Nhân dân các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai 'tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin' xây dựng quê hương giàu đẹp (*)

 Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV - năm 2024.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV - năm 2024.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, bao lớp thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số đã kề vai, sát cánh với đồng bào Kinh kiên cường đấu tranh, dựng xây những vùng đất biên cương thiêng liêng trở thành "phên dậu" vững chắc của Tổ quốc. Đối với tỉnh Lào Cai, trong quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của mình, cộng đồng các dân tộc anh em nơi đây luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tự cường trong chống giặc ngoại xâm, chung tay thực hiện nhiều cuộc vận động lớn góp phần bảo vệ vững chắc biên cương, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, các cuộc vận động lớn. Đến nay, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực, được thể hiện trên nhiều phương diện.

Về cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được xây dựng, nâng cấp đồng bộ. Diện mạo nông thôn thay đổi với 63/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% UBND xã có đường ô tô đến trụ sở; 98% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; đã phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã và hơn 98% thôn, bản; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; 97% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Về công tác giảm nghèo chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5%/năm. Từ đầu nhiệm kỳ đã hỗ trợ xây mới, cải tạo gần 5.800 nhà tạm, nhà dột nát và mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 3/7/2024 để quyết tâm xóa hơn 7.000 nhà còn lại không đủ điều kiện ở (trong đó chủ yếu là nhà ở của các hộ dân tộc thiểu số) trước đại hội đảng bộ các cấp trong năm 2025.

Đối với công tác giáo dục dân tộc thiểu số, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo thường xuyên được đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển mạnh và ngày càng trở thành trụ cột của giáo dục vùng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 134 trường phổ thông dân tộc bán trú; 131 trường phổ thông có học sinh bán trú; hơn 50% số trường nội trú, bán trú đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở dạy nghề được mở rộng quy mô, đa dạng loại hình đào tạo, từng bước chú trọng đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số; cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp.

Về công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc được quan tâm; hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Chính sách khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám - chữa bệnh cho người nghèo được thực hiện nghiêm túc.

Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng. Nhiều lễ hội truyền thống đã được phục dựng; gìn giữ được nhiều mô hình làng, bản văn hóa truyền thống để gắn với phát triển du lịch.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức và hành động trong các tầng lớp Nhân dân vùng đồng bào dân tộc chuyển biến rõ nét. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang, trong lễ hội cũng như sinh hoạt dần thay đổi để phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhận thức về giới và bình đẳng giới ngày càng được nâng lên, phụ nữ dân tộc ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, công tác đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Đến nay, 100% thôn bản, tổ dân phố có tổ chức đảng; gần 90% có chi ủy. Việc phát huy vai trò của gần 1.100 người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương sự quyết tâm, kiên trì, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền; sự cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ làm công tác dân tộc; sự đóng góp đặc biệt quan trọng của toàn thể đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai trong suốt thời gian qua.

Thưa quý vị đại biểu,

Thưa toàn thể Đại hội,

Vui mừng trước những kết quả đã đạt được, song chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận công tác dân tộc của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đó là:

Sau hơn 32 năm tái lập tỉnh, đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn còn rất khó khăn; chênh lệch về thu nhập, mức sống, khả năng tiếp cận dịch vụ giữa dân tộc thiểu số và người Kinh còn cao; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn chiếm đến 95% tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh .

Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn, vùng cao còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số chính sách dân tộc còn bất cập, dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu nguồn lực.

Chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số chưa theo kịp nhu cầu của xã hội. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo trong các dân tộc thiểu số còn thấp, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì tập quán, thói quen sản xuất nhỏ, tự sản tự tiêu; kỹ năng và tác phong lao động vẫn còn lạc hậu.

Số lượng, cơ cấu cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa hợp lý, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong vùng đồng bào các dân tộc hiệu quả chưa cao.

Tình hình an ninh trật tự, vi phạm pháp luật ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp; việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo còn xảy ra; tình trạng tảo hôn, sinh con trước 18 tuổi, tập tục lạc hậu chưa khắc phục tốt.

Kính thưa toàn thể đại hội!

Vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc vừa có tính chiến lược, cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của nước ta, nhất là với tỉnh vùng cao, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số như Lào Cai. Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới gắn với yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, kiên trì thực hiện đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận để đồng bào các dân tộc thiểu số tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; kiên quyết đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc, trọng tâm làKết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 1/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới.

Hai là, tập trung tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hoàn thành 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có liên quan đến công tác dân tộc. Tiếp tục huy động đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ưu tiên chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục, đào tạo nghề trong đó ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò quyết định; các nguồn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân giữ vai trò quan trọng; sự đồng thuận và góp sức của chính người dân giữ vai trò then chốt.

Thực hiện hỗ trợ đồng bào phát triển các hoạt động kinh tế bền vững, nhất là trong sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ba là, các ngành, các địa phương tập trung rà soát, nắm bắt, sớm giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, đất đai, nhà ở, nước sinh hoạt và sản xuất, đào tạo nghề và việc làm, phòng chống các tệ nạn xã hội... tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng, kết hợp nhiều phương pháp, cách thức trong công tác tuyên truyền, cổ động phù hợp với đặc điểm tâm lý, tập quán, văn hóa từng tộc người để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình; phát huy ý chí, nội lực để vươn lên về mọi mặt.

Bốn là, các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang tập trung tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở chính trị khu vực biên giới vững mạnh; chủ động nắm chắc địa bàn; cùng gắn bó, hỗ trợ và đồng hành để mỗi người dân nói chung, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trở thành "cột mốc sống" tận tâm, tận lực bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.

Năm là, các địa phương, đặc biệt là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số hợp lý cả về cơ cấu và số lượng tạo nền tảng để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chất lượng, vững mạnh, toàn diện.

Sáu là, không ngừng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với việc quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách nhằm phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng để làm cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp chính quyền, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Kính thưa quý vị đại biểu

Thưa toàn thể Đại hội!

Ngay từ khi mới thành lập cho đến ngày nay, Đảng ta đã xác định giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển“ là nhất quán, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta nhằm không ngừng nâng cao đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng dân tộc.

Với tinh thần đó, nhân Đại hội hôm nay, tôi đề nghị đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để nâng cao mọi mặt đời sống vật chất - tinh thần; góp phần xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp.

(*) Đầu đề do Báo Lào Cai đặt

Báo Lào Cai

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhan-dan-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-lao-cai-tu-luc-tu-cuong-tu-chu-tu-tin-xay-dung-que-huong-giau-dep-post388926.html
Zalo