Nhân cách sống của người Tày Cao Bằng
Cao Bằng, từ ngàn xưa đã được các bậc tiền nhân mệnh danh là vùng đất 'Địa linh nhân kiệt' nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là nơi cư trú của các dân tộc anh em: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Sán chỉ, Lô lô, trong đó, cư dân Tày là một trong những cư dân bản địa có truyền thống văn hóa từ lâu đời, truyền thống văn hóa được bảo lưu, có tiếp thu và phát triển. Cũng giống như các dân tộc khác, người Tày có một hệ thống phong tục tập quán rất đặc sắc và đậm tính nhân văn.
Hệ thống phong tục tập quán tốt đẹp đó là một trong những yếu tố tạo nên truyền thống văn hóa tinh thần, là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của người Tày. Được sinh ra trên quê hương Cao Bằng, lớn lên từ những câu hát “ru” dân ca Tày mượt mà thiết tha của bà, của mẹ, được chìm đắm ngất ngây giữa tiếng chim ca, vượn hú hòa cùng tiếng mõ trâu lốc cốc và những cột khói màu lam trên nóc nhà sàn mỗi chiều về nơi thung xanh ngút ngàn, tôi luôn mong muốn được hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc Tày và từ đó nhận thức đầy đủ hơn về những giá trị nhân văn tốt đẹp vốn có của dân tộc Tày.
Theo tìm hiểu, nhân cách sống người Tày Cao Bằng luôn gắn liền với tiến trình hình thành, phát triển theo các hoạt động văn hóa xã hội cùng cộng đồng dân tộc. Nhân cách sống của một con người nói chung và người Tày nói riêng, về chủ quan là từ rèn luyện, tu dưỡng, tích lũy cả trường đời. Nhân cách sống của người Tày ở Cao Bằng có bề dày về lịch sử, là biểu tượng cao đẹp mang tính đặc trưng của một dân tộc, là kho tàng phong tục, tập quán truyền thống, được hun đúc, trau dồi, trao truyền từ đời trước tiếp đời sau. Người Tày Cao Bằng cũng như mọi dân tộc miền núi nói riêng và Việt Nam nói chung luôn sống gắn bó trong tình yêu thương, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất, năng động vượt qua mọi khó khăn thách thức. Điều đó được thể hiện trong mọi tình huống, ở mỗi góc độ quan hệ của cuộc sống, từ mối quan hệ gia đình, gia tộc dòng họ, bản làng, xã hội và thiên nhiên.
Nhân cách sống của người Tày Cao Bằng được thể hiện trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Gia đình cổ truyền của người Tày Cao Bằng theo chế độ phụ hệ. Đàn ông nắm quyền tối cao trong gia đình, mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình đều do đàn ông định đoạt, phụ nữ chỉ biết tiếp thu và phục tùng. Phụ nữ về làm dâu không được ngồi ngang hàng hay chung mâm với bố hoặc anh chồng.
Trong gia đình người Tày thường trọng bên nội. Khi cha, mẹ mất, chú (em bố) hoặc bác (anh bố) sẽ là người chịu trách nhiệm thay anh hoặc em nuôi dưỡng hay chăm lo cuộc sống các cháu đến tuổi trưởng thành thì định đoạt việc dựng vợ gả chồng. Con trai có nhiệm vụ chăm lo, thờ cúng tổ tiên và được hưởng tài sản của gia đình. Trường hợp gia đình không có con trai, được quyền kén rể ở trọn đời, (tiếng Tày gọi là “Au khươi nạp tuể”). Trong lễ cưới con rể “Khươi nạp tuể” lo thực hiện mọi nghi lễ cúng gia tiên như con gái về nhà chồng, sau lễ cưới con rể về ở hẳn nhà vợ, tuy nhiên, con rể không phải đổi họ nhưng con cái sinh ra sẽ theo họ mẹ và được thừa kế tài sản. Mỗi thành viên trong gia đình, trước tiên luôn biết tự lập đồng thời bảo đảm phép tắc riêng của gia đình. Còn nhỏ nghe lời chỉ bảo dạy dỗ của cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác. Khi trưởng thành tuân thủ theo gia phong, gia tộc, ngoài ra thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và có trách nhiệm với cộng đồng bản làng, xã hội. Tránh mọi điều xấu làm ảnh hưởng tới bản thân, gia đình, dòng tộc. Sống trung thực, linh hoạt năng động, sống có tình, có nghĩa luôn hòa thuận trong gia đình, với bản làng và xã hội. Có lẽ nhờ đó mà trai gái, trẻ già người Tày trước đây ít sa đà với tệ nạn xã hội, hoặc có hành vi hại dân, phản quốc. Gia đình là một thành viên luôn gắn chặt với dòng họ, gia tộc, bản làng và xã hội. Trong mỗi gia đình có từ hai đến năm thế hệ cùng chung sống gọi là lưỡng gia ngũ đại đồng đường luôn tôn trọng, tuân thủ có nền nếp tôn ti trật tự, kính trên, nhường dưới và luôn thương yêu đùm bọc cho nhau.
Con cháu khôn lớn có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ tuổi cao sức yếu, hay cha mẹ, ông bà quy tiên, con cháu lo tang lễ, ma chay chu đáo trọn đạo hiếu. Trước đây tổ chức tang lễ rất linh đình, mời thầy Tào tế lễ từ ba đến năm ngày đêm. Mổ nhiều lợn, gà, vịt, trâu, bò cúng tế, sau đó mới được đưa đi chôn cất. Sau tang lễ gia đình con cháu thờ cúng hàng ngày vong linh cha mẹ, ông bà đủ ba năm. Đến khi mãn tang mới tổ chức nhập vong linh lên cùng tổ tiên. Việc tang lễ ngày nay đã giảm bớt rờm rà, những vẫn đảm bảo đúng, đủ thủ tục cho người đã khuất.
Người Tày đề cao quan hệ trong cộng đồng làng bản và xã hội. Theo tập quán, người Tày chủ yếu sống quần cư tập trung thành những làng bản, từ 10 cho đến trên dưới 100 nóc nhà tùy theo địa hình. Từ khi Đảng và Nhà nước có chính sách đưa người miền xuôi lên khai hoang miền núi và chính sách hạ sơn định canh định cư đối với người Mông, Dao…, đời sống kinh tế và văn hóa tại các bản làng người Tày phong phú và sinh động hơn. Song, nhân cách sống người Tày vẫn giữ vai trò chủ đạo ở những bản làng, như việc hiếu hỷ, gỗ chạp, mọi nghi lễ.
Làng bản của người Tày luôn được sắp xếp theo thế núi đồi và dòng chảy của sông, suối như: “Pù pài khau phja dú bưởng lăng. Thôm pia nà nặm dú bưởng nả. Rườn lảng tua cần dú tỉnh chang” nghĩa là (Đồi gò rừng núi ở phía sau. Ao cá ruộng nước ở phía trước. Nhà cửa con người ở chính giữa). Người Tày thường ở nhà sàn, cấu trúc của ngôi nhà thường có từ ba gian, năm gian, bảy gian, chín gian. Từ năm đến chín hàng cột, mái được lợp bằng ngói máng (ngói âm dương). Mỗi khi trong làng, bản có việc hiếu, hỷ thì cả làng, cả bản đều tập trung, giải quyết xong việc mới về nhà mình. Trong lễ, tết đều tổ chức ăn uống, chúc tụng từ nhà này sang nhà khác. Người Tày rất chú trọng tính cố kết cộng đồng vững chắc, câu cửa miệng là: “Pò bản - Rườn làu”. “Bản bấu mắn - Rườn tó slán”, ý là (Cả bản - Nhà mình. Bản mà không vững chắc - Thì nhà mình cũng tan). Trong cộng đồng làng bản của người Tày Cao Bằng có ba tổ chức quan trọng, có ý nghĩa tiên quyết gắn chặt mối tình thân hữu giữa các gia đình với nhau thành một khối thống nhất, gồm: Hội Hiếu, Hội Hộ bạn, Hội Lệ làng.Mỗi tổ chức hội đều xây dựng nội dung, quy ước cho phù hợp tính chất và nhiệm vụ và thông qua có sự thống nhất cao.
Trong tiến trình hình thành và phát triển, người Tày luôn trân trọng và bảo vệ thiên nhiên, coi rừng và nguồn nước là thần hộ mệnh của bản làng, các thế hệ dân bản luôn được giáo dục bằng những câu tục ngữ đầy triết lý rằng “Đông na phya cải, tjả khuổi nặm slây, slổng ké rjèng mắn, bản djẻ phình lình - Rừng rậm núi lớn, sông suối nước trong, sống khỏe sống lâu, bản làng bình yên”.
Trong đời sống tâm linh của người Tày Cao Bằng có ý nghĩa quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống sinh tồn: Bàn thờ tổ tiên tại mỗi gia đình, Miếu thờ thổ công nơi đầu bản, Đông sjấn - rừng thần. Núi, sông, suối đều là hình thù “Tứ Linh” được coi là rất linh thiêng nên cấm khai thác làm biến dạng cảnh quan, mất vẻ đẹp, tạo lũ quét, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cuộc sống thường ngày.
Nhân cách sống của người Tày Cao Bằng còn được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật thơ ca nhạc họa. Các tác phẩm nghệ thuật của người Tày Cao Bằng nổi tiếng như: làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là nghệ thuật diễn xướng Then, Then của người Tày Cao Bằng được các nhà khoa học khẳng định là nguồn gốc của Then hiện có tại các tỉnh. Thông qua những khúc hát, những câu hát triết lý trong Then tác động mạnh mẽ đến các mặt: Văn, thể, mỹ, đức, trí…góp phần giáo dục hoàn thiện nhân cách sống, nâng cao trí tuệ và mối quan hệ xã hội mà người Tày vẫn luôn được giữ gìn, xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
Qua nghiên cứu tài liệu và thực tế chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống nhân văn của người Tày, thấy rõ được sự đa dạng nhưng vô cùng độc đáo riêng có của văn hóa dân tộc Tày, thế hệ trẻ chúng tôi thêm yêu và tự hào về những giá trị văn hóa đặc sắc đó.