Nhà văn Thảo Trang: Tái hiện thảm nạn để biết 'đã có những mảnh đời như thế'

Tác giả Thảo Trang và NXB Phụ nữ Việt Nam vừa có buổi giới thiệu tác phẩm '25 độ âm' tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh. Cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên thảm nạn 39 người Việt vượt biên trái phép trên xe container trên đường đến Anh vào năm 2019, mang đến một góc nhìn khác về những gì đã thật sự xảy ra, từ đó góp thêm cái nhìn cảm thông và chia sẻ với những nỗi đau vẫn còn hằn sâu.

Cuốn sách xoay quanh nhân vật nữ chính Lam – bé gái mất cả gia đình trong một vụ lũ, dẫn đến phải trú tại trại mồ côi Ống Heo. Tại đây cô đã làm quen với Lan và Khóc Nhè – hai em bé cũng có số phận đau đớn tương tự. Những tưởng cuộc đời đã hết bi kịch, thì 3 bé gái lại bị lạm dụng bởi lão Trư – nhân viên của trại. Mang theo những tổn thương ấy, Khóc Nhè qua đời trong cơn sốt cao, trong khi Lan được nhận nuôi và sang Anh du học còn Lam thì được một nữ nhân viên lớn tuổi đưa về cho vợ chồng con trai chăm bẵm. Với mục đích báo hiếu và chăm lo cho tương lai của em trai là con ruột của cặp vợ chồng, Lam lên đường vượt biên trái phép sang Anh dù đây không phải là điều bản thân cô muốn.

Trên hành trình ấy, cùng những con người có số phận tương tự, những nhân vật này đã phải trải qua muôn trùng khó khăn về cả thể xác cũng như tinh thần để vượt qua biên giới các nước Nga, Ukraine, Ba Lan, Đức, Pháp trước khi vào Anh. Đó là cái lạnh đầu đông cắt da cắt thịt, là việc khan hiếm thức ăn, là việc phải đi vào rừng không thấy đường ra giữa tuyết rơi mù mịt.

Họ cũng không ngừng đụng độ với các băng đảng ma túy hoặc sự truy đuổi đến từ cảnh sát... Tiểu thuyết dừng lại vào đúng thời điểm năm mới, khi cảnh sát ở bến cảng Anatradis hư cấu nhận được cuộc gọi thông báo có 13 người chết trong container tương tự những gì chúng ta đã biết.

Tác giả Thảo Trang (giữa) cùng các diễn giả khách mời. Ảnh: NXB Phụ nữ

Tác giả Thảo Trang (giữa) cùng các diễn giả khách mời. Ảnh: NXB Phụ nữ

Hành trình nghiên cứu đặc biệt

Thảo Trang cho biết: “Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp vào nhiều quốc gia tại châu Âu, nhưng lại không có nhiều người kể cho chúng ta biết con đường ấy gian nguy thế nào, đau thương ra sao”. Xuất phát từ mục đích đó, câu chuyện này đã ra đời.

Để tái hiện một cách chính xác, nghiêm túc và chân thật nhất những gì đã xảy ra, Thảo Trang và nhóm của mình đã phỏng vấn hơn 200 người có liên quan từ trực tiếp đến gián tiếp, thu về khối lượng đồ sộ là hơn 20kg tài liệu phục vụ cho việc sáng tác. Thảo Trang cho biết mọi người đã có những buổi phỏng vấn vừa nông vừa sâu để tìm hiểu về cung đường vượt biên, từ đó trả lời câu hỏi: Liệu có đáng không khi ta phải cược mạng sống của bản thân mình để nhập cảnh bất hợp pháp vào các quốc gia xa lạ?

Thảo Trang sẻ nhóm của cô đã chia nhau để phỏng vấn tất cả những nguồn có thể tìm đến, bởi lẽ ai trong số chúng ta cũng đều nghe từ “vượt biên” ít nhất một lần trong đời, và thậm chí có nhiều nơi việc vượt biên còn lên tới quy mô cả gia đình, cả họ, thậm chí cả làng. Ngoài nguồn trực tiếp, thì số tài liệu chủ yếu đến từ pháp y, tâm lý, những mẫu hội thoại từ nhân chứng - những người đã tham gia vượt biên thật sự... cũng làm dày hơn cho nền móng của tác phẩm này.

Khi hỏi đâu là tiết lộ mà bản thân sửng sốt nhất, Thảo Trang cho biết đó là thông tin về nhiệt độ trong chiếc container đó là - 25 độ, trong ngăn đông của tủ lạnh là - 18 độ C. Vì vậy, tuy là tác giả nổi tiếng với những câu chuyện có không gian ma quái xuất phát phần nhiều từ kho tàng văn hóa dân gian, nhưng khi đối mặt với một thảm nạn mất mát quá lớn thế này, hẳn nhiên tâm lý của người chấp bút cũng không dễ chịu. Tác giả chia sẻ “bàng hoàng”, “đau xót” và “tiếc nuối” là ba từ mà mình có thể dùng để miêu tả lại tâm trạng khi lần đầu nghe tin tức về 39 người tử nạn. Cho tận tới khi ngồi viết, khi đã biết sâu sắc hơn, rõ nét hơn, đặt bản thân mình vào nhân vật thì sự chông chênh, vô định và tuyệt vọng chờ những tin tức tốt lành không bao giờ đưa tới... đã khiến không chỉ cô mà bất kỳ ai dù lạc quan nhất cũng đều muốn gục ngã. Cô tỏ bày: “Cảm giác ấy thực sự không dễ chịu một chút nào”.

Tại buổi giao lưu ra mắt sách, tác giả Thảo Trang đã chia sẻ rất nhiều về hành trình viết nên cuốn sách của mình. Ảnh: NXB Phụ nữ

Tại buổi giao lưu ra mắt sách, tác giả Thảo Trang đã chia sẻ rất nhiều về hành trình viết nên cuốn sách của mình. Ảnh: NXB Phụ nữ

Để thảm nạn không bị lãng quên

Bên cạnh việc nghiên cứu kỹ càng tư liệu, thì ở 25 độ âm, cách xây dựng nhân vật chính Lam cũng là một điểm nhấn lớn. Không chỉ là một người được chọn ngẫu nhiên, việc khai thác quá khứ đen tối cho ta thấy đây vừa là bi kịch của một con người, nhưng cũng đồng thời xây đắp nên cô thành một con người đa cảm, có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh và rồi trở thành động lực trong những khoảnh khắc đen tối nhất.

Tác giả chia sẻ: “Tôi nghĩ thoạt nhìn ai cũng tin rằng một cô gái có quá khứ quá kinh khủng thì mười mươi sẽ sớm gục ngã và bị hiện thực nuốt chửng. Ấy thế mà không, trong tác phẩm này, cô ấy vẫn vững vàng vượt qua, cô ấy vẫn trụ đến phút cuối cùng đó là vì cô ấy là một người phụ nữ Việt Nam. Tôi muốn nói rằng những người phụ nữ Việt Nam nói riêng, và phụ nữ trên thế giới ngày nói chung càng mạnh mẽ để đương đầu với nghịch cảnh. Tôi tin rằng, đây là điều mà tất cả chúng ta đều hướng tới”.

Tiểu thuyết 25 độ âm. Ảnh: Minh Anh

Tính cho đến nay, những người tử nạn trong thảm kịch ấy vẫn được gọi chung là 39 nạn nhân trong vụ container vượt biên trái phép sang Anh. Cái tên chung chung ấy đã phủ bóng họ, khiến họ nhỏ nhoi như chính thân phận bất định của mình. Quyết tâm không để điều đó lặp lại, Thảo Trang đã lồng ghép vào tiểu thuyết việc nhân vật Lam liên tục ghi chép, “để lại dấu vết” cho những cố gắng cũng như việc buộc phải sống của mình và của những người xung quanh thông qua những trang nhật ký.

Thảo Trang bộc bạch: “Khi Lam viết nhật ký, tức là cô ấy đang khắc thêm vào lịch sử nhân loại, để cho những người ở lại biết rằng đã có những mảnh đời như thế. Những dòng nhật ký của cô ấy sẽ là một bằng chứng rõ ràng nhất, đơn giản nhưng hiệu quả nhất để cảnh tỉnh cho những ai sắp sửa bước vào con đường bán mạng cho tử thần. Qua dòng nhật ký, chúng ta vẫn yêu thương, vẫn xót xa cho những kiếp người không may mắn. Mong rằng chúng ta đừng quên đồng bào đã tử nạn, cũng mong rằng sẽ không còn ai chọn lựa con đường nhập cảnh bất hợp pháp như thế nữa”.

Có thể nói bằng những nghiên cứu kỹ càng, nghiêm túc, nhiều thông tin cùng khả năng xây dựng tâm lý nhân vật đặc biệt, kết hợp lồng ghép với các tình tiết kịch tính, hấp dẫn, 25 độ âm đã đi sâu vào câu chuyện số phận của những nhân vật đặc biệt, qua đó cho ta thấy được một góc nhìn khác về động cơ, mục đích cũng như hành trình họ đã trải qua, từ đó không bao giờ quên những người đã xuất hiện trong một thảm nạn kinh hoàng và nhiều đau thương.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-van-thao-trang-tai-hien-tham-nan-de-biet-da-co-nhung-manh-doi-nhu-the-44857.html
Zalo