Nhà văn Xuân Phượng: Ấp ủ viết hồi ký về những năm tháng làm phóng viên chiến trường

Được mệnh danh là 'người đàn bà thép' của hội họa Việt Nam, ở tuổi ngoài 90, đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng tiếp tục ghi dấu ấn trong lĩnh vực văn chương. Bà đang ấp ủ một hồi ký kể về những năm tháng làm phóng viên chiến trường với nhiều trải nghiệm sinh tử thật khó quên.

 Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng

PV: Cầm bút ở tuổi ngoài 90, điều gì đã thôi thúc bà viết 2 tự truyện về đời mình?

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng: Đã mang lấy nghiệp cầm bút thì bất kỳ ở tuổi nào hạnh phúc và vất vả đều đi song song với nhau. Trước một trang giấy trắng, muốn "cày" được những con chữ lên theo đúng ý mình thật là vô cùng gian lao. Người trẻ bút lực dồi dào, đầu óc minh mẫn mà phải trầy trật lắm mới viết được những dòng chữ đầu tiên. Huống gì những người ngoài 90 tuổi như tôi.

Tôi phải xa cha mẹ và anh chị em của mình hơn 40 năm mới được gặp lại, mà gặp lại trong hoàn cảnh tôi ở miền Bắc, còn đại gia đình của tôi đều ở miền Nam. Muốn hiểu và gặp nhau sau gần nửa thế kỷ xa cách, tôi biết rằng khi mình viết lại đời mình trải qua bao nhiêu năm chiến tranh với những vui buồn mới đem lại được sự cảm thông và thấu hiểu. Năm 2001, thể theo yêu cầu của một nhà xuất bản tại Pháp, tôi đã kể lại đời mình bằng hồi ký mang tên: Áo dài, từ trường Bồ Câu Trắng đến chiến khu Việt Minh. Nội dung sách này là một bút ký kể về đời tôi từ lúc rời ghế nhà trường năm 16 tuổi để tham gia kháng chiến đến năm 1975 trở về với vai trò là một phóng viên chiến trường.

19 năm sau, trong bối cảnh giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, tôi suy nghĩ và lần này viết hồi ký về đời mình cho chính đại gia đình của mình, cho những người trẻ chưa biết nhiều về chiến tranh. Vì vậy, phần tâm sự cá nhân và những gian truân, vất vả đã xảy ra được tôi ghi lại chi tiết hơn; đồng thời nói về một số bạn bè trí thức đã sống và làm việc như thế nào trước thời cuộc của chiến tranh.

Tôi hạnh phúc khi hoàn thành Gánh gánh... gồng gồng... và nhận được sự mến mộ, chia sẻ của bạn đọc đủ các lứa tuổi. Sách đã tái bản đến 14 lần và được Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh năm 2020. Được sự tiếp sức của bạn đọc, tôi tiếp tục viết về một giai đoạn quan trọng trong đời tôi: Giai đoạn về hưu. Tôi vẫn tiếp tục đưa các họa sĩ và tác phẩm của họ ra nước ngoài và ở trong nước để giới thiệu về nền mỹ thuật Việt Nam. Về hưu rồi mới thật ngấm câu: Thương trường là chiến trường. Kết quả là nhiều doanh nghiệp trẻ yêu thích tác phẩm này với những phần thành công của một người đàn bà sau tuổi hưu, đồng thời cũng đọc được những thất bại đau đớn mà tôi đã gặp phải trong việc kinh doanh phòng tranh.

Tôi đang ấp ủ một hồi ký khác kể về những năm làm phóng viên chiến trường, đã quay phim và ghi lại những thước phim chiến tranh ở Vĩnh Linh năm 1967, ở Lào năm 1968, ở Campuchia năm 1979… Hy vọng cuối năm 2025, hồi ký sẽ ra mắt bạn đọc.

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng

PV: Bà có thể chia sẻ câu chuyện về lương duyên với bộ tranh chiến trường của họa sĩ Phạm Thanh Tâm và ý nghĩa của bộ tranh mà bà coi như báu vật?

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng: Họa sĩ Phạm Thanh Tâm và tôi quen biết nhau từ hồi kháng chiến ở Việt Bắc, cùng ở trong một đơn vị pháo binh. Sau này, tôi trở thành phóng viên chiến trường, anh Tâm là họa sĩ chuyên ký họa mọi sinh hoạt của các mặt trận. Thường vũ khí của người họa sĩ chiến trường chỉ có cây bút, vài thỏi mực và phải đi bộ hoặc đi xe đạp để đến trận địa. Tôi tham gia đoàn làm phim nên được di chuyển bằng xe cơ giới. Mỗi lần đi trận địa, tôi thường mời anh Phạm Thanh Tâm đi cùng cho anh bớt phần khó khăn. Đến mỗi trận địa, anh Tâm hay vẽ chân dung các chiến sĩ cũng như sinh hoạt đời thường. Thường là chỉ ngồi trong giây phút là máy bay ào đến thả bom. Họa sĩ và người mẫu phải chạy xuống hầm chờ tiếng máy bay dứt mới tiếp tục vẽ. Tôi đã đếm có lần cô dân quân Vĩnh Linh và họa sĩ phải xuống hầm 8 lần mới có thể hoàn thành một bức vẽ. Điều làm tôi ngưỡng mộ là nét bút của anh Tâm không hề run tay, đôi mắt nụ cười của cô du kích quả cảm vẫn ngời ngời khí thế. Tâm trạng anh hùng của cả người mẫu và họa sĩ khiến tôi trân quý những bức vẽ điềm tĩnh qua các trận mưa bom.

PV: Từng suýt chết khi chui xuống địa đạo Vịnh Mốc làm phim trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Theo bà, trải nghiệm sinh tử có giá trị thế nào đối với nhà văn và đối với độc giả?

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng: Trực tiếp tham gia quay phim tại chiến trường khốc liệt, đã 2 lần bị bom vùi, 1 lần bị thương ở mặt nên những trải nghiệm khốc liệt ấy đã cho tôi cảm giác không thể nào quên. Sau thời gian bị thương, trong hòa bình, những trải nghiệm ấy đã trở về trong tâm trí của tôi. Có lẽ trải nghiệm sống thực tế như vậy đã làm cho những hồi tưởng của tôi thêm chân thật, gây xúc động cho bạn đọc.

PV: Theo bà, sau này, những nhà văn sẽ làm thế nào để viết hay về đề tài chiến tranh cách mạng khi thiếu trải nghiệm?

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng: Lịch sử văn học thế giới cho thấy, không phải những người đã tham gia cuộc chiến sẽ viết hay hơn những người chưa biết đến chiến tranh. Quan trọng là tư duy nghiêm túc, ý thức trách nhiệm của người cầm bút và tâm hồn rung động khi nghĩ đến đề tài mà mình đang theo đuổi. Tôi tin rằng, sau này sẽ có những tác phẩm về chiến tranh Việt Nam làm rung động hàng triệu triệu người trên thế giới. Những nhà văn ấy có thể thiếu trải nghiệm thực tế về chiến tranh nhưng đã hạ bút viết với một trái tim đầy rung động và yêu thương. Khi người ta yêu nồng cháy thì điều thần kỳ sẽ xuất hiện.

PV: Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng tên thật là Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Huế trong một gia đình hoàng tộc, hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 16 tuổi, bà quyết định đi theo cách mạng. Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà đã trải qua nhiều nghề, trong đó có việc tham gia chế tạo thuốc nổ chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà học và làm phim tài liệu chiến trường và là nữ đạo diễn, phóng viên chiến trường duy nhất làm việc tại phòng Truyền hình, tiền thân của Đài truyền hình Việt Nam hiện nay.

Với 2 tự truyện "Gánh gánh... gồng gồng..." và "Khắc đi, khắc đến...", bà đã dành nhiều giải thưởng và tạo một dấu ấn khó quên trong văn chương khi đã ở tuổi ngoài 90.

Khôi Nguyên Thảo (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-van-xuan-phuong-ap-u-viet-hoi-ky-ve-nhung-nam-thang-lam-phong-vien-chien-truong-20250425160923643.htm
Zalo