Triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025
Sáng 1/12, Bộ Công Thương tổ chức phiên họp công bố kế hoạch hoạt động của Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025.
Phiên họp có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và chuyên gia. Thứ trưởng Bộ Công Thương -Trương Thanh Hoài chủ trì phiên họp.
Phiên họp là một trong những hoạt động nhằm triển khai Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 (Quyết định số 68/QĐ-TTg).
216 đề án công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt
Phát biểu tại phiên họp, ông Phạm Nguyên Hùng- Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, qua 4 năm triển khai Chương trình giai đoạn II (2021-2024), Bộ Công Thương đã phê duyệt 216 đề án với tổng kinh phí giao thực hiện là 798.008 triệu đồng, trong đó kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 648.180 triệu đồng và nguồn vốn khác là 149.828 triệu đồng.
Theo đó, các đề án thuộc Chương trình tập trung vào các hoạt động chính bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
Sau 04 năm triển khai Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định như phạm vi và quy mô chương trình ngày càng được mở rộng. Theo đó, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trên khắp cả nước quan tâm và tích cực tham gia.
“Quy mô của Chương trình cũng được mở rộng trên cả 3 miền Bắc -Trung - Nam, tạo tác động lan tỏa rộng khắp và thu hút sự quan tâm của đông đảo các thành phần như các Bộ, ngành, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp…”- lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay.
Đáng chú ý, các hoạt động của Chương trình ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia các hoạt động thuộc Chương trình ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu như quản trị sản xuất, quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Bên cạnh đó, chương trình đã tạo ra được sân chơi giao lưu, học hỏi, kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia thông qua các diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế.
Công tác truyền thông, thông tin về công nghiệp hỗ trợ phủ sóng rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, truyền tải các thông điệp về vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thông tin để các doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chia sẻ về các khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành, từ đó nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội.
Ngoài ra, Chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, cụ thể như sau: Hỗ trợ hơn 700 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia các Chương trình xúc tiến đầu tư, triển lãm trong và ngoài nước; Hỗ trợ đào tạo hơn 750 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, cơ khí chế tạo, điện tử, dệt may và da giày; Tổ chức tư vấn cải tiến sản xuất cho gần 300 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày; Hỗ trợ đào tạo khoảng 2.200 nhân lực ở các cấp bậc, trình độ, chuyên môn khác nhau như cấp lãnh đạo, quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia,…đáp ứng yêu cầu cho các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô tô, điện tử, dệt may và da giày.
Hướng tới mục tiêu lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Nhà nước cần bố trí đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đạt trình độ khu vực và toàn cầu trong quá trình phát triển, rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu. Các chính sách hỗ trợ cần được xây dựng đồng bộ và theo đuổi kiên trì, dài hạn, đầu tư nguồn lực thích đáng để gấp rút nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua các chương trình có mục tiêu cụ thể.
Phát biểu tại phiên họp Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, việc triển khai Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ trong những năm vừa qua đã đem lại những kết quả khả quan và tạo tác động, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế - xã hội.
Các hoạt động của Chương trình ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Sau khi tham gia các hoạt động hỗ trợ của Chương trình, doanh nghiệp đã thực sự có sự thay đổi, chuyển mình theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp có khả năng tăng năng suất và hiệu suất sản xuất đồng thời cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng mới.
Thứ trưởng cho hay, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, công nghiệp hỗ trợ được Quốc hội ghi nhận là một lĩnh vực quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững, tăng cường nội lực sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đóng góp phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giúp cho Việt Nam tăng trưởng xuất siêu từ 2 tỷ USD năm 2017 đến hơn 28 tỷ USD hiện nay. Cụ thể, các đề án đã hỗ trợ trực tiếp mang lại hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất hướng tới tự chủ trong sản xuất đống góp vào phát triển ngành công Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Để triển khai công tác họp Hội đồng thẩm định Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ năm 2025 kịp thời và hiệu quả, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định phối hợp với cơ quan thường trực – Cục Công nghiệp đánh giá khách quan, trung thực đối với nội dung từng đề án đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng và có phiếu đánh giá của từng đề án.
“Những đề án trùng và chưa cần thiết phải cân nhắc thật kỹ. Cần lựa chọn những đề án sát với thực tế nhu cầu doanh nghiệp. Rất mong, Hội đồng phát huy tinh thần khẩn trương, quyết liệt để hoàn thành tiến độ chương trình được giao”- Thứ trưởng lưu ý.
Trước đó, trong quá trình thực hiện đánh giá sơ tuyển các đề án, Cục Công nghiệp đã tiến hành rà soát các tài liệu của hồ sơ đề án đăng ký đảm bảo đầy đủ hồ sơ đề án theo quy định và đã mời các chuyên gia có kinh nghiệm và am hiểu lĩnh vực chuyên môn của đề án để xem xét, tư vấn và đánh giá nội dung của các đề án, đảm bảo các đề án đạt chất lượng và phù hợp với định hướng và phạm vi của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025 cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay.