Độc đáo làng bánh tét mặt trăng ở Quảng Trị
Càng giáp Tết, làng bánh tét mặt trăng ở làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị càng tất bật, đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Vì sao gọi là bánh tét mặt trăng và loại bánh này có gì đặc biệt được người dân khắp nơi ưa chuộng đặt hàng vào dịp Tết?
Những ngày này, đầu ngõ cuối xóm làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị rộn ràng hơn. Nhiều nhà chong đèn cả đêm để gói, nấu bánh tét, bánh chưng, bánh tày cho kịp đơn hàng của khách. Từ cụ bà, lão ông, người lớn tuổi đến phụ nữ, thanh niên trai tráng, ai cũng bận rộn. Người vo nếp, lau lá, làm nhân, người thì gói bánh, đóng hàng... Bàn tay ai cũng thoăn thoắt, nhuần nhuyễn, tỉ mỉ. Cánh thanh niên, đàn ông thì lo đóng bánh vào sọt, chở ra ngã ba lộ đầu làng gửi xe đi khắp ngoài Bắc, trong Nam và lên cả Tây nguyên…
Anh Trần Đức Phước, vào làm ăn ở thành phố Đà Nẵng tranh thủ về quê sớm để phụ giúp gia đình gói bánh kịp trả đơn cho khách hàng. “Em đi làm ăn xa, năm mô cũng rứa, cuối năm lại về phụ ba mẹ gói bánh chưng, bánh tét bán cho khách hàng. Cả nhà vừa quây quần bên nhau vừa gói bánh và trò chuyện, không khí gia đình cuối năm càng thêm ấm áp.”
Bà Lê Thị Lanh, ở đội 2, làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho hay, năm nào cũng vậy, cứ độ qua Rằm tháng Chạp, các lò bánh tét mặt trăng lại hối hả nấu bánh Tết. Năm nay, đơn hàng nhiều nên nhà nào cũng tranh thủ dự trữ thêm lá chuối, lá dong, nếp, đậu xanh, thịt heo… Nhiều nhà trong làng còn mua sắm cả nồi điện, máy hút chân không, thuê người làm mới mong kịp đơn hàng cho khách. “Mỗi nhà, mỗi ngày ra sản phẩm khoảng 2.000 đến 3.000 bánh. Chúng tôi gửi xe cho khách đặt đi khắp nơi Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế…, ở mô cũng gửi đi được, ở nước ngoài cũng có. Bánh hút chân không rồi mới gửi đi. Bánh vớt ra để khô nước rồi mới hút chân không để bảo đảm. Mọi năm cũng làm như rứa, bánh để đến Rằm tháng Giêng vẫn ăn bình thường. Khách đặt hàng mấy năm trước, năm nay đặt lại”.
Làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trù phú, yên bình. Nơi đây nổi tiếng với đặc sản bánh tét mặt trăng. Gọi là bánh tét mặt trăng vì đòn bánh được gói bằng lá chuối, nếp thơm, nhân đậu xanh, thịt heo cùng những gia vị mang hương vị đặc trưng địa phương. Đặc biệt, đòn bánh tét ở đây được bà con khéo léo gói không cuộn tròn như những nơi khác mà lại uốn nắn, cột dây lạt sao cho đòn bánh dạng nửa hình trụ.
Khi nấu, hai đòn bánh tét thường được kẹp cặp lại với nhau. Khi nấu chín cắt ra, lát bánh có hình bán nguyệt. Hai lát bánh xếp lại có hình tròn rất đẹp, tượng trưng cho mặt trăng tròn trịa, có đôi, có cặp, hòa hợp, hạnh phúc, mang nhiều ý nghĩa tốt lành trong năm mới. Ấn tượng nhất là bánh có màu xanh lá rất đẹp mắt, nhân bánh màu vàng của đậu xanh, xen thịt ba chỉ, hành, tiêu... thơm lừng.
Nhiều nhà trong làng mấy đời làm bánh tét mặt trăng. Người lớn bày cho trẻ nhỏ, từ đời ông bà đến đời con cháu. Nghề bánh tét mặt trăng truyền thống của làng được truyền từ đời này sang đời khác. Tất cả có bí truyền riêng từ khâu chọn nếp, làm nhân, gói bánh, nấu bánh.
Ông Đào Bá Vây, ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng cho hay, màu xanh lá đặc trưng của bánh tét mặt trăng không dùng phẩm màu mà hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. “Chúng tôi vẫn giữ công thức, cách gói bánh như ngày xưa. Nhân bánh thì làm từ đậu xanh, thịt heo, các gia vị khác. Nếp chỉ vo qua thôi chứ không ngâm, vì trộn với nước rau ngót xay nhuyễn. Nếu ngâm nếp thì lúc trộn sẽ bị no nước, màu sẽ không xanh không đẹp. Cũng nhờ có rau ngót, những chất đạm, thực vật trong rau ngót tạo vị béo béo, bùi bùi nên bà con xa gần rất thích”.
Năm 2019, Tổ Hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thành lập, đến nay có 21 hội viên, tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 lao động tại địa phương. Việc thành lập và phát triển Tổ Hợp tác giúp bà con cải thiện điều kiện sản xuất, tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Năm 2021, sản phẩm Bánh tét mặt trăng Đại An Khê được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bà Lê Thị Bích Chi, Tổ trưởng tổ Hợp tác bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho hay, ngoài bánh tét mặt trăng, làng Đại An Khê còn được người tiêu dùng khắp nơi biết đến với bánh chưng, bánh tày.
Theo bà Chi, không chỉ dịp Tết, các loại bánh này cũng được bà con sản xuất bán ra thị trường quanh năm. “Tổ Hợp tác bánh tét Đại An Khê thường xuyên nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ sở Công thương, chính quyền địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ tất cả mọi mặt. Trong thời gian tới, chúng tôi mong các cơ quan, đoàn thể tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện cho Tổ Hợp tác bánh tét Đại An Khê nhiều hơn. Đặc biệt là hỗ trợ cho các hộ dân được bắt điện 3 pha phục vụ sản xuất, quảng bá sản phẩm để sản phẩm làng nghề được đi xa hơn, để bà con có thêm thu nhập, du trì phát triển làng nghề”.
Bánh tét mặt trăng, một trong những món ngon không thể thiếu trên mâm cỗ dâng lên ông bà, tổ tiên trong ngày Tết ở làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Từ món ngon truyền thống, qua sự nâng niu, gìn giữ, biết nắm bắt nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ, hương vị bánh tét mặt trăng Đại An Khê ngày càng lan tỏa, vươn xa, được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, góp phần gìn giữ nét văn hóa ẩm thực truyền thống của làng quê.