Nhà văn Anh Đức để lại nhân vật giữa lòng người

Kỷ niệm 10 năm nhà văn Anh Đức đi xa, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo 'Nhà văn Anh Đức - Cuộc đời và sự nghiệp' vào ngày 18/12, nhằm tưởng nhớ một tác giả Nam bộ đặc sắc được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Nhà văn Anh Đức (tên thật Bùi Đức Ái, 5/5/1935- 21/8/2014) có một sự nghiệp khá suôn sẻ. So với thế hệ cầm bút trưởng thành trong cách mạng miền Nam như Nguyễn Quang Sáng hay Lê Văn Thảo, thì Anh Đức thành danh rất sớm và ngừng viết đúng lúc. Tính từ tập truyện ngắn “Biển động” in năm 1952 đến tập truyện ngắn “Miền sóng vỗ” in năm 1985, Anh Đức đã hoàn thành chân dung một nhà văn Nam bộ có phong cách điềm đạm và tận tụy. Gần 30 năm trước khi qua đời ở tuổi 79, nhà văn Anh Đức không công bố thêm tác phẩm gì, nhưng dấu ấn ông để lại văn đàn vẫn đậm nét.

Nhìn lại sự nghiệp của nhà văn Anh Đức, không khó nhận ra ông có hai giai đoạn sáng tác, với cột mốc năm 1962, khi ông từ miền Bắc quay vào Căn cứ trung ương Cục miền Nam. Trước 1962, ông sáng tác với tên thật Bùi Đức Ái. Sau năm 1962, ông sáng tác với bút danh Anh Đức. Mỗi giai đoạn ông tạo dựng được một hình ảnh phụ nữ Nam bộ kháng chiến tiêu biểu: chị Tư Hậu trong tác phẩm “Một chuyện chép ở bệnh viện” và chị Sứ trong tác phẩm “Hòn đất”.

Nhà văn Anh Đức được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Nhà văn Anh Đức được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Đi tập kết ra Bắc, anh cán bộ Bùi Đức Ái nhận công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, Bùi Đức Ái gặp nhân vật Nguyễn Thị Huỳnh. Câu chuyện về những mất mát âm thầm và những hy sinh lặng lẽ của người phụ nữ miền Nam ấy đã khiến Bùi Đức Ái xúc động viết truyện ngắn “Người chị”. Sau khi “Người chị” được phát trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”, nhiều người góp ý rằng một hình tượng như vậy mà chỉ phản ánh trong dung lượng khoảng hai ngàn chữ thì hơi lãng phí. Cảm thấy có lý, Bùi Đức Ái bằng nhiệt huyết tuổi thanh niên, đã bỏ ra ba tháng để chuyển truyện ngắn “Người chị” thành tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện”.

Tất nhiên, nhân vật Tư Hậu trong tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” được nhấn nhá nhiều chi tiết, không còn giống như nguyên mẫu Nguyễn Thị Huỳnh nữa. Năm 1958, tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” được ấn hành rồi được dàn dựng thành bộ phim “Chị Tư Hậu” gây tiếng vang rất lớn, đã nhanh chóng đưa tên tuổi Bùi Đức Ái vào hàng ngũ những gương mặt văn chương Nam bộ nổi tiếng trên đất Bắc.

Thời gian 7 năm sống tại Hà Nội, Bùi Đức Ái không chỉ có được “Một chuyện chép ở bệnh viện” mà còn có được lương duyên với một người đẹp phố Hàng Gà. Dạo ấy, thư viện của Hội Nhà văn Việt Nam có cô nhân viên xinh xắn tên là Trần Phúc Mộc Loan. Thiếu nữ thanh lịch Trần Phúc Mộc Loan gốc gác Hà Nội đã hớp hồn chàng trai quê xứ An Giang. Họ đang hẹn hò say đắm thì Bùi Đức Ái được lệnh trở về miền Nam chiến đấu. Không chấp nhận cảnh nhớ thương dằng dặc, Trần Phúc Mộc Loan xung phong vượt Trường Sơn theo tiếng gọi miền Nam. Năm 1965, Bùi Đức Ái đón Trần Phúc Mộc Loan ở cánh rừng Tây Ninh, và họ có một đám cưới giản dị dưới tán lá trung quân. Đoạn kết mối tình như cổ tích bay ngược ra Bắc bằng một cái máy ghi âm, và người nhà của Trần Phúc Mộc Loan được nghe thông báo hôn lễ bằng chính giọng nói hân hoan của đôi uyên ương.

Trên mảnh đất Nam bộ những ngày khói lửa, Bùi Đức Ái với bút danh Anh Đức viết được một tiểu thuyết quan trọng nữa trong sự nghiệp là “Hòn Đất”. Từ nguyên mẫu nữ Anh hùng Phan Thị Ràng, nhà văn Anh Đức đã xây dựng thành nhân vật chị Sứ. So với tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” thì chất văn chương của tiểu thuyết “Hòn Đất” bay bổng hơn, điêu luyện hơn. Tiểu thuyết “Hòn Đất” là tác phẩm đầu tiên miêu tả trực diện cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân miền Nam. Ngoài chị Sứ là người mà nhà văn Anh Đức khẳng định “tôi đã rút ra từ nhiều mẫu người con gái miền Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang để đúc lại thành một người” thì những con người nhỏ bé và lầm lũi khác trong “Hòn Đất” như Quyên, Hai Thép, Ba Rèn, Má Sáu… đều kiên cường đối mặt với kẻ thù hung tợn.

Tác phẩm “Hòn đất” của nhà văn Anh Đức đã xây dựng thành công nhân vật người phụ nữ Nam Bộ trong kháng chiến.

Tác phẩm “Hòn đất” của nhà văn Anh Đức đã xây dựng thành công nhân vật người phụ nữ Nam Bộ trong kháng chiến.

Năm 1966, tiểu thuyết “Hòn Đất” được in tại Hà Nội như một huyền thoại chiến trường miền Nam. Đến hôm nay, “Hòn Đất” vẫn là tác phẩm của Anh Đức được in nhiều lần nhất trong nước và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…

Bối cảnh trong “Hòn Đất” diễn ra ở Kiên Giang năm 1961, và được nhà văn Anh Đức khởi viết từ năm 1964 với tên gọi “Hang thiêng”. Một nhóm người ít ỏi với vũ khí thô sơ trong một cái hang đá vẫn can trường chống chọi khi bị bủa vây suốt 8 ngày bởi một lực lượng hùng hậu gần hai ngàn tên địch với vũ khí tối tân, mới chính là điều mà nhà văn Anh Đức muốn thể hiện.

Trong quá trình viết “Hang thiêng”, nhà văn Anh Đức tạm ngừng dăm bảy tháng để viết truyện ký “Gió đã nổi từ một khu rừng” về nhân vật Pi Năng Tắc ở Bác Ái - Ninh Thuận, phục vụ cho Đại hội Anh hùng toàn miền Nam. Cuối năm 1965, nhà văn Anh Đức mới tiếp tục hoàn tất “Hang thiêng”, và đổi tên thành “Hòn Đất” để gửi ra Bắc.

Từ tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện” đến tiểu thuyết “Hòn Đất”, nhà văn Anh Đức đã đóng góp cho văn học cách mạng hai hình tượng thuyết phục: chị Tư Hậu và chị Sứ. Thế nhưng, không chỉ có chị Tư Hậu và chị Sứ, những người phụ nữ Nam bộ trong kháng chiến luôn là đề tài mà nhà văn Anh Đức thao thức, như ông quan niệm “Tôi đã cố gắng không những miêu tả tính nết, tư tưởng và tình cảm của họ, mà còn miêu tả hình dạng khuôn mặt, mái tóc, đôi bàn tay của họ nữa. Có thể tôi tả chưa đầy đủ về họ nhưng những dòng nào viết về họ bao giờ tôi cũng nâng niu, trân trọng”.

Một ví dụ khác về nhân vật nữ được nhà văn Anh Đức khắc họa rất trìu mến là cô gái ven đô Quế trong truyện ngắn “Khói”. Truyện ngắn “Khói” được nhà văn Anh Đức viết năm 1968, như một thước phim sinh động về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân! Truyện ngắn “Khói” mở đầu bằng không khí của đợt 2 Mậu Thân: “Đêm Tháp Mười, tôi cứ ngỡ bầu trời cao hơn chỗ khác. Cánh đồng mênh mông đắm chìm trong sương mù, rì rầm như sóng biển. Ấy là cái tiếng nói muôn thuở của gió lùa qua bờ cỏ. Tháng tư rồi, Tháp Mười vẫn chưa mưa. Ban ngày nắng chói chang, đêm đến cánh đồng mát rượi, lộng gió. Không bị ngăn cách bởi cây cối, gió thổi rất mực hào phóng. Còn hai tiếng đồng hồ nữa, đơn vị xuất phát…”.

Qua những tâm sự đứt quãng của Hựu - một chiến sĩ giải phóng, nhân vật Quế hiện lên thật lung linh và thật khắc khoải. Hựu gặp Quế năm cô 16 tuổi. Quế mồ côi cha mẹ, nương tựa bà ngoại, và thường xuyên tiếp tế cho Hựu hoạt động bí mật. Một lần Quế đem cơm nước cho Hựu, và căn hầm của họ bị một toán lính phát hiện.

“Chúng tôi nín thở lắng nghe. Có tiếng chà gai tre bị kéo rột rẹt trên miệng hầm. Thình lình, tôi nghe “phụp” một cái. Một mũi chĩa từ nắp hầm xiên chếch qua giữa đầu tôi và Quế. Tôi rút chốt an toàn lựu đạn. Kế đó một mũi chĩa thứ hai xom xuống. Mũi chĩa này trúng vào vai Quế. Trong ánh sáng mờ mờ của gian hầm, tôi thấy Quế bặm chặt môi lại. Tình thế ấy chỉ còn có cách là mở tung cửa hầm xông lên ném lựu đạn rồi giải thoát. Nhưng tôi vừa mới nhổm dậy thì Quế đã kéo nhẹ tôi lại. Quế bình tĩnh rút chiếc khăn sọc quàng cổ, áp nhẹ tấm khăn vào mũi chĩa đang cắm phập trong vai cô. Đợi chúng rút chĩa lên, Quế đưa chiếc khăn khéo léo vuốt sạch máu ở mũi chĩa… Đến lúc mũi chĩa rút lên khỏi miệng hầm rồi, tôi mới nghĩ là hầm chưa bị lộ…”. Đáng khâm phục thay, Quế chịu đựng nỗi đau đớn ấy mà không một giọt nước mắt. Quế chỉ khóc khi nhìn thấy Hữu mặc áo rách.

Ngoài các nhân vật có tên tuổi cụ thể, những người phụ nữ ít rõ danh tính hơn cũng được nhà văn Anh Đức chấm phá chân dung khá ấn tượng, như trưởng trạm giao lưu vùng Tháp Mười mà bộ đội quen gọi là “chị Ba tương lai” qua truyện ngắn “Xôn xao đồng nước”. Cho nên, có thể khẳng định sự thành công của nhà văn Anh Đức khi xây dựng hình tượng phụ nữ Nam bộ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nói cách khác, nhà văn Anh Đức đã thực hiện được ý nguyện cầm bút như ông mong muốn “điều quan trọng nhất bậc nhất trong đời văn, theo tôi, là phải cố khắc họa cho được nhân vật, để lại nhân vật giữa lòng người với độ bền trước thời gian”.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-van-anh-duc-de-lai-nhan-vat-giua-long-nguoi-i753963/
Zalo