Nhân dân đồng thuận với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hà Nam

Hiện nay, việc xây dựng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện một cách khẩn trương với quyết tâm cao. Vừa qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp, nguyện vọng của nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất thông qua Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã tỉnh Hà Nam để triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương lớn này.

Theo Đề án, sau khi sắp xếp tỉnh Hà Nam còn 33 ĐVHC cấp xã (gồm 16 phường, 17 xã); giảm 65 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 66,3%). Trong đó, đối với thị xã Duy Tiên sắp xếp thành 5 ĐVHC cấp xã (phường: Duy Tiên, Duy Tân, Đồng Văn, Duy Hà, Tiên Sơn). Thị xã Kim Bảng còn 6 ĐVHC (phường: Lê Hồ, Nguyễn Úy, Lý Thường Kiệt, Kim Thanh, Tam Chúc, Kim Bảng). Thành phố Phủ Lý sau sắp xếp còn 5 ĐVHC (phường: Hà Nam, Phù Vân, Châu Sơn, Phủ Lý, Liêm Tuyền). Huyện Bình Lục sau sắp xếp còn 5 ĐVHC (xã: Bình Lục, Bình Mỹ, Bình An, Bình Giang, Bình Sơn). Huyện Thanh Liêm cũng được sắp xếp thành 5 ĐVHC (xã: Liêm Hà, Tân Thanh, Thanh Bình, Thanh Lâm, Thanh Liêm). Đối với huyện Lý Nhân sẽ được sắp xếp thành 7 ĐVHC (xã: Lý Nhân, Nam Xang, Bắc Lý, Trần Thương, Vĩnh Trụ, Nhân Hà, Nam Lý).

Sau khi dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Hà Nam được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua, theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã khẩn trương tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với phương án sắp xếp cũng như tên gọi của các xã, phường mới sau sáp nhập. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về sự cần thiết, phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã và các nội dung có liên quan nhằm lan tỏa, tạo sự đồng thuận, thống nhất của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân. Hình thức lấy ý kiến là phát phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. UBND cấp xã rà soát, lập danh sách cử tri theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố và được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để người dân kiểm tra thông tin.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chính Lý, huyện Lý Nhân cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Lý Nhân, Đảng ủy, UBND xã Chính Lý đã khẩn trương chỉ đạo 8/8 thôn đồng loạt thành lập các tổ lấy ý kiến của đại diện 3.557 hộ gia đình trong xã về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Mỗi tổ công tác gồm 10 người bao gồm đại diện cấp ủy, chính quyền, ban công tác mặt trận và các đoàn thể của thôn. Với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, các tổ công tác đã hoàn thành việc lấy ý kiến của nhân dân đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy định và tiến độ đã đề ra.

Theo đồng chí Phạm Đức Toanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 2, xã Chính Lý, để bảo đảm tiến độ lấy ý kiến cử tri, nhân dân, tổ công tác của thôn đã chia thành 3 nhóm nhỏ để tới từng hộ gia đình không kể thời gian. Với đặc điểm ở khu vực nông thôn, nhiều hộ dân ban ngày đi làm, đến tối mới có mặt ở nhà, cho nên tổ công tác tranh thủ buổi tối và sáng sớm khi người dân có mặt ở nhà để phát phiếu lấy ý kiến. Theo đồng chí Toanh, qua việc lấy ý kiến cho thấy, đại đa số người dân ủng hộ chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập các xã vì những lợi ích mà việc tinh gọn bộ máy mang lại vì sự phát triển lâu dài của đất nước, quê hương và an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời nhân dân cũng nhất trí cao với phương án sắp xếp ĐVHC trên địa bàn huyện Lý Nhân khi bỏ chính quyền cấp huyện, điều này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương trong huyện.

Tổ công tác lấy ý kiến nhân dân thôn 2, xã Chính Lý (Lý Nhân) phát phiếu lấy ý kiến hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Côi (áo xanh) đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Hà Nam.

Tổ công tác lấy ý kiến nhân dân thôn 2, xã Chính Lý (Lý Nhân) phát phiếu lấy ý kiến hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Côi (áo xanh) đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Hà Nam.

Tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được địa phương hoàn thành trong sáng 23/4. Theo đồng chí Lương Văn Bang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Vũ, xã Đạo Lý, việc để nhân dân đóng góp ý kiến thể hiện tính dân chủ, công khai của chính quyền. Tổ công tác của thôn đã chia thành 4 nhóm nhỏ tới từng hộ gia đình để lấy ý kiến. Đồng chí cũng chia sẻ thêm, trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng còn có một số người bày tỏ sự băn khoăn đối với việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập nhiều xã với nhau thành đơn vị mới, nhưng tổ công tác đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc sắp xếp ĐVHC, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để người dân nắm được và hiểu rõ hơn, từ đó hoàn toàn ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Qua tổng hợp, trên 99% cử tri trong thôn đồng thuận, thống nhất với phương án sáp nhập 3 xã: Chân Lý, Đạo Lý, Bắc Lý lấy tên gọi là xã Bắc Lý, trụ sở đặt tại xã Đạo Lý. “Nhân dân trong thôn, trong xã chúng tôi rất phấn khởi với cách sắp xếp này, và nhân dân chỉ có một nguyện vọng là khi bộ máy mới từ cấp tỉnh đến cấp xã đi vào hoạt động chính thức thực sự tinh, gọn, mạnh, gần dân, sát dân, làm việc hiệu quả đưa đất nước phát triển” – đồng chí Bang chia sẻ thêm.

Việc đặt tên ĐVHC mới sau sáp nhập xã, phường đang nhận được sự quan tâm rất lớn và đồng thuận cao của người dân. Việc lựa chọn tên gọi cho các ĐVHC cấp xã đã được tỉnh Hà Nam nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Hà Nam; đồng thời dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ. Bà Nguyễn Thị Hồng Côi, đảng viên 44 năm tuổi Đảng ở thôn 2 xã Chính Lý, huyện Lý Nhân bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng, kịp thời tiếp thu ý kiến góp ý, nguyện vọng của nhân dân để điều chỉnh lại tên gọi của các xã, phường mới sau sắp xếp ĐVHC cấp xã. Bà cho rằng, những tên gọi dự kiến được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân đã giúp nhiều địa phương giữ được hồn cốt quê hương, truyền thống, văn hóa, lịch sử, cũng như đáp ứng công tác cải cách hành chính, thuận lợi cho người dân. “Đảng viên và nhân dân chúng tôi rất tán thành, nhất trí cao với chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, bước đột phá chuẩn bị cho tầm nhìn trăm năm phát triển. Cho nên tôi thấy tên gọi của các xã, phường mới đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này rất hay, rất ý nghĩa. Như xã Chính Lý quê tôi sau khi sáp nhập sẽ được gọi tên là Lý Nhân thực sự là ý nghĩa và tự hào” – bà Côi phấn khởi chia sẻ.

Bà Phạm Thị Chúc, Tổ dân phố 3B, phường Châu Cầu, thành phố Phủ Lý cho biết, trong 2 lần lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sáp nhập tỉnh và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, gia đình bà cũng như đa số nhân dân trong khu phố đều đồng tình, nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước và đề án do tỉnh xây dựng. Bà cho rằng, phường Châu Cầu dự kiến sáp nhập với phường Thanh Châu, phường Liêm Chính và một phần của phường Quang Trung để thành lập phường mới lấy tên là phường Phủ Lý là một phương án hợp lý, bởi đây sẽ trở thành phường trung tâm nội thành của thành phố Phủ Lý cũ sau khi bỏ chính quyền cấp huyện mà vẫn giữ được tên gọi của vùng đất Phủ Lý anh hùng đã gắn bó, thân thuộc với người dân sinh ra và lớn lên ở đây. Bà Chúc cũng nhận xét những tên gọi mới của các xã, phường lân cận và ở các địa phương khác cũng rất hay và ý nghĩa, thay vì cách đặt tên theo tên địa phương cũ và đánh số cơ học.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp xã và cấp huyện trình HĐND cùng cấp xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã và hoàn chỉnh hồ sơ gửi về UBND tỉnh trước 17h ngày 26/4/2025. Tại Kế hoạch số 307-KH/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, giao Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Hà Nam trình Chính phủ dự kiến trước ngày 28/4/2025; ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp xã trước ngày 30/6/2025 và theo chỉ đạo của Trung ương.

Việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp được xem là bước đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy nhằm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Sự đồng thuận trong nhân dân là minh chứng cho niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

Hoa Hiên

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/nhan-dan-dong-thuan-voi-de-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-tinh-ha-nam-158345.html
Zalo