Nhà văn Nguyễn Khắc Trường duyên tình xứ Thanh
Đất thiêng Thanh Hóa không chỉ sản sinh nhiều 'nhân kiệt' mà còn là nơi gắn bó, góp phần dựng nghiệp cho nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết 'Mảnh đất lắm người nhiều ma', một trong những tác phẩm xuất sắc nhất nền văn học Việt Nam đương đại vốn lấy nguồn tư liệu và cảm hứng chủ yếu từ xứ Thanh.
Nguồn năng lượng cho thơ và tiểu thuyết
Giữa tháng 12/2024, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng tôi từ Hà Nội vào Thanh Hóa tham dự Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030) Khu vực Bắc Trung bộ. Mỗi lần trở về xứ Thanh lòng tôi dâng lên những cảm xúc khó tả. Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Yên mà thành hoàng đất này là cụ Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh người gốc Thanh Hóa. Và gần một thế kỷ qua rất nhiều người xứ Thanh thành danh nơi đất Phú, mà nhà thơ – nhà báo Trần Mai Ninh là hình ảnh tiêu biểu. Tình cảm tự nhiên ấy khiến đất và người xứ Thanh luôn gần gũi trong tôi.
Lần này cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trở về Thanh Hóa, lòng chúng tôi hiện lên những ký ức đẹp đẽ khác. Tác giả “Sự mất ngủ của lửa” kể rằng thời trẻ ông yêu một người đẹp miền biển xứ Thanh, cuối tuần thường xuyên “nhảy xe” vào đây ở lại đêm trò chuyện với nàng thì ít mà với... cha nàng thì nhiều. Yêu người yêu cả những đặc sản vùng này. Nhớ nàng ông nhớ cả hương vị từng món ăn. Tất nhiên, họ Nguyễn làm rất nhiều thơ về mối tình không thành. Nói cách khác, người và đất này đã trở thành nguồn cảm hứng, năng lượng thi ca một thời của Nguyễn Quang Thiều. Người đẹp xứ Thanh ngày xưa là cô giáo về sau xuôi phương Nam “mở cõi” lòng khác để lại trong lòng nhà thơ quê gốc Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) nỗi tiếc nuối khôn nguôi.
Một đàn anh gần gũi với Nguyễn Quang Thiều thời làm Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Khắc Trường. Nhà văn quê gốc Thái Nguyên cũng đầy duyên nợ với Thanh Hóa. Sinh thời, trò chuyện với chúng tôi, ông nói rằng mình không có mối tình nào với các người đẹp “Vườn Thanh”, nhưng lại rất mê thắng cảnh, di tích văn hóa nơi này. Lịch sử Thanh Hóa như một Việt Nam thu nhỏ. Chính vùng đất giàu truyền thống lịch sử nhưng cũng đầy thăng trầm, bề bộn, phức tạp là nguồn tư liệu, cảm hứng, năng lượng chủ yếu cho ông viết nên thiên tiểu thuyết đời mình. Đó chính là “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, một trong những tác phẩm thời hậu chiến hay nhất nền văn học đương đại nước ta.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường hoàn thành “Mảnh đất lắm người nhiều ma” năm 1988, xuất bản năm 1990, được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cũng đóng “vai chính” trong những tác phẩm của Nguyễn Khắc Trường được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tôi có may mắn là chuyển về Báo Văn nghệ cùng ngày với ông và được làm việc với ông nhiều năm. Ông sống giản dị, trung thực. Người ta không tìm được những lời hoa mỹ, sáo mòn của ông trong cuộc sống hàng ngày. Đúng sai, hay dở luôn rành mạch trong con người ông. Nhiều lúc, ông như một tảng đá lớn mà khó ai có thể lay chuyển. Ông là một nhà văn tài năng và nhân cách mà tôi luôn kính trọng”.
Xứ Thanh “khai sinh”
bút danh Nguyễn Khắc Trường
Tên thật là Nguyễn Khắc Trường nhưng thời gian đầu cầm bút ông lấy bút danh Thao Trường. Với bút danh này ông đã xuất bản các tập truyện: “Cửa khẩu” (1972); “Thác rừng” (1976); “Miền đất mặt trời” (1982) và thiên bút ký “Gặp lại anh hùng Núp” đạt giải nhất Cuộc thi bút ký Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn nghệ tổ chức năm 1986. Đến năm 1990, khi trình làng tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, ông mới chính thức lấy tên thật làm bút danh là Nguyễn Khắc Trường. Đây như một bước ngoặt chuyển mình từ bỏ lối viết cũ, đổi mới sáng tạo, và nhanh chóng tạo tiếng vang cũng như vị thế cho ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại bằng tác phẩm này. Với tư liệu và nguồn cảm hứng sáng tác nên “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, có thể nói xứ Thanh đã “khai sinh” bút danh lừng lẫy Nguyễn Khắc Trường.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Khắc Trường hay tâm sự với đồng nghiệp rằng trong chúng ta có đến tám, chín mươi phần trăm có nguồn gốc từ nông dân. Điều ấy hoàn toàn đúng. Và tình yêu đối với làng quê và người nông dân luôn canh cánh trong lòng ông. Hễ có dịp là ông trở về quê mình hay ngược xuôi đây đó trên khắp các vùng nông thôn từ Bắc chí Nam để gặp gỡ trò chuyện với người nông dân. Ông cảm thấy mình mắc nợ họ. Một món nợ tự giác ăn sâu vào tâm thức. Ông muốn viết về người nông dân, viết về đời sống đằng sau lũy tre làng với bao hỉ nộ ái ố. Một sự thôi thúc tự nhiên từ tâm cảm của một cây bút đầy trách nhiệm. Nhưng viết về nông thôn, nông dân thì đã có rất nhiều nhà văn viết. Có người thành công. Có người thất bại. Điều quan trọng là ông muốn viết khác họ. Viết một cách nghệ thuật trên cái nền hiện thực đã và đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam sau khi đất nước thống nhất. Viết bằng sự trung thực và chính trực. Viết bằng tấm lòng của một con người có gốc rễ nông dân. Viết bằng tâm thế của một cây bút muốn thay đổi bút pháp chính mình và đổi mới văn chương vốn đang bị trì trệ trước thời cuộc.
Sự thôi thúc nội tâm đã giúp Nguyễn Khắc Trường quyết định xin ngừng trực biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, lên đường làm phóng viên đi thực tế tại các tỉnh Bắc Thái, Thanh Hóa, Hải Dương suốt ba tháng liền của năm 1988. Địa phương thu hút sự quan tâm của ông hơn cả là tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt là ba huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn. Đây là những nơi bấy giờ đang có những sự việc gây xôn xao dư luận. Vừa làm ăn khấm khá nhưng ba huyện này lại vừa có những câu chuyện liên quan tới sự mâu thuẫn, đố kỵ, tha hóa, tham ô, cửa quyền, trì trệ phức tạp. Cái đói giáp hạt đã trở nên ám ảnh người nông dân ngay cả những vùng trù phú. Nguyễn Khắc Trường đã dành nhiều thời gian thâm nhập tìm hiểu đời sống sinh hoạt, làm việc, tập tục văn hóa, cách ứng xử của người nông dân; ông muốn biết căn nguyên của những mâu thuẫn bê bối gây chia rẽ, xuống cấp đạo đức, kìm hãm sự phát triển của nông thôn mà tập trung ở những chức sắc “cường hào mới”.
Mùa xuân Ất Tỵ 2025 là mùa xuân đầu tiên vắng bóng nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Vì tuổi cao bệnh nặng ông đã qua đời hồi 11h40 ngày 2/10/2024 (tức ngày 30/8 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 79 tuổi. Ngoài tài năng văn chương, nhà văn Nguyễn Khắc Trường còn là nhân cách đáng kính.
Khi có được nguồn dữ liệu phong phú từ Thanh Hóa, Nguyễn Khắc Trường cảm thấy phóng sự không thể chuyển tải hết, mà cần đến trường thiên tiểu thuyết. Và ngay trong năm 1988, tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đã được hoàn thành với gần bốn trăm trang in. Cái đói giáp hạt từ người nông dân đã “ám” sang nhà văn. Tiểu thuyết mở đầu bằng câu: “Không dè cái đói giáp hạt này lại đủ móng vuốt nhảy xổ cả vào cái xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã”. Cuối tác phẩm ông ghi: “Những ngày giáp hạt năm 1988”. Cái xóm Giếng Chùa là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam bấy giờ, trong đó các nhân vật chính sống với nhau hơn bốn mươi năm, mà nổi bật là hình ảnh hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình hận thù và tranh đua ngày càng sâu đậm. Những con người của hai dòng họ này như Vũ Đình Đại, Vũ Đình Phúc, Trịnh Bá Hoành, Trịnh Bá Thủ, Trịnh Bá Hàm luôn mâu thuẫn, thù hằn, tranh giành chức tước, âm mưu hại nhau cho đến các nhân vật như lão Quềnh, cô Son, cô Thống Biệu,... đã được nhà văn xây dựng thật ấn tượng từ tính cách đến ngôn ngữ, cách hành xử. Cái xóm Giếng Chùa của Nguyễn Khắc Trường được kiến tạo thành công, điển hình cho nông thôn miền Bắc nước ta thập niên 1980, giống như làng Hoàng Xá của Ngô Tất Tố hoặc làng Vũ Đại của Nam Cao đầu thế kỷ XX.