Nhà thầu băn khoăn tiêu chí mời thầu Dự án cầu vượt biển vịnh Rạch Giá
Dự án cầu vượt biển Rạch Giá là cây cầu vòm thép trên biển với quy mô và đặc thù kỹ thuật phức tạp đang được nhiều doanh nghiệp giao thông quan tâm ứng thầu.

Phối cảnh phương án cầu vượt vịnh Rạch Giá.
Dự án cầu vượt biển kết nối từ An Biên đến thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang, nay là tỉnh An Giang) có chiều dài 2,8km, quy mô 6 làn xe, thuộc tuyến kết nối hai tỉnh An Giang-Cà Mau, kinh phí hơn 3.900 tỷ đồng đang được nhiều doanh nghiệp giao thông lớn thể hiện sự quan tâm nhưng cũng bày tỏ băn khoăn về các tiêu chí mời thầu tại dự án này.
Theo đó, ngày 30/6, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang (nay là tỉnh An Giang) phát hành hồ sơ mời thầu gói số 06: Thi công xây dựng cầu thuộc tuyến đường bộ ven biển kết nối An Biên-thành phố Rạch Giá, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (mã gói IB2500299596-00).
Trong đó, hồ sơ mời thầu nêu rõ tiêu chí về năng lực yêu cầu nhà thầu phải từng hoàn thành ít nhất: Một công trình giao thông cầu đường bộ cấp đặc biệt có giá trị tối thiểu 1.144 tỷ đồng; một công trình giao thông đường bộ cấp 2 trở lên, giá trị tối thiểu 88,8 tỷ đồng; một công trình hạ tầng kỹ thuật (có hệ thống chiếu sáng, cảnh quan, cây xanh) cấp 3 trở lên, giá trị tối thiểu 84,44 tỷ đồng….
Ngoài ra, hồ sơ còn yêu cầu hàng loạt thiết bị như: Máy đào bánh xích dung tích ≥ 1,25-1,6 m³; xe tự đổ ≥ 22 tấn; máy ủi ≥ 110 CV; máy lu rung ≥ 16 tấn… hầu hết là thiết bị phục vụ thi công đường.
Ngay sau khi hồ sơ mời thầu được công bố, nhiều doanh nghiệp giao thông lớn thể hiện sự quan tâm do quy mô và đặc thù kỹ thuật phức tạp của công trình - đặc biệt là cây cầu vòm thép trên biển. Tuy nhiên, một số nhà thầu đang nghiên cứu hồ sơ lại bày tỏ lo ngại về tiêu chí lựa chọn.
Cụ thể, các tiêu chí về cấp công trình được nêu trong hồ sơ chưa đề cập đến yếu tố kinh nghiệm thi công kết cấu tương tự như vòm thép hoặc dây văng - loại kết cấu chủ đạo của cầu vượt biển lần này. Do đó, một số nhà thầu cho rằng điều này có thể dẫn đến việc chọn nhà thầu chưa từng thi công công trình tương tự, có kinh nghiệm kiểm soát các vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.
“Việc yêu cầu kinh nghiệm thi công công trình cấp đặc biệt chỉ trong vòng 3 năm (từ 1/1/2022) là quá hạn chế. Thông thường, tiêu chí này nên áp dụng trong vòng 5 năm. Việc giới hạn 3 năm sẽ khiến nhiều đơn vị có năng lực không đủ điều kiện tham gia,” đại diện một doanh nghiệp nhà thầu chia sẻ.
Ngoài ra, danh mục thiết bị thi công chủ yếu trong hồ sơ chủ yếu là thiết bị làm đường (13 máy đào bánh xích, 8 máy ủi, 11 máy lu, xe tự đổ ≥ 9 tấn, lu tĩnh bánh thép ≥ 19 tấn), trong khi đây là công trình cầu lớn, phần cầu chiếm tỷ trọng giá trị lớn nhất trong gói thầu, kết cấu thép vòm phức tạp, nhưng lại không thấy yêu cầu về thiết bị đặc thù như: Máy gia công kết cấu thép, cần cẩu trọng tải lớn, sà lan chuyên dụng thi công vòm thép…
“Tiêu chí như vậy dễ gây hiểu nhầm đây là dự án thiên về thi công nền đường, không phù hợp với trọng tâm công trình cầu, từ đó làm hạn chế nhà thầu thực sự có năng lực thi công cầu,” đại diện một nhà thầu nhìn nhận.
Với phần đường bộ, theo hồ sơ thiết kế, đây là tuyến đường đô thị (vận tốc 60km/h, dài hơn 1km), được phân loại là công trình giao thông cấp 1. Tuy nhiên, hồ sơ mời thầu lại yêu cầu nhà thầu từng thi công công trình cấp 2 trở lên, giá trị tối thiểu 88,8 tỷ đồng.
“Phía mời thầu cần làm rõ tiêu chí cấp công trình cấp 2 này dựa trên quy định nào và có phù hợp với thực tế không? Nếu có sự khác biệt trong cách phân cấp, cần có hướng dẫn rõ ràng để nhà thầu có căn cứ đối chiếu khi lập hồ sơ,” đại diện doanh nghiệp kiến nghị./.
Dự án cầu vượt biển Rạch Giá dài 2,8km, rộng 6 làn xe, thuộc tuyến kết nối các tỉnh An Giang-Cà Mau, tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng. Khi hoàn thành, công trình sẽ khép kín tuyến đường ven biển, tăng cường kết nối liên vùng, giảm tải cho Quốc lộ 63, mở rộng không gian đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ven biển Rạch Giá. Dự kiến, cầu sẽ thi công trong giai đoạn 2024-2029 bằng vốn ngân sách.