Nhãn chín sớm giá cao gấp đôi nhãn chính vụ
Dù còn hơn 2 tháng nữa nhãn chính vụ mới cho thu hoạch, nhưng những ngày này tại các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhiều hộ dân đã bắt đầu thu hoạch nhãn chín sớm.

Người dân xã Chí Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thu hoạch nhãn sớm. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Đây là thành quả của người nông dân, khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ. Điều này không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn giải quyết bài toán "được mùa mất giá".
Ở xã Chí Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, anh Hoàng Quang Tuấn nổi tiếng với biệt tài điều khiển nhãn ra hoa, đậu quả trước thời vụ. Tận mắt chứng kiến những chùm nhãn T6 sai trĩu quả, chúng tôi thực sự nể phục tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự sáng tạo của anh.
Anh Tuấn chia sẻ, là người trực tiếp trồng và đi bán nhãn anh rất sợ áp lực khi nhãn vào chính vụ. Nhãn khó tiêu thụ, thậm chí bị thương lái ép giá và điều này càng khiến anh thêm quyết tâm học hỏi, tìm tòi để làm nhãn trái vụ. Sau hơn 7 năm miệt mài học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, năm 2017, anh Tuấn đã thành công với mô hình.
Theo anh Tuấn, muốn rải vụ thu hoạch nhãn để tránh mất giá, bà con phải tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả sớm. Ngay sau vụ thu hoạch, bà con phải theo dõi sát sao sự phát triển của cây và căn cứ vào thời tiết để xác định thời điểm tác động khoanh cành, kích thích cho cây ra hoa, đậu quả sớm vào năm sau.
"Quy trình xử lý cho cây nhãn ra hoa sớm đòi hỏi cây phải khỏe, được chăm sóc tốt từ đầu vụ. Vào thời điểm thích hợp, người trồng tiến hành tưới chế phẩm sinh học dưới gốc cây, sau khoảng 10 ngày thì thực hiện khoanh cành và dừng tưới nước. Sau đó 25 đến 27 ngày, cây bắt đầu ra hoa. Chúng tôi thường áp dụng kỹ thuật này từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, để có thể thu hoạch quả từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch năm sau ", anh Tuấn nói.

Gia đình ông Hoàng Quang Tuấn ở xã Chí Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thu hoạch nhãn sớm. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Năm nay, dự kiến sản lượng nhãn trà sớm của gia đình anh Tuấn ước đạt khoảng 5 tấn quả, với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi nhãn chính vụ. Hiện tại, gia đình đang huy động người để cắt nhãn bán cho các thương lái ở Quảng Ninh, Hải Phòng...
Những ngày này, vườn nhãn hương chi rộng 1 mẫu của gia đình ông Nguyễn Đức Hậu, ở xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ có rất đông người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua nhãn. Ông Hậu cho biết, đây là vụ thứ 2 gia đình trồng nhãn trà sớm. So với nhãn chính vụ, để cây nhãn ra hoa, đậu quả sớm thì phải thực hiện kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt, tốn rất nhiều công và phải đúng thời kỳ, thời điểm nhưng bù lại nhãn bán chạy và được giá. Hiện gia đình đang huy đông người để thu hoạch nhãn, nhãn thu đến đâu được thương lái thu mua tới đó nên gia đình ông rất phấn khởi.

Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên nhãn sớm có quả to đều, mã đẹp như nhãn chính vụ. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, năm nay, toàn tỉnh trồng khoảng 5.000ha nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi. Các giống nhãn chủ yếu được trồng là nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn miền thiết, nhãn T6, nhãn siêu ngọt. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đến nay nhiều nhà vườn đã cho thu hoạch nhãn trà sớm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, Hưng Yên có ba trà nhãn gồm trà sớm, trà chính vụ, trà muộn. Trước đây, khi chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, tỷ lệ diện tích nhãn chín sớm tự nhiên là rất thấp, hầu hết các trà nhãn đều tập trung chín vào thời điểm chính vụ, do đó dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Do vậy, giá thành giảm nhiều ở thời điểm chính vụ nên hiệu quả kinh tế không cao.
Theo ông Tráng, để nâng cao chất lượng nông sản nói chung, nhãn quả tươi nói riêng, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách; xây dựng các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ. Cùng đó, sở chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, mở rộng vùng trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; khuyến khích người dân đầu tư mặt bằng sơ chế, trang thiết bị bảo quản để bảo đảm chất lượng nhãn quả sau thu hoạch.

Những chùm nhãn chín sớm sai trĩu quả. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tráng cho rằng, hiệu quả kinh tế từ nhãn trà sớm mang lại là rất lớn, tuy nhiên việc xử lý nhãn ra hoa sớm gặp không ít khó khăn, nhất là thời điểm rét đậm, tỷ lệ đậu quả sẽ không cao, giảm năng suất. Do vậy, người trồng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để cân đối tỷ lệ các trà nhãn.
Nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa "Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua", được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Để phát huy lợi thế này, những năm qua, chính quyền các địa phương và nông dân đã không ngừng nâng cao chất lượng, lưu giữ và nhân rộng nhiều loại giống nhãn quý. Đây là tiền đề đưa thương hiệu "nhãn lồng Hưng Yên" đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.