Nhà văn gốc Việt Vanessa Vu: Tôi cảm nhận rất rõ nguồn cội Việt Nam trong mình
Nhà văn gốc Việt Vanessa Vu đã có cuộc trò chuyện cởi mở với PV VOV.VN về thân phận lai giữa hai nền văn hóa, về vai trò của văn học như một cây cầu nhân văn, và cả những kết nối cảm xúc khi trở về Việt Nam lần này.
Là nhà văn, nhà báo từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín tại Đức và là một trong những tiếng nói nổi bật của thế hệ người Việt sinh ra ở châu Âu, Vanessa Vu (tên khai sinh: Vũ Hồng Vân) mang đến một góc nhìn độc đáo về di cư, bản sắc và công bằng xã hội. Nhân dịp trở về Việt Nam tham dự Những ngày Văn học châu Âu 2025, trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức và 35 năm quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu, cô đã có cuộc trò chuyện cởi mở với PV VOV.VN về thân phận lai giữa hai nền văn hóa, về vai trò của văn học như một cây cầu nhân văn, và cả những kết nối cảm xúc khi trở về Việt Nam lần này.

Vanessa Vu về Việt Nam tham dự Những ngày Văn học châu Âu 2025
Việt Nam không phải là nơi tôi sinh ra, nhưng là nơi tôi muốn tìm về
PV: Trở về Việt Nam, cảm xúc của chị ra sao khi bước chân về nơi mình mang dòng máu nhưng chưa từng lớn lên?
Vanessa Vu: Đây là lần thứ sáu tôi trở về Việt Nam. Trước đây, không phải lúc nào bố mẹ tôi cũng có điều kiện và khả năng tài chính để đưa cả gia đình về thăm quê. Dù vậy, tôi luôn yêu thích việc được ở Việt Nam.
Lần đầu tiên tôi về Việt Nam là khi tôi 12 tuổi, cùng với bố mẹ và hai em. Chúng tôi đến thăm ông bà – một chuyến đi vô cùng xúc động đối với cả gia đình. Bố mẹ tôi đã sống xa ông bà trong một thời gian rất dài, nên lần gặp lại ấy chất chứa nhiều cảm xúc. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ cảm giác lúc ấy – cảm giác bị xa cách khỏi cội nguồn, rồi được nối lại sợi dây gắn kết đã từng đứt quãng.
Đôi khi tôi cảm thấy ghen tị với những người được sinh ra trong chính nền văn hóa của mình, tại nơi họ có nguồn gốc. Họ không bị đặt câu hỏi về việc họ là ai, họ thuộc về đâu. Còn tôi thì không có được điều đó. Đã có một thời gian tôi từng từ chối điều đó, từng tự nhận mình là người Đức. Nhưng bây giờ thì tôi không còn nghĩ vậy nữa.
Tôi là một người Việt Nam. Tôi cảm nhận rất rõ nguồn cội Việt Nam trong mình. Thực ra, tôi được nuôi dạy trong một môi trường hoàn toàn Việt Nam – từ cách giáo dục, nếp sống gia đình, đến cách chúng tôi ăn uống, trò chuyện và chia sẻ với nhau hằng ngày. Mọi điều đó đều rất Việt Nam và tôi đã lớn lên như thế.
Giờ đây, khi tôi trở thành một nhà văn – tôi làm podcast, làm báo, làm sân khấu, và hiện tại đang viết tiểu thuyết – tôi nhận ra mình luôn bị cuốn hút bởi những chủ đề liên quan đến Việt Nam. Bởi vì đó là những con người tôi yêu quý, tôi quan tâm. Và tôi muốn tìm hiểu về lịch sử của họ, cũng là lịch sử của chính tôi.

PV: Tuổi thơ trong trại tị nạn và thân phận “người ở giữa” ảnh hưởng thế nào đến cách chị tiếp cận các đề tài về di cư và bất công xã hội?
Vanessa Vu: Bố mẹ tôi ngày xưa là lao động xuất khẩu. Đến cuối những năm 1980 thì tình hình trở nên rất hỗn loạn và bạo lực. Những người lao động, những người nhập cư như bố mẹ tôi lúc đó bị truy đuổi, bị đánh, thậm chí có người bị giết – trong đó có cả người thân trong gia đình tôi. Bố mẹ tôi đã quyết định phải trốn chạy.
Đó là lý do vì sao tôi lớn lên trong một trại tị nạn, nơi gia đình tôi phải bắt đầu lại từ con số không, tay trắng hoàn toàn. Tôi nghĩ rằng, việc phải bắt đầu lại từ một trạng thái hoàn toàn mới – phải học cách tiếp cận với xã hội, phải biết hành xử thế nào, nói năng ra sao, thậm chí là học cả cách đi lại – thực sự là một kiểu đào tạo rất tốt cho một người làm nghề viết. Vì như vậy, tôi buộc phải có khả năng quan sát cực kỳ sắc bén, để nhận ra cả những chi tiết nhỏ nhất.
PV: Cuốn sách “Komm dahin, wo es still ist” viết cùng chồng – nhà thơ người Syria Ahmad Katlesh – như một cuộc đối thoại giữa hai thân phận di dân, bằng hình thức trao đổi thư từ. Có đoạn nào chị thấy giống như đang gửi thư cho chính tuổi thơ mình không?
Vanessa Vu: Tôi không cảm thấy rằng mình đang viết cho tuổi thơ của bản thân, mà đúng hơn là tôi cảm thấy như đang mở ra một cánh cửa – một cánh cửa để kết nối với bố mẹ mình. Tôi là thế hệ thứ hai, còn anh ấy là thế hệ thứ nhất. Vì vậy, tôi có cơ hội được nói về những chủ đề mà bình thường bố mẹ sẽ không chia sẻ với tôi, về những trải nghiệm như chiến tranh, phân biệt chủng tộc… bởi họ thường khép lại cánh cửa đó.
Khi tôi trò chuyện với một người Syria, tôi không cần phải nói theo cách tôi thường nói với người Đức. Vì nếu là nói với người Đức, tôi luôn phải đặt mình trong thế so sánh – giữa tôi và họ. Cái nhìn từ nước Đức theo tôi cảm nhận thường là cái nhìn từ trên xuống: rằng chúng tôi là người nhập cư, nhỏ bé, nghèo khó, thiếu giáo dục.
Chồng tôi, một người Syria, anh ấy hiểu rất rõ câu chuyện về việc là một người sống ở đây nhưng đến từ nơi khác. Chúng tôi có thể chia sẻ những trải nghiệm rất cụ thể và gần gũi, dù nhỏ bé. Những điều tưởng như nhỏ nhặt như đồ ăn cũng trở thành thứ để kết nối. Tôi không cần phải cố gắng giải thích, không cần phải thanh minh mình là ai và vì sao mình như thế. Lúc đó, chúng tôi có thể nhìn nhau ngang hàng và cùng chia sẻ.

Vanessa Vu và chồng
PV: Lớn lên ở nước ngoài, khái niệm "quê hương" với chị từng có lúc nào chỉ là một cái tên trong giấy tờ, hay luôn hiện diện bằng một cảm xúc cụ thể?
Vanessa Vu: Tôi luôn biết mình là người Việt Nam, nhưng tôi cũng không thật sự xem Việt Nam là quê hương của mình. Bởi vì tôi không sinh ra ở đó, và tôi đã từng cố gắng biến nước Đức trở thành quê hương – nhưng nước Đức cũng không cho phép tôi làm điều đó. Nơi ấy luôn luôn truy vấn tôi, luôn đặt câu hỏi về tôi.
Năm 2013, tôi trở về Việt Nam và sống ở Hà Nội trong nửa năm. Tôi muốn thử tìm hiểu xem liệu Việt Nam có thực sự là mái nhà của mình hay không. Nhưng rồi tôi nhận ra – cũng không hẳn là như vậy. Cũng không phải là quê hương theo nghĩa tôi từng kỳ vọng.
Và sau nhiều năm, cuối cùng tôi đã quyết định chấp nhận rằng: tôi không có một mái nhà cố định nào cả. Tôi có nguồn gốc của mình, và tôi biết nó nằm ở đâu. Nhưng mái nhà – nơi tôi thuộc về – có thể sẽ phải tìm ở một nơi khác. Đôi khi là ở con người, và đôi khi là trong văn chương.
Văn chương có thể mở ra những kết nối rất bất ngờ
PV: Chị có những cách nào để gìn giữ mối liên kết với văn hóa Việt Nam trong đời sống thường nhật, đặc biệt khi sống xa quê hương?
Vanessa Vu: Một điều mà tôi nghĩ mình có thể chia sẻ, đó là việc nấu ăn. Tôi hầu hết nấu ăn theo kiểu Việt Nam. Ngay cả khi tôi không giỏi tiếng Việt, thì tôi vẫn giữ được thói quen này. Thậm chí, tôi là một người nấu ăn khá bảo thủ – tôi thích nấu đúng theo cách truyền thống của người Việt, không pha trộn gì cả. Thỉnh thoảng, bạn bè hỏi tôi rằng vì chồng tôi là người Syria, liệu chúng tôi có kết hợp ẩm thực hai nước không, tôi trả lời: chắc chắn là không. Nấu ăn là điều tôi luôn muốn giữ nguyên vẹn.
Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là nỗ lực cá nhân trong việc học tiếng Việt. Khi còn nhỏ, bố mẹ tôi nói tiếng Việt, nhưng ông bà thì rất bận rộn, không có nhiều thời gian để dạy tiếng cho chị em chúng tôi. Mà để thực sự giỏi tiếng Việt thì phải học – phải đến trường, phải đọc, phải luyện tập. Tôi đã không có cơ hội đó khi còn bé. Nhưng trong những năm gần đây, tôi đã cố gắng rất nhiều để học tiếng Việt, có những buổi học riêng với gia sư – một cô giáo ở TP.HCM.
Với tôi, điều quan trọng nhất là khả năng tiếp cận được văn chương Việt Nam. Đó là lý do vì sao dù tiếng Việt giao tiếp của tôi chưa thật tốt, tôi vẫn kiên trì học để hiểu và có thể trò chuyện với gia đình về những tác phẩm như “Chí Phèo” – văn học cổ điển, hay cả văn học đương đại. Văn chương giúp tôi hiểu được giới hạn – và cũng là chiều sâu – của một ngôn ngữ. Không phải điều gì cũng có thể dịch được sang một ngôn ngữ khác, giống như trong nấu ăn: không phải kỹ thuật hay nguyên liệu nào cũng có thể chuyển từ nền ẩm thực này sang nền khác.
Khi đọc và hiểu được văn chương Việt, tôi cảm nhận rõ sự phong phú, giàu có của văn hóa Việt Nam. Và qua những tác phẩm tôi yêu thích, nhất là văn học đương đại, tôi thấy mình hiểu Việt Nam hơn rất nhiều – theo cách rất riêng, rất sâu.

PV: Theo chị, những câu chuyện văn chương – nhất là từ người gốc Việt – có thể giúp người đọc ở châu Âu và Việt Nam hiểu nhau hơn không?
Vanessa Vu: Tôi từng có những cuộc trò chuyện với các nhà văn di dân khác tại Việt Nam. Khi chúng tôi cùng nhau chia sẻ, chúng tôi nhận ra một điều: hầu hết chúng tôi đều không nghĩ đến độc giả phương Tây khi viết. Trong đầu chúng tôi, không có hình ảnh về một “đối tượng độc giả nước ngoài” cụ thể nào cả.
Tuy nhiên, đồng thời, chúng tôi cũng đã trải qua một trải nghiệm đặc biệt: được lắng nghe phản hồi từ những người nằm ngoài “vòng tròn quen thuộc” của mình. Chúng tôi nhận ra rằng mình viết chủ yếu để hiểu thêm về chính mình, và để trò chuyện với những người có vẻ gần gũi – cùng trải nghiệm, cùng hoàn cảnh. Nhưng rồi qua các sự kiện, chúng tôi được tiếp xúc với cả những người không nằm trong nhóm ấy – ví dụ, những người có mối liên hệ nào đó với người Việt: có chồng hoặc vợ là người Việt, học cùng người Việt, hoặc có bạn thân là người Việt.
Thông qua văn chương, họ hiểu chúng tôi hơn. Và qua chính những phản hồi đó, chúng tôi cũng nhận ra rằng: hóa ra mình cũng có những độc giả nằm ngoài “dự kiến”. Họ không chỉ quan tâm đến di dân hay chủ đề châu Á – Việt Nam. Đôi khi họ đọc chỉ vì họ thích thư tình, rồi từ đó mà tiếp cận văn chương của chúng tôi.
Điều đó cho thấy rằng văn chương có thể mở ra những kết nối rất bất ngờ – không giới hạn ở biên giới hay lý lịch.
PV: Điều gì khiến một câu chuyện vượt qua ranh giới địa lý để chạm vào người khác?
Vanessa Vu: Nếu trên đời này có điều gì đó có thể vượt qua mọi biên giới, thì tôi nghĩ đó chính là những câu chuyện hay. Tôi đặc biệt trân trọng điều mà có thể gọi nôm na là "nghệ thuật kể chuyện" – nhưng với tôi, nghệ thuật ở đây không chỉ là cảm hứng hay bản năng, mà còn mang tính kỹ thuật rất cao. Việc kể chuyện, thực ra, là một kỹ năng cần phải luyện tập.
Tôi là người rất trân trọng cái nghệ – kỹ thuật đó. Khi một nhà văn có thể tìm được hình thức phù hợp để chuyển tải nội dung của mình và tạo ra một câu chuyện thực sự tốt, thì lúc đó, câu chuyện ấy có khả năng vượt qua mọi biên giới – cả về không gian lẫn thời gian – và trở thành điều gì đó mang tính phổ quát.
Còn cái "bí mật" của sự phổ quát ấy là gì, thì tôi cũng không rõ. Tôi nghĩ đó chính là hành trình tìm kiếm kéo dài suốt đời của bất kỳ người viết nào.
PV: Chị có nghĩ chuyến trở về lần này sẽ mở ra một mạch viết mới không? Có thể kỳ vọng một tác phẩm nào đó lấy cảm hứng từ Hà Nội, từ Việt Nam của hiện tại?
Vanessa Vu: Tôi nghĩ là có, vì tôi cảm thấy chuyến đi này mang lại rất nhiều cảm hứng.
Lần này, chúng tôi có sự kết nối không chỉ giữa các nhà văn di dân đến từ nhiều nơi khác nhau, mà còn giữa chúng tôi với những người đang sống tại Việt Nam. Tôi nghĩ các nhà văn giống như những miếng bọt biển – họ lặng lẽ hút vào mình mọi thứ xung quanh. Và từ những điều họ thấm được, một vài thứ sẽ dần trở thành câu chuyện.
Nhưng đồng thời, nhà văn cũng là những người chậm (cười). Cho nên dù có điều gì đó đang hình thành, thì nó cũng sẽ cần khá nhiều thời gian để thực sự thành hình.
PV: Xin cảm ơn chị!
Vanessa Vu là biên tập viên tại báo Zeit Online và là một trong những tiếng nói phản biện quan trọng nhất của thế hệ thứ hai trong cộng đồng người Việt tại Đức. Những hoạt động báo chí của cô trong các chủ đề như phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng đã giành nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Phê bình Lessing năm 2022. Vanessa Vu có nền tảng học thuật sâu rộng về nhân học, luật quốc tế và nghiên cứu Đông Nam Á, từng theo học tại Munich, Paris và London. Với podcast thành công Rice and Shine, cô đã mang những câu chuyện và góc nhìn gần gũi hơn về cộng đồng người Việt di cư đến với đại chúng.