Nhà văn hóa 'sáng đèn' nhưng công nhân 'đỏ mắt' tìm món ăn tinh thần

Các chuyên gia văn hóa, lao động và công đoàn cho rằng, hiện nay hệ thống các nhà văn hóa, cung văn hóa được đầu tư khá nhiều tại các địa phương, nhiều cơ sở vẫn 'sáng đèn' biểu diễn, nhưng công nhân lao động chưa có điều kiện tiếp cận, đang phải 'đỏ mắt' tìm những món ăn tinh thần…

Trong các khu công nghiệp - khu chế xuất và khu nhà trọ, nơi hàng triệu công nhân đang ngày đêm làm việc và sinh sống, không ít người đang cảm thấy thiếu thốn về mặt đời sống tinh thần. Mặc dù công nhân đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhưng đời sống văn hóa chưa được chú trọng đúng mức. Các nhà văn hóa hiện nay, thay vì trở thành nơi sinh hoạt tinh thần cho người lao động, lại đang bị bỏ trống hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Đây là một vấn đề lớn, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Công nhân vẫn “khát” món ăn tinh thần

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng, các nhà văn hóa được xây dựng, có nguồn thu khá ổn định từ khả năng tự chủ về tài chính, giúp tự duy trì hoạt động văn hóa hiệu quả. Tuy nhiên, tại các địa phương khác, bài toán tài chính vẫn là một trở ngại lớn. Một ví dụ điển hình là tại tỉnh Bình Dương, các nhà văn hóa gặp khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện do quy định quản lý tài chính của nhà nước. Những hạn chế này khiến các nhà văn hóa tại nhiều địa phương không thể tự tạo nguồn thu để duy trì hoạt động.

Theo ông Đặng Tiến Quang thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, các nhà văn hóa cần có kế hoạch dài hạn để kết nối với các doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho công nhân tham gia các sự kiện, hoạt động. Tuy nhiên, điều này đụng phải một thực tế khó khăn khi kinh phí và thời gian dành cho hoạt động này của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế.

Một trong những thử thách lớn của các đơn vị văn hóa là thu hút công nhân đến tham gia các sự kiện. Bà Trần Thanh Huyền, Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) cho biết, mặc dù đơn vị của bà có đủ khả năng tổ chức các sự kiện lớn với chất lượng nghệ thuật cao, nhưng việc thu hút công nhân từ các khu công nghiệp ngoại thành là một bài toán khó. Nằm ở trung tâm thủ đô, cung văn hóa này có thể tổ chức các chương trình lớn, nhưng thiếu nguồn lực tài chính để hỗ trợ vé và thời gian cho công nhân tham gia.

 Một tiết mục nghệ thuật trong "Chương trình Vinh quang Công đoàn Việt Nam" tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) vào tháng 7-2024

Một tiết mục nghệ thuật trong "Chương trình Vinh quang Công đoàn Việt Nam" tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) vào tháng 7-2024

Theo các chuyên gia về lao động và công đoàn, công nhân hiện nay đang đối mặt với một “cơn khát văn hóa”. Họ thiếu cơ hội tiếp cận các hoạt động giải trí lành mạnh, mặc dù nhà văn hóa lại có sẵn cơ sở vật chất. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cán bộ công đoàn cần phải có sự quan sát, nghiên cứu thực tế và tư duy sáng tạo để phát triển các chương trình văn hóa phù hợp cho công nhân.

“Chúng ta nhìn vào những công nhân sau khi tan ca, gương mặt họ đầy trăn trở, lo âu. Đó là dấu hiệu của cuộc sống thiếu thốn, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần”, ông Hiểu chia sẻ, đồng thời khẳng định, văn hóa không chỉ là giải trí mà còn là niềm tin giúp người lao động vượt qua khó khăn.

Ông nhấn mạnh rằng việc cải thiện đời sống văn hóa cho công nhân là cần thiết để họ có thể thụ hưởng những giá trị văn hóa xứng đáng với những đóng góp của mình.

Còn PGS-TS Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nhận định rằng văn hóa của công nhân không chỉ đơn giản là các hoạt động giải trí mà còn bao gồm văn hóa lao động và văn hóa trong cộng đồng. Khi tham gia các hoạt động này, công nhân không chỉ thụ hưởng mà còn có cơ hội sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển văn hóa của doanh nghiệp và cộng đồng.

Nâng cao vai trò của công đoàn và các tổ chức xã hội

Một trong những giải pháp hữu hiệu để thu hút công nhân tham gia các sự kiện văn hóa là đa dạng hóa hình thức chương trình. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, ngoài các hoạt động ca hát, các nhà văn hóa cần chú trọng đến các loại hình nghệ thuật khác như hài kịch, tiểu phẩm, kịch nói. Những chương trình như vậy không chỉ giải trí mà còn mang tính giáo dục cao, truyền tải các thông điệp về chính sách, pháp luật và giá trị sống.

Hơn thế, ông Hiểu cho rằng, các chương trình này nên có sự tham gia trực tiếp của công nhân (như một hình thức thể hiện bản thân thay vì chỉ là người xem). Ví dụ, trong một buổi biểu diễn, công nhân có thể tham gia biểu diễn, ca hát, hoặc tham gia các hoạt động khác. Đây không chỉ là cơ hội để họ thư giãn, mà còn giúp họ cảm thấy được tôn trọng và có giá trị trong cộng đồng.

 Công nhân cần những món ăn văn hóa tinh thần và được tham gia trực tiếp thay vì chỉ xem. Ảnh minh họa

Công nhân cần những món ăn văn hóa tinh thần và được tham gia trực tiếp thay vì chỉ xem. Ảnh minh họa

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, việc áp dụng hình thức sân khấu hóa để truyền tải các thông điệp về pháp luật, ứng xử hay các kỹ năng sống có thể giúp công nhân tiếp cận kiến thức một cách sinh động và dễ hiểu. “Những vở kịch nhỏ, những tiểu phẩm về đời sống công nhân có thể trở thành công cụ hữu ích để nâng cao nhận thức của công nhân lao động”, ông Bắc chia sẻ.

Các nhà văn hóa và cung văn hóa lao động không chỉ đơn thuần là không gian văn hóa mà còn cần đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống tinh thần cho công nhân. Công nhân xứng đáng có một môi trường văn hóa phong phú để họ vừa là người hưởng thụ, vừa là người sáng tạo văn hóa. Đây là một nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ cho sự phát triển của công nhân mà còn cho sự thịnh vượng của xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.

PHÚC VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-van-hoa-sang-den-nhung-cong-nhan-do-mat-tim-mon-an-tinh-than-post768597.html
Zalo