Nhà Trắng phản ứng gay gắt sau quyết định hạ tín nhiệm của Moody's
Ngay sau khi Moody's công bố quyết định hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phản ứng gay gắt, trong khi thị trường tài chính và giới phân tích tiếp tục theo dõi sát sao tác động của động thái này, đặc biệt trong bối cảnh cuộc tranh luận về gói cải cách thuế đang gây chia rẽ nội bộ Quốc hội Mỹ.
Moody’s (Moody's Investors Service - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới) đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA1, đánh dấu lần đầu tiên cơ quan này đưa ra đánh giá tiêu cực tương tự hai tổ chức còn lại là Fitch Ratings và S&P Global Ratings đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Moody’s cho rằng mặc dù nền tảng kinh tế và tài chính của Mỹ vẫn được xem là mạnh, nhưng các chỉ số tài khóa đang xấu đi nghiêm trọng do thâm hụt ngân sách kéo dài và lãi suất tăng cao.

Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA1
“Trong hơn một thập kỷ, nợ liên bang của Mỹ đã tăng nhanh chóng do thâm hụt ngân sách kéo dài. Những yếu tố này đang làm xói mòn vị thế tín dụng của Mỹ”, Moody’s nêu rõ trong báo cáo.
Phản ứng trước động thái này, Nhà Trắng đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích. Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Steven Cheung - người phát ngôn của Tổng thống Donald Trump đã công kích Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics, cáo buộc ông này có thiên kiến chính trị và thường xuyên chỉ trích chính sách của chính quyền Trump. “Không ai coi trọng ‘phân tích’ của ông ấy. Ông ấy đã sai lầm nhiều lần”, ông Cheung viết.
Cùng ngày, ông Joe Lavorgna - cựu Kinh tế trưởng Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Trump cũng lên tiếng nghi ngờ về thời điểm công bố báo cáo của Moody’s. Phát biểu trên Bloomberg Television, ông Lavorgna cho rằng Moody’s đã “quá bi quan” về triển vọng tăng trưởng doanh thu của Mỹ và báo cáo này có thể bị lợi dụng bởi các chính trị gia theo trường phái “diều hâu tài khóa” để gia tăng sức ép lên Quốc hội.
Trong khi đó, Tổng thống Trump tiếp tục bảo vệ chương trình nghị sự kinh tế, tập trung vào các chính sách cắt giảm thuế, nới lỏng quy định và mở rộng các biện pháp thuế quan nhằm phục hồi việc làm trong ngành sản xuất nội địa và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Đáng chú ý, quyết định của Moody’s được đưa ra chỉ vài giờ sau khi một ủy ban then chốt tại Hạ viện Mỹ không thông qua được dự luật cải cách thuế do vấp phải sự phản đối từ nhóm nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ. Dự luật này vốn là trọng tâm trong kế hoạch kinh tế của ông Trump, đề xuất gia hạn các khoản cắt giảm thuế từ năm 2017, đồng thời đưa thêm nhiều ưu đãi thuế mới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo rằng nếu được thông qua, dự luật có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang gia tăng đáng kể. Hiện mức thâm hụt đã lên tới gần 2.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương hơn 6% GDP Mỹ. Dự kiến trong 10 năm tới, luật thuế mới có thể làm giảm chi tiêu liên bang khoảng 1.500 tỷ USD nhưng sẽ không thể bù đắp cho mức sụt giảm gần 4.000 tỷ USD do các biện pháp giảm thuế.
Tổng thống Trump cũng công khai chỉ trích các nghị sĩ phản đối dự luật, đồng thời kêu gọi đảng Cộng hòa nhanh chóng thống nhất để thông qua kế hoạch cải cách thuế. Nhà Trắng kỳ vọng việc thực hiện gói cải cách này sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế.
Quyết định hạ tín nhiệm của Moody’s đang làm dấy lên câu hỏi liệu Washington có buộc phải điều chỉnh chính sách tài khóa trong thời gian tới hay không. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia cảnh báo rằng với rủi ro tài khóa ngày càng lớn và chi phí vay nợ gia tăng do lãi suất cao, Mỹ đang đối mặt với áp lực ngày càng nặng nề trong việc duy trì uy tín tín dụng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc cả ba tổ chức xếp hạng lớn đều đã hạ triển vọng hoặc mức tín nhiệm của Mỹ sẽ khiến Chính phủ liên bang gặp nhiều khó khăn hơn trong phát hành trái phiếu, đồng thời gây áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu.