Nhà văn Bích Ngân: Tri kỷ mùa thu hóa phép nhiệm màu

Tình cờ kệ sách nhà tôi có vài cuốn sách của chị Bích Ngân: 'Thế giới xô lệch' (tiểu thuyết), 'Trăng mật ở đảo' (22 truyện ngắn hài), 'Đường đến cây cô đơn' (tập truyện ngắn). Và giờ đây, tôi được đọc 'Nghiêng về phía nỗi đau' (thơ). Thật thú vị, cùng một tác giả với những tác phẩm với các thể loại khác nhau, phong phú và ấn tượng.

Tập thơ với cách trình bày và sự chăm chút về hình thức, với 57 tấm ảnh mà tác giả chụp trên hành trình dọc dài của chị, chứng tỏ tác giả nâng niu, yêu quý và trân trọng đứa con tinh thần của mình đến dường nào. Phần nội dung cũng không kém phần lãng mạn, chỉn chu, bao quát và sâu rộng.

Tập thơ mở đầu bằng lời tự sự “Người tình thủy chung”, nơi tác giả trải lòng mình: “Thơ luôn là một người tình thủy chung. Người tình không nhìn người tình bằng con mắt tháng năm mà cảm nhận bằng nhịp đập của một trái tim không già cỗi theo năm tháng. Thơ còn là bóng đêm mà ánh sáng luôn hiện diện. Và tập thơ này được viết bằng một trái tim trụi trần hạnh phúc”.

Nhà văn Bích Ngân.

Nhà văn Bích Ngân.

Câu chữ của chị như ánh sáng ẩn hiện trong đêm tối, thấm đẫm tình yêu thủy chung với thơ ca, nơi mỗi nhịp đập của trái tim vượt thời gian vẫn ngân vang mãi, mang theo hạnh phúc chân thật đến lay động lòng người. Mỗi bài thơ là một câu chuyện, một tình huống riêng biệt, nhưng tất cả đều liên kết với nhau bởi một chủ đề chung về tình yêu, nỗi đau, và hy vọng. Từng câu chữ, từng hình ảnh đều vừa mềm mại vừa gai góc mà rất tinh tế. Những tình huống, đề tài và sự uyển chuyển đã tạo nên một tác phẩm không thể không cuốn hút, cộng với cách trình bày trang nhã, thanh lịch và xinh đẹp. Tập thơ còn được chia ra thành ba phần chính rất có chủ ý: “Vết sẹo long lanh”, “Một nhân gian bé tẹo - Một nhân gian không cùng”, “Chúng ta chỉ là kẻ tạm trú”.

Trong thơ Trịnh Bích Ngân, tình yêu của người đàn bà hiện lên mạnh mẽ và đầy sức sống, không chỉ là những cảm xúc bình thường mà còn là một giai điệu của khát khao cháy bỏng. Người phụ nữ trong thơ chị mang trong mình nỗi niềm sâu sắc, sự mãnh liệt của yêu đương và những tiết lộ lãng mạn. Tình yêu ấy vượt ra ngoài những giới hạn thường tình, không chỉ là cảm xúc cá nhân mà còn hòa quyện với thiên nhiên, với đại ngàn, với dòng sông, và cả vũ trụ bao la. Bài thơ “Anh mang cho em cả đại ngàn” là một ví dụ, nơi tình yêu trở thành một sức mạnh kết nối con người với thiên nhiên. Người đàn bà trong thơ không chỉ yêu, mà còn đắm mình trong những gì thiên nhiên mang lại.

Tiếng nói của phụ nữ trong thơ Trịnh Bích Ngân đầy dũng cảm và chân thành. Chị không che giấu cảm xúc, cũng không e dè trước những nỗi đau hay niềm vui. Thơ của chị toát lên sự chân thật, thẳng thắn, với tình yêu mạnh mẽ và gan góc. Người phụ nữ trong thơ dám yêu, dám sống, và dám đối mặt với những thử thách trong tình yêu cũng như cuộc đời. Từ những dòng thơ về khát vọng yêu đương đến những suy tư về nỗi đau và sự mất mát, tiếng nói phụ nữ trong thơ Bích Ngân là tiếng nói của sự dâng hiến, của trái tim không ngừng khát khao yêu thương và đồng cảm.

Thơ tình Bích Ngân cũng như giai điệu khát khao Ghazal, một thể thơ truyền thống bắt nguồn từ Ba Tư, nổi bật bởi vẻ đẹp trữ tình và những biểu đạt của nỗi niềm mong nhớ, những giai điệu say đắm và vần điệu tinh tế của Ghazal dệt nên những câu chuyện về tình yêu và khao khát mãnh liệt. “Có những ngày thu em thuộc về anh/ Như chồi của cây như nỗi buồn mở mắt/ Những vì sao xa lóng lánh nụ cười/ Nhịp Ô Thước cũng cong oằn ân ái/ Có những ngày thu úa vàng ký ức/ Em phơi phông sưởi ấm đìu hiu/ Có những ngày thu tường cao rêu phủ/ Em trèo qua bằng thang bắc lên trời”. Tình yêu của người đàn bà trong thơ chị không chỉ là câu chuyện của riêng họ, mà còn là sự phản ánh của những khát vọng lớn lao, lãng mạn và đầy sức sống giữa thiên nhiên, giữa cuộc đời.

Tôi rất thích bài thơ “Dẫu nồng nàn” của chị: “Thắm tươi lên, bình minh vùn vụt đến/ Rồi nhạt phai vương vấn những chân trời/ Những cánh hoa vắt kiệt mình để thắm/ Tàn lụi dần trong quên lãng gió trăng;/ Dẫu nồng nàn cũng đến lúc dửng dưng/ Đất cỗi cằn bởi nhọc nhằn sinh nở/ Trời thêm xanh bởi thật nhiều mây trắng/ Ta còn nhau bởi xao xuyến hao gầy”. Bài thơ hay từng chữ từng lời, của một người đàn bà trải nghiệm nhiều cung bậc về thời gian của cuộc sống. Bích Ngân có cái nhìn sâu sắc về sự sinh tồn và tái sinh, một chu kỳ mà nhiều nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa phương Đông, thường mô tả trong triết lý về sự sống và cái chết.

Tập thơ “nghiêng về phía nỗi đau” của nhà văn Bích Ngân.

Tập thơ “nghiêng về phía nỗi đau” của nhà văn Bích Ngân.

Thơ tình của Trịnh Bích Ngân mang vẻ đẹp trữ tình và giàu hình ảnh gợi cảm, gợi mở một cái nhìn sâu sắc về tình yêu qua lăng kính đa dạng của các nền văn hóa châu Á. Như haiku Nhật Bản với sự tinh giản, thơ của Bích Ngân dùng những hình ảnh thiên nhiên tinh tế để truyền tải cảm xúc, ví dụ như "hoa tàn" hay "mây trắng". Tựa như Đường thi với những tiết lộ lãng mạn, thơ Bích Ngân kết hợp sâu sắc giữa tình yêu và nỗi cô đơn. Hơn nữa, sự hòa quyện giữa tình yêu và thiên nhiên trong thơ Tamil Sangam cũng hiện diện trong tác phẩm của chị, tạo nên một tổng thể phong phú và độc đáo, nơi tình yêu không chỉ là cảm xúc cá nhân mà còn hòa vào nhịp điệu của vũ trụ và thiên nhiên.

Những tiếng nói phụ nữ trong văn học Đông Á trong rất nhiều phương diện là những tiếng nói nổi bật của nền văn hóa. Họ là những người lên tiếng cho những người bị bỏ quên và không được đại diện, những phụ nữ cho chúng ta thấy cuộc sống và nền văn hóa từ một góc nhìn độc đáo, và là những người có thể dạy chúng ta về tình yêu, nỗi đau, và sự suy ngẫm lặng lẽ. “Em, người đàn bà/ hạnh phúc nhất trần gian/ được chạm vào đại ngàn của anh/ lịm đi trong nụ hôn tướm máu/ và hồi sinh trong bóng tối nhiệm màu; /Em, người đàn bà rất đàn bà/ đỏng đảnh nhất trần gian/ tham lam nhất trần gian/ muốn ghì siết cả ảo ảnh mây trời/ với trập trùng non cao núi biếc/ được neo giữ bằng sinh mệnh trái tim”.

Thơ có thể dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng cũng có thể mạnh mẽ, đầy sức nặng, từ trải nghiệm cá nhân, vượt qua nghịch cảnh, cho đến truyền cảm hứng cho người khác. “Một cõi riêng của chị của em/ những người đàn bà được nỗi buồn ký thác/ và lặng thầm ôm ấp bóng đêm/ vẫn dịu dàng trước bình minh gõ cửa; /Một cõi riêng của những kiếp đàn bà/ biết nhón nhén đem trái tim góp lửa/ và nắng mưa nhặt nhạnh cả tro tàn/ cho buốt giá vẫn nồng nàn hơi ấm”.

Sáng tạo, văn học và nghệ thuật lại quan trọng trong cuộc chiến giành quyền sở hữu văn hóa và cá nhân. Ở đây, chúng ta biến những hình thức biểu đạt này thành nơi trút bỏ những cảm giác bị từ chối, đồng thời cùng nhau cảm thông hoặc nâng đỡ nhau qua những câu chuyện về hạnh phúc và sự tự nhận thức. Đây cũng chính là nơi thơ ca hòa hợp trong cuộc đấu tranh tìm kiếm bản sắc của người phụ nữ châu Á.

Một số bài thơ của Trịnh Bích Ngân làm tôi liên tưởng đến những khía cạnh này, và đây là một ví dụ vô cùng cụ thể, “Người đàn bà tẩy rửa bếp lúc 2 giờ sáng": “Vết bẩn không thể tẩy rửa bằng hóa chất/ những vết bẩn ô uế cả những thứ/ tưởng không thể nào ô uế/ những vết bẩn làm người đàn bà/ không dỗ được giấc; /Vết bẩn trườn vào giường ngủ/ vết bẩn trèo lên chốn thờ phụng linh thiêng/ những vết bẩn xổng lưng lừng lững nghênh ngang/ như nhà không chủ như phố không người”. Người phụ nữ không chỉ đối diện với sự lạc lõng trong tình yêu mà còn trong cả cuộc sống, nơi họ không thể tìm thấy chỗ đứng thực sự của mình, và điều này phản ánh cuộc đấu tranh chung của nhiều phụ nữ. “Chợt nhận ra/ mình chỉ là chút men/ không đủ làm anh say”.

Tính nữ trong thơ Bích Ngân là cách những đặc điểm, cảm xúc, và trải nghiệm của phụ nữ được thể hiện qua thơ. Điều này có thể bao gồm việc khám phá các khía cạnh như sự nhạy cảm, tình yêu, sự chăm sóc, nỗi đau, hay những khó khăn mà phụ nữ trải qua trong xã hội. Tựa đề “Nghiêng về phía nỗi đau” của chị chứa đựng sự tinh tế và sâu sắc trong cách tiếp cận cảm xúc con người, đặc biệt là nỗi đau, có thể được hiểu không chỉ là nỗi đau cá nhân mà còn là nỗi đau của cả một tập thể, một cộng đồng.

Trịnh Bích Ngân dường như nhấn mạnh vào việc đối diện với những khía cạnh đau thương để từ đó tìm thấy sự giải thoát, sự thức tỉnh hoặc sự thanh thản. Tựa đề này vừa gợi cảm xúc vừa mang tính triết lý, mời gọi người đọc cùng tác giả bước vào hành trình tìm kiếm ý nghĩa trong nỗi đau, không phải để bị nó nhấn chìm mà để học cách vượt qua và trưởng thành từ đó.

Võ Thị Như Mai

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-bich-ngan-tri-ky-mua-thu-hoa-phep-nhiem-mau-i750310/
Zalo