Nhà văn Như Bình: Làm thơ, vẽ tranh là trò chuyện với chính mình

Tập thơ chứa đựng quá nhiều những xúc cảm của Như Bình. Trong thời đại tưởng như thi ca đã rời bỏ đời sống thì sự xuất hiện của Như Bình giúp chúng ta hiểu rằng, thơ ca vẫn ở đó, ẩn giấu trong mỗi chúng ta.

Sáng 19/10, tại 65 Nguyễn Du Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi lễ ra mắt 2 cuốn sách mới của nhà văn, nhà báo Như Bình, gồm tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” và tùy bút “Thương những xa xôi”. Cả hai tác phẩm đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 10/2024. Cùng với sự kiện ra mắt hai cuốn sách, tác giả Như Bình cũng “trình làng” một bộ sưu tập tranh mang tên “Hẹn” mà chị mới sáng tác trong những năm gần đây.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng, sự xuất hiện của Như Bình giúp chúng ta hiểu rằng, thơ ca vẫn ở đó, ẩn giấu trong mỗi chúng ta...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng, sự xuất hiện của Như Bình giúp chúng ta hiểu rằng, thơ ca vẫn ở đó, ẩn giấu trong mỗi chúng ta...

Tham dự sự kiện có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Thiếu tướng, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND; Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí CAND. Tới dự sự kiện còn có lãnh đạo Báo CAND, đông đảo nhà thơ, nhà văn, các họa sĩ nổi tiếng ở Hà Nội và bạn bè yêu văn chương, nghệ thuật.

Đây là cuộc “trở lại” ấn tượng của Như Bình sau 10 năm “lặng lẽ” trên văn đàn. Như Bình là một cái tên khá quen thuộc trong giới báo chí, văn chương, bởi chị gắn bó nghề báo hơn 30 năm tại Báo CAND, từ là cây bút đến vai trò phụ trách các ấn phẩm nổi tiếng như An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Văn nghệ Công an..., đồng thời, chị đã có tới 11 tác phẩm văn chương (chủ yếu là truyện ngắn) được xuất bản và gây dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Thiếu tướng, nhà thơ Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND chia sẻ tại lễ ra mắt sách của nhà văn Như Bình.

Thiếu tướng, nhà thơ Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND chia sẻ tại lễ ra mắt sách của nhà văn Như Bình.

Cuộc trở lại lần này đánh dấu một bước đi mới trên con đường sáng tạo của Như Bình khi “đột phá” vào ba loại hình mới: Thơ, tùy bút và hội họa.

Tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” (NXB Hội Nhà văn) gồm 52 bài thơ sáng tác rải rác trong 3 năm gần đây. Như Bình đến với thơ khi tưởng như đã mặc định “số phận” mình với văn xuôi, vì trước đó chị được biết đến nhiều với những tập truyện ngắn gây ấn tượng, đồng thời chị là một cây bút nổi danh phụ trách những chuyên mục “vang bóng một thời” ở các ấn phẩm của Báo CAND. Khác với văn xuôi khắc họa những số phận, nhân vật, thơ Như Bình tràn ngập cảm xúc và suy tư. Nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng, thơ của Như Bình là “những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng”.

Nhà văn Như Bình chia sẻ với các nhà văn, nhà báo, đồng nghiệp, người yêu văn chương về "đứa con tinh thần" của chị.

Nhà văn Như Bình chia sẻ với các nhà văn, nhà báo, đồng nghiệp, người yêu văn chương về "đứa con tinh thần" của chị.

Tạp bút “Thương những xa xôi” (NXB Hội Nhà văn) gồm 21 bài tản văn, tạp bút được chắt lọc rải rác trong hành trình 18 năm nhà văn Như Bình làm nghề ở Hà Nội. Có thể nói, tạp bút là ký ức, là chiêm nghiệm, như cách gọi của Như Bình – ký ức là một phần đời của những gì ta đang sống. Những tạp bút của Như Bình rất thật, chị viết về những người ruột thịt, gắn bó cốt tủy cuộc đời mình. Qua đó, thấy một Như Bình lặng lẽ giữa đôi bờ quê, phố, vừa xa xót quê hương vừa háo hức phố thị. Chị viết như chị đã sống: Dốc trọn tâm can. Với thể loại này, Như Bình đã có những trang viết hay về làng quê, về những người quê sống nơi thành phố…

Và trưng bày tranh “Hẹn” giới thiệu 30 bức tranh được Như Bình sáng tác trong 3 năm gần đây, gồm tĩnh vật, chân dung, phong cảnh… được thể hiện với chất liệu acrylic trên toan. Nếu như thơ và tạp bút là những trang viết rất thật, như bứt ra từ đời sống, từ tình yêu, chiêm nghiệm của một người đàn bà nhiều suy tư, thì tranh lại là nơi không giới hạn để Như Bình thỏa sức ước mơ… Với những gam màu vui tươi, ấm áp, những nét vẽ sinh động, tranh của Như Bình là niềm giãi bày, bộc bạch khát khao của người đàn bà nhiều năng lượng sáng tạo…

Lãnh đạo Báo CAND và đồng nghiệp chúc mừng nhà văn Như Bình tại sự kiện.

Lãnh đạo Báo CAND và đồng nghiệp chúc mừng nhà văn Như Bình tại sự kiện.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ tại cuộc ra mắt: “Cách đây một năm, tôi đọc những bài thơ của Như Bình, tôi thực sự xúc động, ở đó, một điều gì đó của đời sống được vang lên, được mở ra. Như Bình như một cái chuông ném vào đời sống này, va vào sỏi đá, vào những vui buồn của cuộc sống… Đó là những tiếng vang của nỗi cô đơn, của hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà của chị, tiếng vang của nỗi sợ hãi, sự thảng thốt… Tập thơ chứa đựng quá nhiều những xúc cảm của Như Bình. Trong thời đại tưởng như thi ca đã rời bỏ đời sống thì sự xuất hiện của Như Bình giúp chúng ta hiểu rằng, thơ ca vẫn ở đó, ẩn giấu trong mỗi chúng ta…”.

Nhà văn Như Bình ký tặng sách dành cho bạn bè, đồng nghiệp yêu mến văn chương của chị.

Nhà văn Như Bình ký tặng sách dành cho bạn bè, đồng nghiệp yêu mến văn chương của chị.

Thiếu tướng, nhà thơ Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND cũng khẳng định: “Rất ít trường hợp có thể kết hợp trong một cuộc ra mắt sách các loại hình nghệ thuật như văn xuôi, thơ và hội họa. Với một tác giả thế hệ 7X thì Như Bình là trường họp hiếm hoi. Như Bình xuất hiện trên văn đàn đầu tiên là các tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn) và đây là tập thơ đầu tiên của chị. Trong 3 loại hình nghệ thuật này, với cảm nhận của một người làm nghề, tôi nghĩ, loại hình đúng chất chị nhất là thơ ca, mặc dù chị viết văn nhiều hơn. Thơ ca rất giàu hình ảnh và âm thanh, ngay tựa đề các tác phẩm của chị đã đầy chất thơ như “Bùa yêu”, “Người mang lại ái tình”, “Sự im lặng biếc xanh”… Phẩm chất của thơ ca là hướng tới cái đẹp và Như Bình là một trường hợp như vậy”.

Một góc trưng bày tranh của nhà văn Như Bình tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội.

Một góc trưng bày tranh của nhà văn Như Bình tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đồng cảm với những bài thơ của Như Bình và cách chị làm nghệ thuật. Anh nói: “Tôi đọc những bài thơ đầu tiên của Như Bình cách đây 4 năm. Tôi thấy Như Bình chất thơ nhiều hơn văn xuôi. Đọc tập thơ của Bình thấy Bình trong đó. Bình rất dũng cảm vì có bao nhiêu cảm xúc, chị đều đưa vào thơ. Như Bình tâm sự: “Tôi làm thơ để làm bạn với tôi, để hiểu tôi hơn và để tha thứ cho tôi”. Còn tôi nghĩ Như Bình làm thơ là để trò chuyện với mình. Hội họa với Bình cũng vậy, tôi không hỏi chị tại sao lại vẽ, tôi hiểu, chị muốn vẽ để cho đời sống của chị dài rộng hơn. Và không chỉ thơ, hay hội họa, mà là nghệ thuật nói chung, là cách Như Bình trò chuyện với chính mình. Thế nên, chị đừng quan tâm đến trường phái, hay kỹ thuật, hãy cứ làm nghệ thuật như chị đang làm”…

Tiến sĩ văn học Đỗ Anh Vũ: “Các bài thơ của Như Bình hầu hết viết theo thể tự do. Những câu thơ ngắn dài ùa ra như những cung bậc cảm xúc lúc xa lúc gần, lúc cồn cào lúc âm ỉ, lúc man mác u buồn, lúc man cuồng sôi sục. Có cảm giác, Như Bình luôn cháy đến cùng kiệt trong cảm xúc tình yêu, yêu đến mức quên mình đi, yêu đến nỗi như bài thơ nào viết ra cũng là bài thơ sau cuối. Như Bình đã ru mình bằng những bài thơ tình. Rất nhiều bài thơ mà chị đã viết, thực ra có thể xem là một bài thơ bất tận, không biết bắt đầu tự khi nào và chắc chắn cũng sẽ không có ngày kết thúc”.

Nhà thơ Vương Tâm: Tập thơ mới “Sự im lặng biếc xanh” của Như Bình có một cấu trúc thú vị với ba phần Trầm-Mộng-Thiền. Mỗi phần có một không gian thơ riêng cuốn hút người đọc. Nhưng thực ra đó là kết cấu ba trong một tinh tế của nguồn lực thơ dồi dào và đầy tâm trạng của tác giả. Mỗi phần có sắc thái riêng, mỹ cảm độc lập và mang nét sáng tạo thấm đẫm ánh sáng nghệ thuật tượng trưng giàu nhạc điệu và lấp lánh những nghịch phách của siêu thực. Phải chăng đó chính là gương mặt thơ hiện đại ẩn chứa nội lực cảm xúc bất ngờ. Với tập thơ này, Như Bình đã tạo ra một giọng thơ nữ đương đại đặc sắc không kém phần bất ngờ cho người đọc.

Họa sĩ Đào Hải Phong:

Xem tranh Như Bình thấy ngay tinh thần của một nhà thơ, chị vẽ tranh tràn đầy cảm xúc ồ ạt, hối hả cả ở màu và những nhát bút dường như không kịp toan tính và tình cảm đẹp. Mỗi bức tranh như một câu chuyện nhỏ, có lẽ Như Bình không muốn “ấn” mình ở một dòng phái nào trong thế giới hội họa mênh mang này vì chị đa tài. Tranh Như Bình hồn nhiên, gần như khi chị thấy một lọ hoa hay một áng mây trong thiên nhiên nếu làm chị rung động thì đều được chị ngay lập tức vẽ một cách hồn nhiên không toan tính. Sự hồn nhiên đó cũng là nét đặc trưng để thấy diện mạo và phong cách của Như Bình. Như Bình vẽ như sợ mất đi một tình cảm chân thành của mình với thiên nhiên hoa lá mà chị cảm thấy biết ơn những giá trị đó dành cho chị.

Họa sĩ Đặng Tiến:

Như Bình viết văn, làm thơ chân thành, tình cảm thế nào thì khi tiếp xúc với hội họa, sáng tác mỹ thuật cũng chân thành, tình cảm như vậy. Thêm phần háo hức của người được đắm chìm trong lĩnh vực mới, thế giới mới, sự khám phá mới.

Mọi việc không đơn giản. Như Bình từng tâm sự: “Có lẽ trong các ngành nghệ thuật, hội họa là khó nhất. Ngoài cảm xúc, tư duy, hội họa đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay, kỹ năng xử lý chất liệu, rồi những bố cục, hình…” nên nhiều lúc Bình thấy …nản! Nhưng với bản năng của người làm nghệ thuật, dễ bị kích thích bởi cảm xúc sáng tạo, Bình lại say sưa, chìm đắm với toan, màu sau giờ đi làm, nhiều khi cả đêm để hôm sau… mệt phờ. Nhưng vô cùng hạnh phúc khi bức tranh vẽ xong Bình thấy toại nguyện.

Tranh của Bình toát lên sự đam mê đến cuồng nhiệt. Đôi khi, sự “non tơ” ban đầu lại làm nên vẻ đẹp bất ngờ. Và điều quan trọng, những ai xem tranh của Bình đều cảm được tình cảm và sự chân thành của tác giả; như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực bằng chính sự đam mê, chân thành ấy.

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nha-van-nhu-binh-lam-tho-ve-tranh-la-tro-chuyen-voi-chinh-minh-i747669/
Zalo