Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Điều còn mãi nên 'trẻ hóa' để tiếp cận khán giả!
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho rằng bài toán với 'Điều còn mãi' lúc này là đảm bảo yếu tố hợp thời. Theo anh, cần 'trẻ hóa' chương trình để tìm kiếm đối tượng khán giả mới.
Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi 2024 - sự kiện âm nhạc quốc gia đặc biệt do Báo VietNamNet phối hợp với IBgroup Việt Nam tổ chức sản xuất vào ngày Quốc khánh 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội vừa khép lại trọn vẹn với dư âm rộn ràng, khơi dậy và kết nối niềm tự hào dân tộc. Ban tổ chức đã cho thấy nỗ lực gìn giữ kho tàng nhạc Việt và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước.
Cần lan rộng “tinh thần Điều còn mãi” đến các buổi hòa nhạc trên cả nước
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - Giám đốc âm nhạc của Điều còn mãi 2024 - bày tỏ niềm hạnh phúc sau khi chương trình kết thúc trong những tràng pháo tay và lời ngợi khen của khán giả, giới chuyên môn, không ít trong đó là bạn bè quốc tế.
Anh cho rằng thành công của chương trình đến từ sự đa dạng, mới mẻ trong phong cách nghệ thuật. Các tác phẩm được làm mới nhưng không xa rời giá trị cũ, phải tôn được tinh thần gốc của tác phẩm, truyền tải trọn vẹn tâm tư của tác giả đến công chúng.
15 tác phẩm trong hòa nhạc là 15 câu chuyện được anh cùng ê-kíp dày công nghiên cứu, chắt lọc, để từ đó có bản phối phù hợp nhất cho tổng thể chương trình.
“Vị nhạc trưởng Pháp Olivier Ochanine và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời rất yêu quý âm nhạc Việt Nam. Họ phấn khởi, cảm thấy hạnh phúc vì góp mặt trong chương trình và mong tiếp tục có dịp được cộng tác trong tương lai. Tôi nghĩ ở phương diện nào đó, chương trình đã mở ra một sự kết nối trên tinh thần hội nhập, giao thoa quốc tế. Đó là cái hay, cái mới và cần thiết của Điều còn mãi năm nay”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói.
Trần Mạnh Hùng cho rằng nét độc đáo của chương trình là giữ được tính nguyên bản từ ngày đầu tổ chức, đó là trở thành chiếc cầu nối đưa khán giả đến gần hơn với thể loại giao hưởng thính phòng.
Điều còn mãi đi đầu trong việc tôn vinh giá trị âm nhạc Việt Nam, từ thanh nhạc tới khí nhạc, từ truyền thống tới hiện đại, từ các nghệ sĩ lớn tới tài năng trẻ… qua đó lan tỏa tính dân tộc trong mỗi người con Việt vào ngày trọng đại 2/9.
Qua Điều còn mãi, anh mong những giá trị ấy được đến gần hơn với số đông, các ban ngành, đơn vị tổ chức… để nhân rộng ở các chương trình hòa nhạc trên cả nước.
“Ở quốc tế, các chương trình thế này thường được chọn biểu diễn trong dịp lễ lớn, sự kiện trọng đại hay đón năm mới… Tôi tin các buổi hòa nhạc như vậy sẽ mang đến đóng góp nhất định cho xã hội. Khi một đất nước giàu mạnh thì âm nhạc cũng trở nên đồ sộ, vươn tới và sánh vai bạn bè trên thế giới”, nhạc sĩ chia sẻ.
"Trẻ hóa” để tiếp cận khán giả
Trả lời câu hỏi: Anh mong mỏi gì về diện mạo của "Điều còn mãi" trong các năm tới?, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhận định, một chương trình khi biểu diễn trực tiếp cùng dàn nhạc giao hưởng, với bao nhiêu con người và tiết mục dày đặc tất nhiên có hạt sạn. Thế nhưng, điều đó thực sự nhỏ bé nếu so với thành công và sức lan tỏa của buổi hòa nhạc.
Nam nhạc sĩ nhìn nhận những tiết mục năm nay khó khăn trong việc thu hút khán giả trẻ. Các ca khúc gắn với lịch sử, phần lớn đánh dấu kỷ niệm cột mốc quan trọng như: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô… không dễ tiếp cận thế hệ gen Z và khiến họ hào hứng theo dõi.
Bài toán đặt ra lúc này là chương trình dù kể câu chuyện quá khứ song phải hợp thời, phù hợp đối tượng mới. Do đó, việc “trẻ hóa” các tác phẩm trong cả bản phối, dàn dựng đến cách thể hiện là điều cần thiết nhằm xóa nhòa khoảng cách thế hệ, tạo ra bước chuyển trong âm nhạc.
Khi ê-kíp tâm huyết và làm hay, chương trình không lo thiếu vắng hình bóng của khán giả trẻ bởi đối tượng này ưa khám phá, thích tìm hiểu và dễ lan tỏa đến mọi người xung quanh.
Mặt khác, điều khiến nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng quan ngại là chất lượng âm thanh chênh lệch của chương trình ở sân khấu so với khi phát trên sóng truyền hình.
Buổi hòa nhạc với ê-kíp hàng trăm con người trên sóng trực tiếp là điều thách thức ngay cả với các quốc gia tân tiến như châu Âu. Do đó, bất cứ chương trình nào đều phải cần có đủ thời gian chuẩn bị từ khâu nhỏ nhất để đảm bảo nội dung trọn vẹn khi diễn ra chính thức.
"Tôi mong các năm tới khâu kịch bản có sớm để có thể triển khai các bản tổng phổ đến nghệ sĩ. Các solist, dàn nhạc trao đổi với Giám đốc nghệ thuật nhằm có thêm sự hiểu biết sâu hơn về tác phẩm, từ đó thể hiện đúng và 'có hồn' hơn”, anh bày tỏ.
Trần Mạnh Hùng tin rằng khi có đủ thời gian, tâm huyết và đặc biệt là “sức trẻ” của đội ngũ kế thừa, chương trình sẽ diễn ra ngày một hay hơn, đúng tầm vóc và sứ mệnh của nó về một sự kiện nghệ thuật đặc biệt của dân tộc.
Clip NSƯT Phạm Khánh Ngọc hát "Người Hà Nội"
Ảnh: Phạm Hải, Trọng Tùng