Điểm danh những dự án bất động sản bị rao bán hàng loạt
Thị trường bất động sản đang chứng kiến nhiều thông báo rao bán các dự án quy mô lớn. Nguyên nhân đến từ nhiều lý do khác nhau nhưng điểm chung là các chủ đầu tư đều gặp phải áp lực từ nhiều phía và mục tiêu là bán được càng nhanh càng tốt.
Vinaconex bán dự án Cát Bà Amatina
HĐQT Vinaconex vừa duyệt chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) - chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina với quy mô hơn 170 ha ở Cát Bà.

Vinaconex ITC từng định hướng xây dựng Cát Bà Amatina trở thành khu đô thị du lịch cao cấp, tận dụng tối đa lợi thế về vị trí và vẻ đẹp thiên nhiên. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa thể thực hiện như tham vọng ban đầu.
Cụ thể, Tổng công ty cổ phần Vinaconex muốn chuyển nhượng 107,1 triệu cổ phần tại Vinaconex ITC. Vinaconex xác định giá tối thiểu là 48.000 đồng mỗi cổ phần. Như vậy, thương vụ thoái vốn này sẽ có giá trị thấp nhất khoảng 5.140 tỷ đồng.
Vinaconex ITC là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (tên thương mại Cát Bà Amatina). Dự án nằm tại đảo Cát Bà, TP Hải Phòng với quy mô trên 170 ha.
Sau thương vụ Công ty TNHH Sàn Giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha thông báo đã mua vào hơn 48,4 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 23,06% vốn tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR), chính thức trở thành cổ đông lớn, dự án chính thức về tay chủ mới. Giao dịch được thực hiện trong ngày 3/7 với tổng giá trị 2.402 tỷ đồng, tương ứng mức giá 49.600 đồng/đơn vị.
VietinBank rao bán dự án trụ sở giá hơn 10 nghìn tỷ đồng
Theo thông báo mới đăng tải, Ngân hàng VietinBank cho biết đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển nhượng dự án tòa nhà trụ sở chính (hay còn được gọi là VietinBank Tower) tại lô đất TM1 khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, TP Hà Nội (tên thương mại Ciputra).

Dự án VietinBank Tower sau nhiều năm dừng thi công được chào bán giá trên 10.000 tỷ đồng.
VietinBank mời các nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng dự án và đáp ứng các điều kiện về năng lực thực hiện, khả năng tài chính đến làm việc để được cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục, đàm phán các nội dung liên quan đến giao dịch. Ngân hàng này sẽ tiếp nhận nhu cầu đăng ký mua dự án đến hết ngày 25/7.
Công trình nằm trên khu đất rộng gần 30.000m2 với thiết kế 2 tháp cao 48 và 68 tầng. Theo kế hoạch, một tháp sẽ được VietinBank đặt trụ sở chính và tòa còn lại làm khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành, do phía ngân hàng vướng một số khó khăn nhất định trong việc triển khai.
Thị trường chuyển nhượng dự án sôi động
Ghi nhận từ thực tế, nhiều thương vụ M&A khác cũng đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư như: Tổng công ty CP Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC Corp) đang lên kế hoạch chuyển nhượng dự án Lam Hạ Center Point tại TP Phủ Lý (nay thuộc phường Hà Nam, tỉnh Ninh Bình). Keppel Land công bố thoái toàn bộ 42% cổ phần tại Công ty Nam Rạch Chiếc, đơn vị phát triển dự án Palm City tại TP.HCM.
Tại Hà Nội, Sun Group trở lại thị trường nhà ở Thủ đô với dự án Feliza Suites, gần 1.700 căn hộ tại vị trí đắc địa ở phường Cầu Giấy, tiếp giáp ba mặt đường Xuân Thủy, Phạm Hùng và Trần Quốc Vượng. Hồi cuối tháng 5, HĐQT CTX Holdings đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất vàng này.
Sunshine Group gần đây cũng liên tục đón thêm các dự án về tay. Cuối tháng 6, họ công bố một công ty con trong hệ sinh thái nhận chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp là chủ đầu tư khu đô thị nhà vườn sinh thái ở Văn Giang, Hưng Yên để phát triển một phần đại dự án. Sau đó, tập đoàn này cho biết phát triển thêm một tổ hợp 8.000 căn hộ chung cư cũng nằm ở Hưng Yên. Trước đó hồi tháng 2, một chủ đầu tư trong nước khác đã tổ chức khởi công dự án tại vị trí này.
Tại khu vực phía Nam, theo hãng tư vấn bất động sản Savills, những thương vụ M&A nổi bật gần đây như Capitaland mua dự án tại Bình Dương (trước sáp nhập với TP.HCM) từ Becamex IDC trị giá 553 triệu USD; Nishi Nippon Railroad mua 25% cổ phần dự án Paragon Đại Phước từ Nam Long hay nhóm Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi, NTT Urban Development cùng hợp tác với Kim Oanh Group phát triển dự án The One World…
Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Kinh doanh Văn phòng và Bất động sản Công nghiệp tại CBRE Việt Nam, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang tích cực theo đuổi các cơ hội M&A dự án bất động sản. Điều này xuất phát từ việc quỹ đất sạch về pháp lý và sẵn sàng để phát triển ngày càng khan hiếm.
Tuy nhiên, hoạt động M&A dự án địa ốc vẫn còn tồn tại khó khăn vướng mắc. Ông Hiếu cho rằng, giá đất tại Việt Nam không còn rẻ như trước. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cũng khiến một số nhà đầu tư chờ đợi xem bảng giá đất sẽ được điều chỉnh thế nào, ảnh hưởng đến chi phí mua dự án, mục tiêu phân khúc bất động sản sẽ phát triển.
Cùng quan điểm, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam - đơn vị dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn M&A dự án nói rằng, nhà đầu tư cũng chờ đợi kết quả từ việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, quy hoạch mới của các tỉnh, thành phố hậu sáp nhập.
Ngoài bảng giá đất tăng, ông Cần cho biết, một số doanh nghiệp sở hữu dự án cũng đưa ra mức định giá bán quá cao, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của nhà đầu tư.