Nhâm Nhi Tết Ất Tỵ

Ấn phẩm đặc biệt Nhâm Nhi Tết Ất Tỵ do Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt giáp Tết như cánh én báo tin mùa Xuân mới đã về trên mọi miền đất nước và đến với mọi gia đình.

Tập sách năm nay chứa 22 sáng tác thơ, văn, tranh minh họa tuyệt đẹp và đậm đà không khí Tết của nhiều tác giả như Nguyễn Thị Như Hiền, Trần Quốc Toàn, Lê Chip, Đoàn Mai Anh, Vũ Thị Thanh Tâm, Phạm Anh Xuân, Trương Thiếu Huyền, Lê Điểm, LinhRab…

Hương vị Tết đến, Xuân về

Nội dung sách tràn ngập hương vị Tết đến, Xuân về. Từ những câu chuyện về Nàng tiên Mùa Xuân xinh đẹp cho đến hình ảnh đầy nhân văn và mang ý nghĩa giáo dục thiếu nhi cao như câu chuyện cậu bé tên Khang ôm chậu vạn thọ đến biếu bà Năm bán xôi trước cổng trường để cảm ơn bà hay kể chuyện, cho quà các học trò mà bà thương như con cháu (Quà của mùa xuân - Như Hiền).

Những đoản văn, bài thơ gắn kết truyền thống và cội nguồn, chan chứa niềm vui sum họp gia đình, ấm áp tình thân, tình người và sự sẻ chia mang đến những vẻ đẹp thiêng liêng của mùa xuân, dịp Tết. Những trải nghiệm mới mẻ và đầy sắc xuân.

Tác giả Đoàn Mai Anh cho biết chị rất vui khi có sáng tác mới trong ấn phẩm Nhâm Nhi Tết Ất Tỵ: “Với truyện Cư dân bí ẩn của rừng U Minh Hạ tôi kể câu chuyện đồng thoại về một ông Rắn Hổ Mây đến trú ẩn tại khu rừng và bằng hành động tích cực của mình đóng góp cho cộng đồng đã thay đổi được sự bàn tán nghi ngại từ các loài khác”.

Những trang viết khác về Rắn rất hợp con giáp năm nay như: Rắn thần nước Việt, Làng lệ Mật và điệu múa Giảo Long, chuyện về vị danh sĩ tuổi Rắn Cao Bá Quát (1808-1855) nổi tiếng thần đồng, hay chữ, tính cách cương trực song có chặng đường khoa cử, công danh đầy truân chuyên…

Cách “ăn Tết Bắc và Tết Nam” trong bài Gia đình xí ngầu của tác giả Mai Anh mang phong cách gần gũi với mọi nhà, tái hiện cảnh gia đình đón Tết, cùng ăn bữa cơm đoàn viên giao thừa: “Luật Tết bất thành văn” được bố sửa lại thành một năm ăn Tết Hà Nội xen kẽ một năm ăn Tết Sài Gòn. Và bất kể ở nơi đâu, mâm cỗ nhà tui không bao giờ thiếu canh miến măng, gà luộc bên cạnh nồi khổ qua và thịt kho hột vịt. À chưa hết nha, bố sẽ trang trí nhà cửa với một chậu mai đặt ngoài sân và một cành đào Nhật Tân cắm trong nhà. Còn má tui, chắc hẳn đang bận bịu dọn nhà và không quên càm ràm mỗi lần gió thổi nhẹ qua thôi.

Kỷ niệm Bắc - Nam sum họp một nhà

Đáng chú ý có bài viết mang giá trị tư liệu cao từ nhà văn Trương Quý về lịch sử ra đời của ca khúc dành cho thiếu nhi Bài ca chữ S của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với lời hát vui nhộn, ngộ nghĩnh rất được yêu thích: “Tình tính tang, thật rõ tươi, Y hệt nét in cong cong, Cong cong dải đất Việt Nam, Nay Bắc Nam, nay tình tang, Bắc Nam nối liền”.

Tác giả Trương Quý kể: “Bài ca chữ S của Nguyễn Xuân Khoát viết vào năm 1956 đã tinh tế thể hiện niềm mong ước thống nhất đất nước trong một hoạt động học tập thông thường. Đó chính là bài học đầu tiên về hình thể đất nước như một nét bút liền”.

Năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm ngày “Bắc Nam sum họp một nhà”, đất nước thống nhất nên độc giả càng thêm phấn khởi khi được “du xuân, trải nghiệm văn hóa muôn nơi” với những trang viết tinh tế, đặc sắc, đa dạng và phong phú khắp ba miền. Từ khám phá món bánh ngào ẩm thực Tết xứ Nghệ đến nghe câu ca ngắm điệu múa ở Tết Katê của đồng bào Chăm, Tết quê ở Hà Tĩnh (Điệu sắc bùa quê hương)…

Tất tần tật Tết ta (thơ Thương Thương), Ú òa Tết phương Nam, Tết gia đình là nhất (thơ Văn Thành Lê)… là các tập thơ chủ đề về Tết dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng chứa nhiều lời thơ, câu chuyện nhỏ thú vị, ấm áp về mùa Xuân rực rỡ và tươi mới, phản ánh không khí ấm áp và vui vẻ dịp Tết. Ví dụ:

“Nơi nào tết đi qua

Là tiếng cười đọng lại

Là mùa xuân gõ cửa

E ấp những ban mai”

Các tập thơ nhỏ gọn, đẹp mắt này thích hợp cho gia đình cùng nhau tận hưởng niềm vui đọc sách trong những ngày đầu năm mới, gửi gắm những lời nhắn nhủ về tình yêu thương, giá trị của văn hóa truyền thống, cội nguồn dân tộc. Đó cũng là cách đón Xuân đầy ý nghĩa cho mọi nhà.

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/nham-nhi-tet-at-ty-34a7456/
Zalo