Phó Thủ tướng: Tránh 'tháo cái này lại vướng cái kia' khi sửa luật

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường theo bộ máy của chính quyền địa phương 2 cấp phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, tránh tình trạng 'tháo cái này lại vướng cái kia'.

Chiều 16/7, chủ trì cuộc họp với 22 tỉnh, thành phố về đề xuất bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung theo sắp xếp, tổ chức bộ máy của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là yêu cầu đương nhiên và cần sửa đổi mang tính kỹ thuật để bảo đảm đồng bộ với thực tiễn.

Tuy nhiên, việc sửa luật phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, tránh tình trạng “tháo cái này lại vướng cái kia”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp với 22 tỉnh, thành phố về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp với 22 tỉnh, thành phố về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội khóa XV.

Theo Phó Thủ tướng, việc sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường theo hình thức “một luật sửa nhiều luật” chỉ nên thực hiện trong những tình huống thực sự cấp bách, có tính phổ biến và ảnh hưởng rộng. Trường hợp cá biệt phải được giải quyết bằng giải pháp cá biệt, theo đúng thẩm quyền.

“Nếu sửa luật mà không rõ nguyên nhân vướng mắc là phổ biến hay cá biệt thì sẽ dẫn đến hệ quả “từ cái sai này dẫn đến cái sai khác”, gây nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&MT tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ ngành, khẩn trương hoàn thiện nội dung dự án luật, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội.

Đồng thời, Bộ NN&MT phải giới hạn lại phạm vi sửa đổi, bổ sung, trong đó, các vấn đề “điểm nghẽn” phải được ưu tiên, như những vướng mắc do không phù hợp, chính sách chưa sát với thực tế, chưa có tính khả thi khi triển khai.

“Các nội dung đưa vào dự án luật phải dựa trên 3 cơ sở: Vướng mắc có tính hệ thống, có ở trên 34 tỉnh, thành phố; các điểm nghẽn đã được xác định, nêu nhiều lần và có chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; các chính sách đã được thí điểm, thực tế chứng minh là đúng, hiệu quả, tích cực. Những nội dung này cần được phân nhóm theo từng luật cụ thể để tiện tra cứu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh nhóm nội dung đưa vào dự án luật, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&MT cũng cần chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách: “Dự thảo nghị quyết cần lựa chọn đúng vấn đề “nghẽn nhất, khó nhất, phức tạp nhất”, như phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, đầu cơ, các thủ tục giấy tờ phức tạp...để thực hiện theo trình tự như dự thảo luật”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung theo sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, tránh tình trạng “tháo cái này lại vướng cái kia”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung theo sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đầy đủ, tránh tình trạng “tháo cái này lại vướng cái kia”.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Đắk Lắk cho rằng, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào vận hành trong thời gian ngắn, chưa thể ghi nhận đầy đủ những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Do đó, Bộ NN&MT cần tiếp tục rà soát, thực hiện sửa đổi các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường một cách thận trọng, tổng thể, đúng quy trình, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Trong khi đó, lãnh đạo TP.HCM và TP. Hải Phòng nhấn mạnh nhu cầu tháo gỡ ngay những điểm nghẽn rõ ràng, cấp bách trong thực tiễn quản lý, nhất là các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và quản lý vật liệu san lấp.

Đồng tình với các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho rằng, việc sửa đổi các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường cần tập trung vào điểm nghẽn, nội dung kỹ thuật, tránh luật hóa vội vàng những gì chưa chín muồi; có căn cứ chính trị rõ ràng; có sự tham vấn rộng rãi và đánh giá tác động kỹ lưỡng; không nên dàn trải, nóng vội hay mang tính hình thức, nhất là khi hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào vận hành và còn nhiều vấn đề phát sinh chưa được tổng kết đầy đủ.

Theo đề xuất của Bộ NN&MT, Dự án Luật thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của 16 Luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, gồm ba nhóm nội dung chính: sửa đổi, bổ sung để sắp xếp tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương hai cấp và phân quyền, phân cấp; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; và giải quyết ngay vấn đề cấp bách, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Võ Văn Hưng cho biết, Bộ xác định chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định thực sự là “điểm nghẽn”, vướng mắc nhất để đưa vào sửa đổi tại dự án Luật theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Những khó khăn, vướng mắc khác sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá và xử lý khi sửa đổi tổng thể từng dự án luật trong giai đoạn 2026-2030.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-tranh-thao-cai-nay-lai-vuong-cai-kia-khi-sua-luat-post1215168.vov
Zalo