Nhạc sĩ Phạm Tuyên và 'Cánh én tuổi thơ'
Nhiều thế hệ tuổi thơ đã cất lên câu hát ấy, giai điệu da diết, tình cảm khi tiết trời chuyển từ mùa đông giá lạnh sang mùa xuân ấm áp với thật nhiều ước vọng.
Bài hát “Cánh én tuổi thơ” được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác mùa đông năm 1987, phát sóng lần đầu tiên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mùa xuân 1988. Nhạc sĩ viết “Cánh én tuổi thơ” dành cho lứa tuổi thiếu niên với nhiều mộng mơ, ước vọng, lứa tuổi còn khan hiếm ca khúc của riêng mình.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_8_51434002/0bd2dd62e62c0f72563d.jpg)
Câu mở đầu bài xuất phát từ một ngạn ngữ của Pháp: “Une hirondelle ne fait pas le printemps - Một con chim én không tạo nên mùa xuân”, câu hát dường như gắn liền với cuộc đời của nhạc sĩ, khi cách đây đúng 95 năm, vào một ngày đông sắp sang xuân (12-1-1930), ông chào đời trong tình thương của cả gia đình. Lúc viết bài ca nhỏ này chắc hẳn nhạc sĩ Phạm Tuyên đã hồi tưởng về tuổi thơ của mình, những năm tháng ngắn ngủi êm đềm bên cha mẹ với bao ước mơ...
Ngược dòng thời gian trở lại những năm 30, 40 của thế kỷ XX, cậu bé Phạm Tuyên sống cùng gia đình ở ngôi biệt thự có tên Hoa Đường nằm cạnh dòng An Cựu tại kinh thành Huế. Đi học tại ngôi trường Quốc học Huế nổi tiếng, cậu được tiếp xúc với những kiến thức, tinh hoa thế giới, vì thế mà ước mơ nghệ thuật càng bay bổng. Tham gia ban nhạc ở trường, cậu có cơ duyên sinh hoạt cùng người bạn đồng trang lứa tên là Nguyễn Tăng Hích, sau này cũng trở thành một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Trần Hoàn. Và có lẽ những tinh túy về văn học, âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ... được tiếp thụ từ thuở ấu thơ ấy đã song hành cùng nhạc sĩ trong cả cuộc đời. Để rồi gần năm mươi năm sau ông gửi gắm vào những câu hát: “Những cánh én chấp chới của mọi tuổi thơ, những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ...”.
Trở lại thời điểm chuyển giao giữa năm 1987 và 1988, lúc này cô con gái út của nhạc sĩ đang là sinh viên, học xa nhà ở Liên Xô. Đó là mùa đông đầu tiên cô gái xa bố mẹ, phải tự lập mà lại vụng về, hậu đậu nên tủi thân vô cùng. Cô sinh viên gầy còm, lẻo khoẻo, hay ốm đau, lần thì ngất giữa đường, lần thì sốt cao xình xịch vì ngấm tuyết lạnh... Có những lúc bị đau đầu, chỉ biết viết những dòng thư: “Bố mẹ ơi, con đau đầu quá, con muốn về nhà với bố mẹ...”. Khi đọc lá thư của con gái, ông đã thương xót lắm và dồn nén tình cảm viết những dòng nhạc, lời ca về cô út đang cô đơn, nhớ gia đình ở phương trời tuyết rơi lạnh lẽo: “Một cánh én nhỏ lạc bầy giữa mùa đông/ Cô đơn giữa trời sương mờ giăng trắng đồng...”.
Đó là những tình cảm có chút riêng tư nhạc sĩ đưa vào bài hát, nhưng những người yêu nhạc đều có cảm xúc đặc biệt khi nghe khúc ca ấy, cả trẻ thơ và người lớn tuổi. Các bạn nhỏ có những ước mơ, những khát khao bay bổng giữa bầu trời rộng lớn như cánh én, còn người lớn lại là những nỗi buồn man mác, tiếc nuối về tuổi thơ đã trôi qua... Nhưng “Một cánh én không làm nên mùa xuân” chính là thông điệp quan trọng nhất nhạc sĩ muốn gửi gắm tới tất cả những ai đã, đang và sẽ nghe, hát khúc ca ấy của ông.
Với hơn 200 bài hát dành cho trẻ em, nhạc sĩ Phạm Tuyên được Kỷ lục Việt Nam xác nhận là người có nhiều bài phổ biến tới thiếu nhi nhất. Ông luôn mong muốn ngày càng có thêm nhiều ca khúc viết cho tuổi thơ, cũng là tương lai của đất nước. Xã hội càng hiện đại, trẻ em có thêm nhiều nguồn kiến thức, hình thức giải trí, tuy vậy, bài hát dành riêng cho các em cứ ngày một thiếu hụt. Nhạc sĩ Phạm Tuyên giờ tuổi đã cao, sức yếu hơn, càng trăn trở về vấn đề này. Ông mong muốn có thêm nhiều “cánh én” không chỉ từ các nhạc sĩ mà còn là tất cả những ai quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ thơ, để có thể “dệt nên mùa xuân” - chính là các bài hát, món quà trân quý cho những búp măng non của đất nước, làm phong phú thêm tâm hồn, tràn ngập yêu thương.
“Cánh én tuổi thơ” như một biểu trưng cho các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, những gì tốt đẹp, trong sáng nhất ông gửi tặng tuổi nhỏ Việt Nam. NXB Kim Đồng đã tập hợp các bài hát thiếu nhi của ông trong tập sách với chính tên “Cánh én tuổi thơ”, tập sách được tái bản tới 4 lần. Nhiều chương trình tôn vinh các tác phẩm của ông cũng lấy tên “Cánh én tuổi thơ”, những cánh én kết nối trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cách đây vài năm, “Cánh én tuổi thơ” là một trong những bài hát thiếu nhi đầu tiên được chuyển ngữ sang tiếng Anh với tên gọi “Swallow for children”. Nhờ giai điệu đẹp, truyền cảm, tươi sáng mà phần lời ca tiếng Anh như thêm lung linh, thiết tha và như được chắp thêm đôi cánh đến với nhiều người nghe nhạc hơn nữa.
Một mùa xuân mới lại đang về, “rủ nhau én về theo làn nắng ấm dần...”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên với cuộc đời gần một thế kỷ song hành cùng đất nước luôn mong muốn trẻ em Việt Nam có thêm nhiều bài hát, ông hy vọng vào lớp người kế tiếp ông sẽ chăm lo đến đời sống tinh thần của tuổi thơ như thế hệ các ông đã làm.