Nhà tù Hỏa Lò: Từ địa ngục trần gian đến bảo tàng ký ức

Lịch sử không chỉ là những dòng chữ được in trên giấy, mà là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ. Nhà tù Hỏa Lò, với những dấu ấn thời gian, chính là 'người kể chuyện' chân thật nhất về một giai đoạn lịch sử đầy đau thương, nhưng vô cùng kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Nơi bắt đầu dòng chữ đầu tiên

Nhà tù Hỏa Lò là một minh chứng rõ nét cho cả một thời kỳ lịch sử gian lao mà hào hùng anh dũng, biểu tượng cho tinh thần kiên trung, bất khuất của cả một dân tộc “máu đỏ da vàng”. Tọa lạc tại số 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 trên diện tích 12.908 m2 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”, được đặt vào vị trí quan trọng nhất trong mưu đồ trấn áp những người đối kháng chế độ thuộc địa.

Ngày nay, Hỏa Lò không chỉ là di tích, mà còn là điểm đến “gây thương nhớ” của du khách trong và ngoài nước. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, nơi đây đã đón 305.000 lượt khách quốc tế thông qua những tour trải nghiệm như “Đêm Thiêng liêng”, triển lãm chuyên đề và các hoạt động kể chuyện lịch sử giàu cảm xúc.

 Ông Charles và bà Anne Francis - Du khách người Mỹ thăm Nhà tù Hỏa Lò.

Ông Charles và bà Anne Francis - Du khách người Mỹ thăm Nhà tù Hỏa Lò.

Trong quá trình đi viết bài, nhóm tác giả chúng tôi đã gặp gỡ và đồng hành cùng cặp đôi du khách người Mỹ – ông Charles và bà Anne Francis – những người yêu thích lịch sử, khám phá Nhà tù Hỏa Lò qua những cảm xúc chân thật, qua cái nhìn sâu sắc về quá khứ đau thương nhưng cũng đầy kiên cường này.

Khi bước chân vào Nhà tù Hỏa Lò, ông bà Charles và Anne ngay lập tức cảm nhận được bầu không khí lạnh lẽo, nặng nề. Những bức tường đá dày đặc, chi chít mảnh chai vỡ trên đỉnh tường khiến họ không khỏi rùng mình. “Lạ lùng và đầy ám ảnh, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi việc bị giam giữ nơi đây,” ông Charles chia sẻ. Ban đầu, họ ngỡ ngàng khi biết khu vực này trước đây là nơi tập trung các lò gốm và lò rèn, nhưng lại trở thành một trong những nhà tù khét tiếng nhất Đông Dương.

Tiếp nối chuyến hành trình khám phá là trại giam D và trại giam E - nơi giam giữ những người tù chiến tranh.

“Những người tù hẳn đã phải vô cùng mạnh mẽ và kiên cường mới có thể trụ lại nơi đây. Thật lòng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn tìm ra con đường sống cho mình” - bà Anne lặng người chia sẻ.

Phòng giam được sơn chia làm hai lớp, phía dưới là sơn đen còn bên trên là vôi xám khiến cho người bên trong luôn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu; cùng với đó là do bức xạ nhiệt của hai màu này khiến cho mùa hè thì nóng cực nóng, mùa đông lại lạnh cực lạnh. Không chỉ vậy, tù nhân ở Nhà tù Hỏa Lò phải chịu đựng những điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt và tàn bạo. Tù nhân ở đây bị buộc lao động nặng nhọc mỗi ngày với nhiều công việc vất vả như phục vụ các công sở bên ngoài, đắp đê, sửa chữa đường xá, thậm chí phải dọn dẹp bể chứa phân trong nhà tù.

 Phòng giam chật hẹp nơi những tù nhân chính trị Việt Nam bị bắt giữ.

Phòng giam chật hẹp nơi những tù nhân chính trị Việt Nam bị bắt giữ.

“Tôi thực sự không nghĩ những người tù được coi là một con người. Vì một con người không thể bị chịu hay phải chịu những điều man rợ như thế” - ông Charles nói.

Ca chốt – hay ngục tối – là nơi giam giữ tù nhân vi phạm nội quy, với buồng giam chật hẹp, nền xi măng dốc khiến máu dồn lên não, gây tê phù và choáng váng. Tù nhân phải ăn nhạt 2/3 bữa, vệ sinh tại chỗ, sống trong điều kiện thiếu ánh sáng, không khí và vệ sinh, dẫn đến mờ mắt, phù nề, ghẻ lở. Đây thực sự là tầng sâu nhất của khổ ải.

Nhà tù không chỉ giam giữ những nam tù nhân mà cả những nữ tù nhân bị coi là đặc biệt nguy hiểm. Một trong những người phụ nữ tiêu biểu từng bị giam tại đây là bà Nguyễn Thị Hồng Thái – người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong tù, bà đã khuyến khích người phụ nữ đứng lên đấu tranh chống lại chế độ áp bức, đồng thời dạy chữ và chia sẻ kiến thức y học.

“Tôi chưa từng đến nơi nào như thế này, nhưng thật kinh khủng khi nghĩ đến cảnh hàng chục con người, kể cả những em bé vô tội, bị nhốt chung trong không gian chật chội, tù túng đến ngạt thở giữa một môi trường tăm tối” - bà Anne nghẹn ngào nói khi đến thăm khu vực giam và được nghe nhiều câu chuyện về những người phụ nữ có con nhỏ. Những câu chuyện của họ là những câu chuyện về lòng kiên cường và sự đấu tranh không ngừng nghỉ.

Khi bước qua cánh cửa Hỏa Lò, người ta như bước vào hai chiều không gian đối lập: một bên là những câu chuyện ám ảnh về sự tàn bạo của thực dân Pháp, và một bên là ánh sáng lòng nhân ái của người Việt.

Dưới thời thực dân Pháp, Hỏa Lò là "địa ngục trần gian". Những người tù chính trị Việt Nam – những người con yêu nước, trí thức cách mạng – bị tra tấn, bỏ đói, biệt giam trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhà tù này được thiết kế không chỉ để giam giữ, mà còn để bóp nghẹt ý chí, giết mòn thể xác và tinh thần. Ông Charles bức xúc khi chứng kiến các hình ảnh và câu chuyện về những cuộc tra tấn dã man mà các tù nhân phải chịu đựng.

Tuy nhiên, điều khiến ông bà Charles bất ngờ là chính nơi đây, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, lại là nơi cưu mang những tù binh phi công Mỹ, dưới sự chăm sóc y tế và sinh hoạt đúng mực. Dù đất nước còn chìm trong bom đạn, chính quyền cách mạng vẫn giữ đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh giặc Mỹ xâm lược, không đánh nhân dân Mỹ. Đối với tù binh, phải nhân đạo.”

Trong những ngày tháng ở nhà tù Hỏa Lò, các tù binh Mỹ được chăm sóc y tế, ăn uống đầy đủ, sinh hoạt văn hóa, thậm chí được viết thư về cho gia đình. Chính những hình ảnh này khiến không ít báo chí phương Tây bất ngờ, và những cựu tù binh sau này - như John McCain - cũng phải thừa nhận điều đó. Sự đối lập này rõ rệt tới mức ông Charles phải thốt lên “khác biệt như ngày và đêm” khi tham quan khu trưng bày về tù binh phi công Mỹ tại đây.

 Phi công Mỹ đón Giáng sinh tại Nhà tù Hỏa Lò.

Phi công Mỹ đón Giáng sinh tại Nhà tù Hỏa Lò.

Sau khi tham quan toàn bộ khu di tích, bà Anne bày tỏ sự kinh ngạc trước sự tàn bạo của thực dân Pháp. Bà nói với giọng nghẹn ngào: “Tôi thấy khó hiểu vì sao người Pháp lại có thể chấp nhận việc đi xâm chiếm và kiểm soát cả một đất nước như vậy. Những gì tôi thấy thật sự quá sức chịu đựng.” Cùng cảm nhận đó, ông Charles cho biết: “Tôi từng học về cuộc chiến này, nhưng chỉ từ góc nhìn của Mỹ và phương Tây. Tôi chưa từng biết đến quan điểm của người Việt Nam, cách họ đã đấu tranh kiên cường ra sao dưới áp bức.” Chuyến đi này giống như được “xem một bức tranh toàn cảnh”, và điều khiến ông day dứt nhất chính là việc ở phương Tây, lịch sử đôi khi chỉ được kể từ một phía, nơi “phương Tây được mô tả như những thiên thần chính nghĩa”, trong khi thực tế lại hoàn toàn ngược lại khi nhìn từ phía người dân Việt Nam khốn khổ.

Cặp đôi cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước hành động nhân đạo của người Việt đối với những tù binh người Mỹ. Bà Anne nói: “Chúng tôi tự hỏi liệu những người lính Mỹ ấy có từng nghĩ họ sẽ bị giết và chụp những bức ảnh gửi về nhà như một lời từ biệt. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Người Việt Nam đã không làm điều mà phương Tây từng làm với họ.” Hành động đầy tính nhân đạo này khiến họ không khỏi xúc động, và từ đó khiến họ cảm nhận được lòng hiếu khách sâu sắc và sự khoan dung cao thượng - những phẩm chất mà theo họ, nếu người Việt Nam ta cũng trả đũa như cách ta từng bị đối xử, ắt hẳn cuộc chiến vẫn chưa thể kết thúc cho tới tận ngày nay.

Nhà tù Hỏa Lò, từ một "địa ngục trần gian" của thực dân Pháp, đã từng bước chuyển mình thành một bảo tàng ký ức – nơi ghi lại những mất mát đau thương, nhưng cũng là biểu tượng sáng ngời của lòng kiên cường, tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trong không gian này, du khách không chỉ chứng kiến những nỗi đau mà còn cảm nhận được những giá trị nhân văn, lòng khoan dung và yêu chuộng hòa bình mà dân tộc ta luôn giữ gìn và phát huy.

Ngày nay, Hỏa Lò không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử mà còn là một "trường học lịch sử" sống động, nơi thế hệ trẻ có thể học hỏi về những hi sinh, những bài học xương máu từ quá khứ để trân trọng hòa bình và sự tự do mà chúng ta đang có. Những câu chuyện về sự tàn ác của chiến tranh và lòng nhân đạo trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chính là những bài học quý giá giúp thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hòa bình, đoàn kết và lòng nhân ái trong cuộc sống hôm nay.

Nhà tù Hỏa Lò, vì thế, không chỉ là di tích của một thời kỳ đen tối, mà là một lời nhắc nhở vĩnh cửu về những giá trị cao cả, và là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta trong hành trình xây dựng một thế giới công bằng và nhân ái hơn.

Thanh Kiều - Khánh Linh - Bảo Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-tu-hoa-lo-tu-dia-nguc-tran-gian-den-bao-tang-ky-uc-314698.html
Zalo