Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung: xây dựng những giá trị sống bằng âm nhạc

Trong làng nhạc Việt Nam, cái tên Nguyễn Thành Trung ngày càng trở nên quen thuộc, dù anh luôn khiêm tốn nhận mình là một nhạc sĩ tay ngang, giới truyền thông chưa biết đến nhiều.

Không ồn ào, Nguyễn Thành Trung dường như chọn cách để âm nhạc của mình tự lên tiếng. Với phong cách trữ tình lãng mạn, những sáng tác của anh mang đậm dấu ấn cá nhân, chạm đến trái tim người nghe bằng sự chân thành và sâu sắc.

Lãng mạn, tự sự và đậm chất đời

Thưởng thức những tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Thành Trung, người nghe cảm nhận được đây là tác giả luôn trung thành với phong cách trữ tình lãng mạn, chỉ thấp thoáng trong một vài tác phẩm trẻ trung và có chút sôi động. Sâu hơn, có thể nói những bài hát của anh phần lớn mang tính tự sự, chậm rãi và phảng phất chút lãng mạn và có lẽ như thế mới phản ánh đúng con người và tâm hồn anh.

Âm nhạc của Nguyễn Thành Trung trong tất cả các sáng tác đều có một gam màu trội, đấy là nguồn cảm hứng gần gũi với những trải nghiệm của anh trong cuộc sống. Chỉ cần lướt qua những chủ đề mà anh chọn có thể thấy ngay anh chọn gì làm chất liệu cho âm nhạc, muốn đưa vào âm nhạc để gửi đến người nghe. Đó là tình yêu, gia đình và tình cảm cho quê hương, đất nước.

Những ca khúc như “Hà Nội cũ”, “Như tình em”, “Kẹp tóc màu xanh” hay “Cho con” đều là những câu chuyện được kể bằng âm nhạc, phản ánh những cảm xúc chân thật và sâu sắc. Và Nguyễn Thành Trung có “chất” riêng khi viết về Hà Nội, đấy là nỗi nhớ nhung da diết, là về người vợ với tình yêu dịu dàng, về con cái với sự yêu thương của một người cha, và về quê hương đất nước với niềm tự hào tha thiết.

Ngay từ ca khúc đầu tiên khi bắt đầu được giới thiệu trên con đường âm nhạc, Nguyễn Thành Trung đã “ghi điểm” trong lòng người nghe với ca khúc “Hà Nội cũ”. Nó càng trở nên phổ biến và chiếm được cảm tình của nhiều lớp khán giả khi được thể hiện qua giọng hát của ca sĩ Mai Diệu Ly trong MV cùng tên, tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của Nguyễn Thành Trung.

“Hà Nội cũ” không chỉ là một Hà Nội như ta thường thấy trong nhiều ca khúc về mảnh đất kinh kỳ mà “Hà Nội cũ” của Nguyễn Thành Trung là một chuyện tình lãng mạn, là một bức tranh đa màu sắc với những gánh hàng hoa, những buổi chiều bên ly ca phê đắng ở một “ngõ nhỏ, phố nhỏ” nào đó. Người nghe có thể không cần xem MV thì những thước phim về một Hà Nội thân thương như thế vẫn chảy trong đầu, vẫn vang lên nhưng thanh âm quyến rũ…

Bên cạnh “Hà Nội cũ” Nguyễn Thành Trung tiếp tục chứng minh tài năng của mình qua 4 album: “Tình yêu đầu tiên” (2014), “Nỗi nhớ” (2016), “Xa em” (2022) và “Ký ức Hà Nội” (2024). Bốn album này đánh dấu một chặng đường sáng tạo của cá nhân Nguyễn Thành Trung nhưng nó mang đến những sắc thái âm nhạc khác nhau và đều có chung một mẫu số. Đấy là đậm chất tự sự và trữ tình.

Nếu như album đầu tay “Tình yêu đầu tiên” tập trung vào các ca khúc về tình yêu gia đình và đất nước, xây dựng hình tượng người mẹ, người cha và người vợ thì đến album “Nỗi nhớ” ra đời hai năm sau đó, Nguyễn Thành Trung chọn cách khai thác chủ đề tình yêu đôi lứa với những giai điệu sâu lắng. Album “Xa em” ra đời năm 2022 tiếp tục đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của Nguyễn Thành Trung khi 10 ca khúc trong album này làm “bật” ra những suy nghĩ mới của tác giả. Đấy là một triết lý nhân sinh, nhân văn sâu sắc.

Và đến album “Ký ức Hà Nội” là ngập tràn các hình ảnh, ký ức về Hà Nội xưa và nay với nhiều màu sắc đan xen đa dạng, đặc biệt là nhiều nét văn hóa Hà Nội được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác nhau từ khai thác chất dân gian truyền thống đến hiện đại.

“Ký ức Hà Nội” được Nguyễn Thành Trung kể chuyện Hà Nội bằng mạch chuyện âm nhạc xuyên suốt, đan quyện vào nhau cả quá khứ lẫn hiện tại, cả truyền thống và hiện đại. Là âm hưởng dân gian dân tộc của xẩm kết hợp với nhạc điện tử trong “Trà đá vỉa hè” (Hồng Duyên); là chất jazz uyển chuyển, nồng nàn trong “Café phố” của giọng hát trầm đặc biệt của NSND Mai Hoa; là tươi vui trong nhạc pop với giọng ca trong sáng, trẻ trung của Nguyễn Gia Tuệ Lâm với “Hoa thanh xuân”; một “Thanh âm Hà Nội” đậm màu sắc classical của giọng ca Tiến Hưng…

Với ý niệm làm một album nhạc kể chuyện Hà Nội, tri ân Hà Nội, nhưng “Ký ức Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thành Trung được đánh giá không bị gò bó theo một motip nào, mà mang đến sự mới mẻ trong sự luân chuyển của các thể loại âm nhạc, từ dân gian đương đại, cổ điển, bán cổ điển đến pop, jazz, rap… Qua âm nhạc, qua những tác phẩm phong phú về màu sắc thanh âm, giai điệu, hình ảnh, câu chuyện tác giả Nguyễn Thành Trung chắc hẳn muốn gửi gắm rất nhiều, mong muốn rất nhiều về Hà Nội. Ở mỗi tác phẩm, dù là hình ảnh nhỏ nhắn, dung dị, giai điệu da diết, hay sôi động, gấp gáp… thì người nghe có thể dễ dàng bắt gặp, cảm nhận nội tâm, thấy hình ảnh thời trẻ, thấy ký ức của tác giả và cũng có thể là của chính mình, người xung quanh mình trong những thanh âm gắn với Hà Nội, với Hà Nội cũ, Hà Nội mới và Hà Nội của tương lai.

Những ca khúc viết về Hà Nội của tác giả Nguyễn Thành Trung trong album “Ký ức Hà Nội” đã khái quát được sự hoài niệm quá khứ, cái hiện tại, và sự kết hợp quá khứ hiện tại và tương lai trong giai điệu âm nhạc bay bổng, không xô bồ mà thanh thoát, hướng thiện; ca từ có chọn lọc, giàu hình tượng văn học, dễ làm người nghe rung cảm, đồng cảm… từ đó khiến người nghe thêm mến yêu Hà Nội hơn. Và qua đó cũng thể hiện lời tri ân của tác giả Nguyễn Thành Trung với Hà Nội, với khán giả yêu mến âm nhạc của anh.

Nguyễn Thành Trung một lần nữa đã chứng minh rằng mình không chỉ là một người làm kinh doanh mà còn chảy mãi dòng máu nghệ thuật với nỗ lực không ngừng nghỉ và miệt mài với tác phong lao động nghiêm túc.

Trong sự nghiêm túc ấy, người ta thấy âm nhạc của Nguyễn Thành Trung có sự tươi mới, trẻ trung mặc dù vẫn có hơi hướm cổ điển. Và trong không gian âm nhạc trẻ trung, phảng phất hơi hướm cổ điển ấy có hương sắc của cảnh vật thiên nhiên, có tình yêu của con người và có cả những tín hiệu tin yêu lấp lánh, được dệt nên bởi những ca từ sâu sắc, giàu tính hình ảnh.

Vẫn đi bên cuộc sống hát ca

Một trong những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Nguyễn Thành Trung là tuyển tập ca khúc “Sống”, bao gồm gần 40 tác phẩm thơ và nhạc được anh chắt lọc trong suốt hơn 20 năm sáng tác. Đây là một bức tranh đa sắc về cảm xúc, phản ánh những trải nghiệm phong phú của một người đàn ông từng trải, nhạy cảm và yêu thương tha thiết.

Trong “Sống”, người nghe có thể tìm thấy đủ mọi cung bậc cảm xúc – từ những tự vấn về cuộc đời, lẽ sống, đến những suy tư về tình yêu và con người. Đặc biệt, tuyển tập này còn giới thiệu một số bài thơ của Nguyễn Thành Trung, giúp người đọc hiểu hơn về con người và tâm hồn của anh. Những bài thơ ấy, dù mộc mạc và giản dị, lại chứa đựng những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống.

Và như thế, với những ai từng nghe nhạc Nguyễn Thành Trung có thể cảm nhận được âm nhạc đối với tác giả này không chỉ là đam mê mà còn là cách anh chắt chiu những giá trị cuộc sống chứ không phải là một phương tiện để “làm màu” hay chơi sang. Một nghệ sĩ có tài năng, có tâm huyết và nghiêm túc với nghệ thuật, lẽ đương nhiên sẽ luôn biết cách để xây dựng giá trị cho bản thân và truyền lại cho thế hệ sau.

Nguyễn Thành Trung là một người như thế. Và khán giả nếu đã nghe nhạc của Nguyễn Thành Trung chắc chắn cũng tin tưởng như thế, rằng những giá trị sống được anh gửi gắm trong âm nhạc sẽ là “của để dành” cho thế hệ nối tiếp. Đó có thể là các con, các cháu của anh hoặc cũng có thể là một ai đó không phải người thân trong gia đình, miễn là hiểu được giá trị anh đã dâng hiến và từ đó kế thừa.

Nguyễn Thành Trung không chỉ là một con người tài hoa mà còn là một người đàn ông giàu trải nghiệm, luôn trân trọng và nâng niu những giá trị cuộc sống. Âm nhạc của anh, dù mang phong cách trữ tình lãng mạn hay đậm chất tự sự, đều phản ánh một tâm hồn nhạy cảm và yêu thương tha thiết. Với những sáng tác đầy cảm xúc và ý nghĩa, Nguyễn Thành Trung đã và đang khẳng định vị trí của mình trong làng nhạc Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho những người yêu âm nhạc về giá trị của sự chân thành trong lao động nghệ thuật. Như những ca từ anh đã viết trong bài “Tôi đi”: Tôi vẫn đi bên cuộc sống hát ca/Những nụ cười thiết tha thầm lặng/Trời quê hương trải hai niềm Nam Bắc/Đón chim hồng, chim lạc rộng cánh bay.

Đồng hành với Nguyễn Thành Trung trong album “Ký ức Hà Nội” vừa với vai trò biên tập âm nhạc, vừa là người bạn đồng điệu trong âm nhạc - NSƯT Hoàng Tùng thể hiện hai ca khúc được cho là điểm nhấn mang đậm suy tư, cảm xúc của tác giả là “Hà Nội cũ” và “Cô đơn giữa Hà Nội”. Tác phẩm được nhạc sĩ Đức Thụy phối khí theo Semi-classical (bán cổ điển), cấu trúc đơn giản và nhiều tính đại chúng, dễ nghe, dễ cảm qua giọng hát của NSƯT Hoàng Tùng.

NSƯT Hoàng Tùng chia sẻ, gắn bó với Nguyễn Thành Trung đã lâu, vừa là bạn vừa “gặp”, hợp được nhau trong âm nhạc nên khi cùng tác giả biên tập cho album “Ký ức Hà Nội” đã cố gắng làm sao sắp xếp câu chuyện âm nhạc không bị lối mòn, mỗi bài hát đều phù hợp với giọng hát, cá tính của từng ca sĩ thể hiện để đẩy thế mạnh của họ trong từng không gian của tác phẩm. Với hai ca khúc thể hiện trong album “Ký ức Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thành Trung, NSƯT Hoàng Tùng cho biết anh đã hát hợp với “chất” thể hiện của mình.

“Có thể nói không gian âm nhạc của album “Ký ức Hà Nội rất rộng”, màu sắc âm nhạc phong phú, hội tụ đa dạng giọng hát. Album là sự hội tụ các thế hệ nghệ sĩ, từ NSND Mai Hoa; ca sĩ Tiến Mạnh, Tiến Hưng đến các giọng ca trẻ trung năng động như Hồng Duyên, Quỳnh Anh, Hoàng Hồng Ngọc. Một nhân tố đặc biệt góp mặt trong album chính là giọng hát của Nguyễn Gia Tuệ Lâm – con gái của tác giả Nguyễn Thành Trung. Với “Hoa thanh xuân”, Tuệ Lâm đã góp sự tươi trẻ, trong sáng, mới mẻ như một sự tiếp nối thế hệ âm nhạc trong gia đình, thế hệ thanh âm trẻ mới của Hà Nội”, NSƯT Hoàng Tùng cho hay.

Ngọc Châu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhac-si-nguyen-thanh-trung-xay-dung-nhung-gia-tri-song-bang-am-nhac.html
Zalo