4 kỳ nhân võ học trong truyện Kim Dung: Sở hữu tuyệt kỹ vô song nhưng không thể đứng đầu thiên hạ
Trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, nhiều kỳ nhân dù sở hữu võ công cái thế nhưng vẫn chưa thể đạt đến đỉnh cao quyền lực.
Kim Dung bằng ngòi bút tài hoa đã khắc họa một thế giới võ lâm đầy rẫy cạm bẫy và sự chênh lệch sức mạnh. Trong thế giới này, võ công cao cường là chìa khóa để sinh tồn, chỉ có việc không ngừng nâng cao thực lực mới giúp một người có được một vị trí nhất định trong võ lâm. Do đó, việc gặp kỳ ngộ và luyện thành thần công là điều mà bất kỳ ai trong giang hồ cũng mơ ước. Đó cũng là cơ hội để các nhân vật chính lột xác, thay đổi hoàn toàn vận mệnh.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể các tác phẩm của Kim Dung, có 4 kỳ nhân tuy được sở hữu võ công cái thế nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa mới với tới ngôi vị đệ nhất thiên hạ. Đó là những ai?
4 kỳ nhân sở hữu tuyệt kỹ vô song nhưng không thể đứng đầu thiên hạ
Đoàn Dự
Nhân vật đầu tiên chính là Đoàn Dự, người được mệnh danh là chàng trai may mắn nhất trong Thiên Long Bát Bộ. Anh vô tình rơi xuống vực sâu nhưng không chết, lại còn phát hiện ra mật thất Lang Hoàn Phúc Địa và luyện thành Bắc Minh Thần Công cùng Lăng Ba Vi Bộ. Nhờ Bắc Minh Thần Công, Đoàn Dự đã hấp thụ nội lực của rất nhiều cao thủ, tạo nền tảng vững chắc để sau này tự mình luyện thành Lục Mạch Thần Kiếm tại Thiên Long tự. Khi Lục Mạch Thần Kiếm đại thành, Đoàn Dự sở hữu cả công thủ toàn diện, chính thức bước vào hàng ngũ cao thủ trong giang hồ. Tuy nhiên, vì dụng ý của Kim Dung, Lục Mạch Thần Kiếm của Đoàn Dự lúc được lúc không, thường xuyên mất tác dụng vào những thời khắc quan trọng.
Ví dụ như trên Thiếu Thất sơn, Đoàn Dự từng dùng Lục Mạch Thần Kiếm đánh cho Mộ Dung Phục tóc tai bù xù, tơi tả. Thế nhưng khi Mộ Dung Phục liều mạng tấn công, Đoàn Dự luống cuống tay chân, không còn ra đòn được nữa, lập tức bị Mộ Dung Phục đánh úp bất ngờ. Nếu không có Tiêu Phong kịp thời ra tay cứu giúp,Đoàn Dự đã bị Mộ Dung Phục giết chết.Chính sự "không ổn định" này của Đoàn Dự khiến độc giả lo lắng cho số phận của anh.
Ngược lại, nếu Đoàn Dự luyện thành thần công bách chiến bách thắng thì câu chuyện sẽ nhanh chóng khiến chúng ta nhàm chán.
Kim Luân Pháp Vương
Nhân vật thứ hai là Kim Luân Pháp Vương, kẻ phản diện có võ công cao nhất trong Thần Điêu Hiệp Lữ. Ngay từ khi xuất hiện, ông ta đã có thể đánh ngang tay với Hàng Long Thập Bát Chưởng của Quách Tĩnh. Sau khi trở về Mông Cổ bế quan tu luyện 16 năm, Kim Luân Pháp Vương đã luyện thành tuyệt kỹ Long Tượng Bàn Nhược Công đến tầng thứ mười, đạt đến cảnh giới vô cùng đáng sợ. Môn võ công này cực kỳ thâm sâu khó lường, theo tiến độ thông thường,muốn luyện đến tầng thứ mười phải mất trăm năm.Nhưng Kim Luân Pháp Vương là một kỳ tài võ học hiếm có, chỉ mất 16 năm đã luyện Long Tượng Bàn Nhược Công đến tầng thứ mười. Vì vậy, trong trận chiến ở Tuyệt Tình cốc, ngay cả những cao thủ hàng đầu như Nhất Đăng đại sư và Chu Bá Thông cũng không dám trực tiếp đón đỡ quyền kình của Kim Luân Pháp Vương.
Tuy nhiên, trong đại chiến ở thành Tương Dương, Kim Luân Pháp Vương lại không thể nào đỡ được Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng của Dương Quá. Kim Dung chỉ dùng một câu "làm sao tránh khỏi" đã làm giảm sức mạnh của Kim Luân Pháp Vương. Sau khi bị Dương Quá đánh rơi xuống đài cao, ông ta đã bị Chu Bá Thông dễ dàng giết chết. Nhìn chung, Long Tượng Bàn Nhược Công của Kim Luân Pháp Vương quả thực là một môn võ công cái thế. Tuy nhiên, cuối cùng vì mong muôn "tà bất thắng chính" của tác giả,Kim Luân Pháp Vương đã bị Kim Dung "giết" chết một cách khiên cưỡng.
Giác Viễn đại sư
Giác Viễn đại sư xuất hiện lần đầu vào cuối truyện Thần Điêu Hiệp Lữ. Ông mang theo Trương Quân Bảo đuổi theo Doãn Khắc Tây lên đỉnh Hoa Sơn. Khi Giác Viễn đại sư thi triển khinh công, Dương Quá thầm kinh ngạc:"Người này khinh công chưa chắc đã hơn ta và Long nhi, nhưng tay lại dắt theo một thiếu niên, mà ở nơi núi non hiểm trở này vẫn đi như bay, nội lực thâm hậu, e rằng có thể sánh ngang với Nhất Đăng đại sư và Quách bá bá."Hóa ra,Giác Viễn đại sư đã luyện thành Cửu Dương Thần Công được giấu trong quyển Lăng Già Kinh.Nội công của ông đã đạt đến mức xuất thần nhập hóa.
Đến đầu truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký, sau 3 năm tu luyện, võ công của Giác Viễn đại sư càng thêm tinh tiến, đạt đến đỉnh cao. Tuy nhiên, Giác Viễn đại sư lại có kết cục bi thảm khi kiệt sức mà chết sau khi chạy hàng chục dặm.
Tại sao Kim Dung lại để Giác Viễn đại sư chết một cách vội vàng như vậy? Không gì khác ngoài việc ông muốn điều chỉnh diễn biến của câu chuyện. Nếu Giác Viễn đại sư không chết, làm sao ông có thể đọc ra những lời bí truyền trước khi viên tịch,để Trương Tam Phong và Quách Tương lĩnh hội được năm sáu phần Cửu Dương Thần Công, từ đó trở thành những người sáng lập ra các môn phái lớn trong võ lâm?
Tương tự, nếu Giác Viễn đại sư không chết, với Cửu Dương Thần Công hoàn chỉnh, ông chắc chắn có thể hóa giải hàn độc trong người Trương Vô Kỵ. Như vậy thì còn đâu là những tình tiết tiếp theo của câu chuyện?
Trừng Quan
Nhân vật cuối cùng là Trừng Quan, một nhân vật trong Lộc Đỉnh Ký. Võ công của ông thoạt nhìn vô cùng kinh người. Quả thực,Trừng Quan đã luyện thành các tuyệt kỹ như Nhất Chỉ Thiền, Bàn Nhược Chưởng, Niêm Hoa Cầm Nã Thủ, Dịch Cân Kinh.
Trong cuộc trò chuyện với Vi Tiểu Bảo, Trừng Quan còn thi triển tuyệt kỹ hóa khí thành hình, khiến người khác bị thương dù cách xa. Sách viết như sau: "Trừng Quan hỏi Vi Tiểu Bảo: "Nội công Dịch Cân Kinh của sư thúc không biết đã luyện đến tầng thứ mấy rồi, xin sư thúc búng một ngón tay thử xem." Vi Tiểu Bảo không hiểu ý, hỏi: "Búng thế nào?" Trừng Quan co ngón tay búng ra, phì một tiếng, một luồng kình khí bắn ra, một chiếc lá rụng dưới đất bay lên.
Chúng ta đều biết, thế giới võ hiệp của Kim Dung có áp dụng công thức "võ công suy thoái". Lộc Đỉnh Ký lấy bối cảnh cuối thời Minh đầu thời Thanh. Lẽ ra, trong thời đại võ lâm suy tàn này, võ công đã thoái hóa rất nhiều. Thế nhưng Trừng Quan hòa thượng lại có thể thi triển một tuyệt kỹ tương tự như Lục Mạch Thần Kiếm, thật khiến người ta phải kinh ngạc. Ngoài ra, tốc độ luyện Nhất Chỉ Thiền của Trừng Quan xếp thứ ba trong lịch sử hơn nghìn năm của Thiếu Lâm. Bản thân ông cũng được các tăng nhân bình chọn là thiên hạ đệ nhất.
Nhìn như vậy,võ công của Trừng Quan quả thực rất cao,nhưng dưới ngòi bút của Kim Dung, ông lại trở thành một người chỉ giỏi "nói suông". Vì vậy, Trừng Quan chỉ đấu một chưởng với Cửu Nạn sư thái, vị "thiên hạ đệ nhất" này đã bị chưởng lực của Cửu Nạn sư thái làm cho hoa mắt chóng mặt, khí huyết sôi trào, không thể tiếp chiến.
Tóm lại, Đoàn Dự, Kim Luân Pháp Vương, Giác Viễn đại sư và Trừng Quan hòa thượng đều đã luyện thành những võ công thượng thừa. Nhưng vì yêu cầu của cốt truyện và dụng ý của Kim Dung, cả bốn người họ cuối cùng đều không thể trở thành thiên hạ đệ nhất.