bên, không chọn phe. Mà chúng ta lựa chọn chính nghĩa. Chúng ta chọn lẽ phải. Chúng ta đứng về hòa bình. Dân tộc nào, quốc gia nào cũng thế thôi, cũng phải tìm cái có lợi cho dân tộc mình để mà sống. Cho nên trong cuộc cạnh tranh như thế, chúng ta nhìn thấy, chúng ta quan sát, chúng ta phải nghiên cứu kỹ. Cái gì ảnh hưởng đến chúng ta, chúng ta phải tìm cách tránh, tìm cách khắc phục. Nhưng không có nghĩa là chúng ta chọn một bên nào. Chúng ta độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và chúng ta chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa. Chúng ta không có chủ trương là chơi với nước này để kiềm chế nước kia. Chúng ta là hoàn toàn độc lập, tự chủ. Nhưng chúng ta đa phương hóa, đa dạng hóa. Cho nên Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước, trong đó có các nước lớn, các nước bạn bè láng giềng khác.
PV: Bắt đầu từ năm 2014, hai nước đã chính thức tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới. Theo ông, việc tổ chức hằng năm sự kiện này, có ý nghĩa như thế nào trong việc củng cố mối quan hệ hai nước?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Tôi cho rằng, lực lượng công an, quân đội hai nước mà kết nối được với nhau thì chúng ta yên tâm hơn. Những vấn đề liên quan đến an ninh biên giới, đến quốc phòng thì càng phải có sự thỏa thuận giữa hai bên. Đó là lý do mà tôi cho rằng, quân đội hai nước hằng năm có những cuộc gặp nhau, hội đàm, giao lưu với nhau ở biên giới. Tôi nghĩ rằng là gặp nhau như thế để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Trên thực tế, trên thế giới có rất nhiều chuyện mà quân đội hai bên không thể hiểu nhau, nên để xảy ra những chuyện rất đáng tiếc. Chúng ta với Trung Quốc có những kênh liên lạc như vậy rất là hiệu quả. Ngoài việc gặp nhau, còn có những đường dây để kết nối với nhau. Có vấn đề gì gọi cho nhau, có vấn đề gì thông báo, trao đổi với nhau thì mới đảm bảo được giữa hai bên không có sự va chạm đáng tiếc. Cho nên, việc mà quân đội hai bên gặp nhau hằng năm như thế, là việc mà tôi nghĩ rằng rất cần thiết và cần làm thường xuyên.
PV: Việt nam và Trung Quốc đều có chung đường biên giới trên bộ và trên biển. Như vậy, thông qua giao lưu quốc phòng biên giới, cũng sẽ góp phần rất quan trọng để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị phải không ạ?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Đúng thế, bây giờ ta với bạn có đường biên giới trên bộ là 1400km. Tôi đã từng đi rất nhiều tỉnh, rất nhiều vùng biên giới thì cảm thấy rằng, lực lượng của ta và lực lượng của bạn. Cụ thể là bộ đội biên phòng hai bên thường xuyên gặp nhau. Tôi đi cả 7 tỉnh biên giới của ta với hai tỉnh của Trung Quốc giáp biên với chúng ta là Vân Nam, Quảng Tây, thì các trạm biên phòng giữa hai bên thường xuyên gặp nhau. Việc gặp nhau như thế để có vấn đề gì thì giải quyết ngay. Nếu mà cấp họ không giải quyết được thì cấp trên họ giải quyết. Từ những việc nhỏ đấy, nó mới giải quyết được vấn đề, không để xảy ra chuyện lớn. Việc quân đội hai bên và công an hai bên, lực lượng an ninh hai bên trao đổi như thế, đảm bảo để cho biên giới trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị thì mới tăng cường việc hợp tác giữa hai nước.
PV: Vâng, một lần nữa xin được cảm ơn ông!