Nhà văn Trang Thế Hy và sức sáng tạo vượt thời gian
'Sinh thời, ông luôn đau đáu với chữ nghĩa, với cuộc đời. Ngay cả thời gian ông không cầm bút nữa, gần 20 năm trước khi mất, lúc nào ông cũng nghĩ về nghề, về sự thiện lương của người cầm bút'. Đó là chia sẻ của nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, về nhà văn Trang Thế Hy tại tọa đàm 'Nhà văn Trang Thế Hy: Cuộc đời và sự nghiệp' mới đây.
1. Tọa đàm “Nhà văn Trang Thế Hy: Cuộc đời và sự nghiệp” do Hội Nhà văn TPHCM kết hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) tổ chức. Trước tọa đàm, nhà xuất bản (NXB) Trẻ cũng đã ấn hành tuyển tập Truyện ngắn Trang Thế Hy, bổ sung vào các ấn phẩm của ông mà đơn vị đã ký kết tác quyền trọn đời và giới thiệu đến bạn đọc thời gian qua như: Vết thương thứ mười ba, Đắng và ngọt, Nợ nước mắt, Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát.
Tuyển tập Truyện ngắn Trang Thế Hy được in bìa cứng trang trọng, gồm 14 truyện ngắn. Ngoài những truyện ngắn đặc sắc đã quen thuộc với bạn đọc còn có các truyện mới được NXB Trẻ sưu tầm trên tuần báo Nhân Loại (giai đoạn 1958-1959), được ông viết với bút danh Văn Phụng Mỹ: Mấy dòng thư cũ, Bức tranh không bán, Vừng trăng bên kia sông, Trăng đêm tân hôn, Nắng đẹp miền quê ngoại.
Dù được viết cách đây gần 70 năm, nhưng những truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy vẫn đủ sức khiến người đọc hôm nay không khỏi ray rứt, suy tư về chiến tranh, về mối quan hệ của con người… Điều này là một minh chứng cho thấy sức sáng tạo của ông có khả năng vượt thời gian.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, trong thế kỷ 20, ở Nam bộ có 3 nhà văn nổi bật theo 3 cách khác nhau, gần như rất hiếm nhà văn nào có thể chen được vào là Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo. Và người hiếm hoi đó chính là nhà văn Trang Thế Hy.
“Nhà văn Trang Thế Hy đã bổ sung thêm vào dòng văn học cách mạng Nam bộ khi đó những chi tiết mà các nhà văn khác còn bỏ sót, như những số phận con người bị cuốn vào chiến tranh trong Áo lụa giồng hay ý thức phản biện xã hội… Chính những điều đó đã khẳng định vị thế của Trang Thế Hy như một trong các nhà văn lớn của văn học cách mạng Nam bộ thế kỷ 20”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ.
2. Năm 1992, nhà văn Trang Thế Hy nghỉ hưu và về ẩn cư tại Bến Tre. Đây không đơn thuần chỉ vì lý do sức khỏe, mà còn là một lựa chọn của ông đối với văn chương mà không phải ai cũng có đủ dũng khí để thực hiện. Câu nói “đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút” của ông, đến bây giờ vẫn gợi nhiều suy ngẫm cho người cầm bút.
Nhà thơ Kim Ba, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre), khẳng định việc nhà văn Trang Thế Hy trở về Bến Tre “ở ẩn” là một sự kiện quan trọng, có tác động trực tiếp đến lực lượng sáng tác của tỉnh Bến Tre. Bởi sau đó, các anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh, nhất là các bạn viết trẻ, có dịp được tiếp xúc, trao đổi với nhà văn Trang Thế Hy. Nhiều người trong số họ sau này đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là những cây bút chủ lực có phong cách riêng, đầy sáng tạo trên quê hương xứ dừa.
“Tôi tin rằng, những lời dặn dò của nhà văn Trang Thế Hy về nghề, về cuộc nhân sinh vẫn rất cần thiết cho nhiều thế hệ nhà văn hôm nay và cả sau này. Bởi theo ông, đã là người chủ tâm sáng tạo bằng chữ nghĩa, người cầm bút trước tiên phải là người cầm bút lương thiện”, nhà thơ Kim Ba chia sẻ.
Năm 2025 cũng là năm đánh dấu 10 năm nhà văn Trang Thế Hy đi xa, nhưng những tác phẩm và nhân cách của ông vẫn là câu chuyện tiếp tục được truyền tụng không chỉ trong giới cầm bút.
Nhà thơ Lê Minh Quốc trong một bài viết về nhà văn Trang Thế Hy đã nhận xét: “Những gì của ông để lại, những con chữ ấy vẫn như còn đang cựa quậy trên trang viết, nó vẫn tươi mới và có ý nghĩa của thời cuộc. Mà nghĩ cho cùng văn chương thời buổi nào cũng thế, nếu ngòi bút nhà văn khai thác đến tận cùng nỗi đau, số phận của người cùng khổ, qua đó, thắp lên niềm hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn vẫn là cốt lõi của muôn đời”.
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh. Ông tham gia hoạt động cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông từng được trao tặng các giải thưởng: Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960-1965) với truyện ngắn Anh Thơm râu rồng, Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát, Giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2001 cho tập truyện ngắn Nợ nước mắt.