Nhà văn Hoài Hương: Tác giả trẻ hãy đọc trước khi viết về chiến tranh, Cách mạng
Theo nhà văn Hoài Hương, tác phẩm của các nhà văn thế hệ trước là một kho tư liệu chi tiết chiến tranh, bởi rất nhiều trong số họ là người trong cuộc, là những chiến sĩ trước khi cầm bút.

Nhà văn Hoài Hương
Nhà văn Hoài Hương ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm với đề tài người lính, chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PV Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Hoài Hương về mảng đề tài sáng tác bà tâm huyết suốt quá trình cầm bút:
+ Xin chào nhà văn Hoài Hương! Được biết những năm qua bà rất quan tâm đến đề tài người lính, chiến tranh Cách mạng, lực lượng vũ trang và thể hiện rất rõ những nỗi niềm, băn khoăn, suy nghĩ và ý tưởng trong trang viết?
Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã rất quan tâm đến văn học đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh Cách mạng. Cha tôi từng chiến đấu ở mặt trận phía Nam thời chống Mỹ. Ông đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về đồng đội. Bản thân tôi sinh ra trong thời chiến, tôi cũng từng là quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Hình ảnh và những câu chuyện về đời lính ăn sâu vào tiềm thức của tôi ngay từ thuở ấu thơ. Không khí cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc in hằn trong ký ức của tôi.
Sau này khi tôi học chuyên về ngành Ngữ văn, công việc được tiếp xúc với các vị tướng lĩnh từng kinh qua các cuộc chiến, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh nhân các dịp kỷ niệm quan trọng gắn với lịch sử của thành phố mang tên Bác. Khi cầm bút viết văn, tôi đã in 2 tập truyện ngắn – cuốn Những khoảnh khắc sinh tử viết lực lượng tình báo chiến lược và biệt động TPHCM, cuốn Trời xanh màu tình yêu cũng viết về chiến tranh, chủ yếu là ở mặt trận Nam bộ.

Cuốn sách "Trời xanh màu tình yêu" của nhà văn Hoài Hương được NXB Quân đội nhân dân phát hành tháng 7/2024
+ Hẳn bà đọc nhiều tác phẩm của các thế hệ đi trước về đề tài người lính và chiến tranh Cách mạng. Cảm nhận của bà như thế nào về những trang viết ấy?
Tôi đọc nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của các cây bút thế hệ đàn anh từ Khuất Quang Thụy, Chu Lai, Nguyễn Bảo, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh… Khi phỏng vấn họ, tôi thấy gần như tất cả các nhà văn đều có trăn trở rằng tới hôm nay họ vẫn chưa có tác phẩm thực sự ưng ý. Các nhà văn thành danh trong đề tài này vẫn muốn sáng tác nhưng lực bất tòng tâm. Khi tham gia cuộc chiến với vai trò người lính nên cái nhìn của các nhà văn vẫn chỉ ở một góc, một khía cạnh. Bản thân họ vẫn muốn viết về một điều gì đó lớn hơn, khái quát hơn, dữ dội hơn. Chính từ trăn trở đó, các nhà văn muốn chuyển giao "món nợ" đó cho thế hệ trẻ hôm nay. Tôi nghĩ rằng mong muốn chuyển giao đó bắt nguồn từ ý tưởng trao truyền để thế hệ ngày hôm nay không những tri ân mà còn cần hiểu biết thêm về lịch sử, chiến tranh, Cách mạng.
+ Đọc và quan sát các cây bút thế hệ ngày hôm nay, bà thấy họ đã thực sự đáp ứng được mong mỏi của lớp nhà văn đi trước?
Tôi nghĩ rằng các tác giả trẻ ngày hôm nay hình như rất ít quan tâm đến đề tài chiến tranh. Các cuộc thi viết, thí dụ như "Văn học tuổi 20", chỉ có một kỳ có một vài tác phẩm viết về chiến tranh, còn đợt gần đây nhất các tác giả chỉ viết về đương đại. Chính vì thế tôi nghĩ rằng đang có một khoảng trống, một thiếu khuyết. Các cây bút trẻ có thể viết rất tốt về đời sống đương đại nhưng trang viết lại rất hời hợt khi chạm đến đề tài chiến tranh, thậm chí hoàn toàn không quan tâm đến đề tài này. Cách họ nhìn nhận về chiến tranh dường như chỉ thông qua thông tin trên internet, trên google, chưa được tiếp xúc nhiều với các tư liệu. Các chi tiết mang tính tưởng tượng thì lại hơi ngây ngô.
+ Trong nhìn nhận của một nhà văn đồng thời có tìm hiểu rất sâu về các khuynh hướng sáng tác, có lẽ bà cũng có những kỳ vọng vào nội lực cũng như sự quan tâm của các cây bút trẻ với đề tài người lính, chiến tranh Cách mạng, nhất là hình ảnh người lính ngày hôm nay?
Tôi nghĩ nên có những cuộc thi sáng tác văn học chuyên sâu vào một chuyên đề, riêng biệt, chuyên biệt, thậm chí có tiêu chí rõ ràng là thi viết cho những cây bút trẻ viết về đề tài lực lượng vũ trang. Ví dụ như lực lượng công an từng có những cuộc thi viết về lực lượng cảnh sát hình sự, về lực lượng cảnh vệ, hình tượng người chiến sĩ công an nhân dịp 70 năm, 80 năm ngày truyền thống. Từ đó sẽ khuyến khích các bạn trẻ sáng tác. Đồng thời các tác giả trẻ cũng nên đọc thêm các tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn thế hệ trước. Đó chính là một kho tư liệu, kho chi tiết, vốn thông tin về cuộc chiến tranh bởi các nhà văn thành danh thế hệ trước bản thân họ là người trong cuộc, là những chiến sĩ trước khi cầm bút. Hãy đọc rồi sau đó hẵng viết theo cái nhìn của người trẻ hôm nay.
+ Vậy còn bản thân mình, chắc hẳn bà cũng ấp ủ những ý tưởng viết về đề tài chiến tranh Cách mạng với các tác phẩm sẽ ra mắt độc giả công chúng thời gian tới?
Tôi vẫn đang ấp ủ có thể cuối năm nay sẽ ra một tập truyện ngắn viết cho người trẻ đọc, nhẹ nhàng như tôi vẫn hay nói đùa là "ngôn tình chiến tranh". Vẫn là viết về những gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng để mọi người trân trọng hơn cuộc sống hòa bình hôm nay; đồng thời khơi dậy cho các bạn trẻ nghĩ về ông cha mình và lật lại trang sử để sáng tác. Tôi mong muốn từ tác phẩm của mình sẽ góp phần khơi lên trong các bạn trẻ hứng thú, tình yêu với đề tài người lính, chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang.
+ Xin cảm ơn bà!
Nhà văn Hoài Hương tên thật là Đặng Diệu Hà, sinh năm 1964 tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Bà đã có hơn 10 đầu sách được xuất bản, được trao các giải thưởng như giải Tư Bút ký về quận 5 - TPHCM năm 2020, giải Khuyến khích tản văn "45 năm rực rỡ tên vàng" - báo Người lao động năm 2021, giải B truyện ngắn "Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân"- Bộ Công An năm 2022, giải Ba bút ký "Từ trong ký ức" - báo Người lao động năm 2022.