Nhà ở xã hội cho công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp công nhân 'an cư lạc nghiệp'. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho công nhân còn bộc lộ một số hạn chế, cần được nghiên cứu để tìm ra những giải pháp hiệu quả mang tính bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cư dân Khu nhà ở xã hội thành phố Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cư dân Khu nhà ở xã hội thành phố Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN)

THỰC TRẠNG NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN

Nhà ở xã hội được hiểu là quỹ nhà ở của một quốc gia, địa phương với giá cả, diện tích và tiện ích phù hợp cho đa số dân cư và người lao động có thu nhập trung bình và dưới mức trung bình trong xã hội có thể thuê, mua hoặc mua trả góp. Ở Việt Nam hiện nay, nhà ở xã hội có thể được hiểu là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở(1). Người lao động luôn được quan tâm khi thực hiện các chính sách ưu đãi về nhà ở nước ta, trong đó công nhân là đối tượng được ưu tiên trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở; hằng năm, nhu cầu về lao động và nhu cầu về chỗ ở tại các khu công nghiệp vẫn tăng từ 20% - 25%(2). Vì vậy, việc xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm các điều kiện, tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho công nhân…, là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho nhiệm vụ này, cụ thể là:

Thứ nhất, nhiều biện pháp về thực hiện chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân đã được các cấp, các ngành quán triệt và quyết liệt triển khai.

Nhận thức được tầm quan trọng, cũng như tính cấp bách trong việc ổn định chỗ ở cho công nhân, nhiều văn bản thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được triển khai, qua đó đã từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế vận hành thông suốt, giúp tăng cường các nguồn lực để các đơn vị, địa phương thực hiện chính sách. Điển hình, nhiều gói vay vốn hỗ trợ công nhân lao động, như gói vay vốn ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội, gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ. Các cơ quan thực thi chính sách về nhà ở xã hội đã có sự phối hợp với các địa phương, từ đó nhận diện và từng bước chỉnh sửa, bổ sung, giải quyết những thiếu sót, những điểm chưa phù hợp, hay những vấn đề còn vướng mắc về cơ chế, chính sách. Các địa phương bước đầu đã có sự chủ động, linh hoạt trong bố trí các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Thứ hai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chăm lo nhà ở cho công nhân.

Năm 2023, khi Luật Nhà ở được thông qua, với việc chính thức được coi là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức công đoàn(3).

Thứ ba, công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở xã hội được các doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện.

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ năm 2014, Bộ Xây dựng đưa mô hình nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân vào diện nhà ở xã hội để được hưởng hỗ trợ về vốn ngân sách, quy hoạch, xây dựng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, nhằm tháo gỡ những bế tắc và khó khăn trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân lao động tại các đô thị lớn. Đặc biệt, trong năm 2023, Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt, là căn cứ quan trọng để triển khai các nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, từng bước khắc phục những bất cập khi lồng ghép trong chính sách phát triển nhà ở xã hội. Việc các chính sách nhà ở công nhân được cụ thể, rõ ràng hơn đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho phát triển nhà ở xã hội. Các dự án nhà ở xã hội qua quá trình triển khai, hoàn thiện và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được một phần nhu cầu của công nhân.

Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là công nhân lao động tại các đô thị lớn. (Ảnh: TTXVN)

Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là công nhân lao động tại các đô thị lớn. (Ảnh: TTXVN)

Thứ tư, nhiều mô hình nhà ở xã hội mang tính bền vững, có sự tham gia của cộng đồng đã được nghiên cứu, áp dụng tại những địa phương có nhiều khu công nghiệp.

Các địa phương có nhiều khu công nghiệp và đông đảo công nhân ngoại tỉnh lưu trú, như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai… đã thực hiện nhiều mô hình nhà ở cho công nhân có sự tham gia, liên kết của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Điển hình như mô hình cải tạo tập trung, trong đó Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, thủ tục cho doanh nghiệp quản lý và đầu tư xây dựng, điều phối công nhân tiếp nhận nhà ở xã hội. Các hộ gia đình và cá nhân cho thuê hoặc bán đất đang sở hữu cho doanh nghiệp, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để cải tạo nhà cho thuê. Mô hình này giúp tận dụng triệt để quỹ đất, bổ sung nhiều chỗ ở cho công nhân, giảm bớt lượng công nhân phải sống tại các khu nhà trọ kém chất lượng, các khu nhà “ổ chuột” xung quanh khu công nghiệp. Mô hình thứ hai là mô hình xây mới, có sự kết hợp giữa Nhà nước và tổ chức doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước chỉ đạo hỗ trợ tài chính, thủ tục, quỹ đất và những ưu đãi cho doanh nghiệp lập dự án quản lý và đầu tư xây dựng. Công nhân lao động khi có nhu cầu sẽ được tiếp cận nhà ở xã hội bảo đảm chất lượng đạt chuẩn, có giá thành bằng hoặc thấp hơn so với giá thuê nhà của các hộ gia đình và cá nhân xây nhà trọ. Mô hình này giúp bổ sung chỗ ở cho người lao động thu nhập thấp, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng, cơ sở văn hóa trong khu ở, đồng thời giúp phân bổ công nhân trong và ngoài khu công nghiệp hợp lý hơn.

Với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội nói chung, việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động đã đạt được nhiều kết quả trên thực tiễn. 1) Về quỹ đất nhà ở công nhân: Việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu đề ra, đến nay, cả nước đã có 253 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó, đã hoàn thành 112 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 112 dự án với diện tích đất hơn 350ha), với khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. 2) Về kết quả đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp: Theo số liệu thống kê trong cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng(4). 3) Về kết quả đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm hai thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang, trong đó, Dự án Thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (tỉnh Hà Nam) có quy mô 4,04ha, với tổng số 976 căn hộ, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với số lượng khoảng hơn 300 căn hộ; Dự án Thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An (tỉnh Tiền Giang) có quy mô 3,05ha, với 998 căn hộ, hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với một số địa phương chuẩn bị công tác đầu tư thiết chế công đoàn, cụ thể: Đã phê duyệt chủ trương đầu tư 12 thiết chế công đoàn tại 12 địa phương; hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư 10 thiết chế công đoàn tại 10 địa phương. Đã có 40 địa phương bố trí quỹ đất để đầu tư thiết chế công đoàn, mỗi khu đất có diện tích trung bình từ 3ha đến 5ha, trong đó có 2 địa phương đã ban hành quyết định giao đất, 26 địa phương có văn bản chính thức đồng ý chủ trương và giới thiệu địa điểm, 12 địa phương khác đang hoàn thiện thủ tục(5).

Kết quả trên cho thấy, việc triển khai các biện pháp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần giúp người lao động an tâm trong sản xuất, “an cư” mới “lạc nghiệp”, có điều kiện thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần, từ đó giảm những vấn đề xã hội phức tạp đang tiềm ẩn trong các khu nhà trọ tạm bợ… Tuy vậy, nhìn vào thực tiễn hiện nay, sự quan tâm và triển khai công tác này cơ bản vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho công nhân còn nhiều điểm hạn chế, chưa đồng bộ, kịp thời, do vậy, tiến độ hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà ở xã hội còn chậm, mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của công nhân. Chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê (chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp hiện đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 nhóm đối tượng (theo Luật Nhà ở năm 2014; Luật Nhà ở năm 2023 đã có thêm 2 đối tượng). Các quy định đối với dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ kịp thời. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, do vậy chưa thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vì nguy cơ doanh nghiệp gánh tiền lãi cao khi thời gian vay vốn lâu, kéo dài, trong khi chưa có nhiều cơ chế pháp lý bảo vệ. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chỉ chú trọng vào hiệu quả đầu tư, lợi nhuận trong sản xuất, mà chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho công nhân; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để dành nguồn lực đầu tư. Bản thân công nhân là chủ thể chính thụ hưởng sản phẩm nhà ở xã hội nhưng chưa được quan tâm, tìm hiểu đặc điểm văn hóa (nhu cầu thực tế, thói quen, đặc điểm vùng, miền…), những nguyện vọng chính đáng, để được đáp ứng khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Công tác kiểm tra xây dựng nhà ở xã hội chưa được triển khai chặt chẽ, thường xuyên, do vậy còn tình trạng nhà ở xã hội chất lượng thấp, nhanh xuống cấp, thiếu an toàn cho người ở. Mặc dù nhà ở xã hội khá tiện ích, giá rẻ, gần nơi làm việc, nhưng một bộ phận công nhân vẫn còn “thờ ơ” với việc thuê nhà ở xã hội, khi cho rằng ở trọ ngoài được “tự do” hơn, ít phải chịu sự quản lý giờ giấc của doanh nghiệp.

Khu nhà ở cho công nhân lao động tại dự án nhà ở xã hội Vigracera, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Khu nhà ở cho công nhân lao động tại dự án nhà ở xã hội Vigracera, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI CHO CÔNG NHÂN THỜI GIAN TỚI

Một là, nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, công nhân lao động về tầm quan trọng của việc xây dựng nhà ở xã hội

Các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Nhà ở năm 2023, nhất là những nội dung có liên quan đến nhà ở xã hội cho công nhân, như: Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi cụ thể, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở nhằm huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở, trọng tâm là các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp... Công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức đối với doanh nghiệp và chủ nhà trọ trong các khu công nghiệp, qua đó giúp họ nâng cao nhận thức, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nhà ở cho công nhân.

Việc tuyên truyền cần được tổ chức thường xuyên về thời gian, linh động về địa điểm, đa dạng về hình thức, phương thức và sản phẩm truyền thông để phổ biến cụ thể chính sách về nhà ở xã hội và công trình nhà ở xã hội; bảo đảm các đối tượng có nhu cầu được biết, hiểu và tiếp cận.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở xã hội

Kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách chưa phù hợp về đất đai, về vốn đầu tư, về quy hoạch, về phát triển hạ tầng đồng bộ..., tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê - mua với mức giá phù hợp thu nhập hằng tháng.

Ba là, chủ động, quyết liệt hơn nữa trong thực thi chính sách

Các địa phương xem xét ưu tiên việc nghiên cứu dành quỹ đất xây nhà ở xã hội phù hợp với đối tượng công nhân, hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp nước sạch và tiêu thải nước mưa, nước sinh hoạt… để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân, hay hộ gia đình gần khu công nghiệp xây dựng, cải tạo nhà trọ cho công nhân thuê, bảo đảm vệ sinh môi trường, quy định phòng, chống cháy nổ và an toàn cho công nhân khi sống trong các nhà trọ.

Trong thực hiện, cần có cơ chế phối hợp, triển khai các chính sách về đầu tư, quản lý, vận hành một cách tổng thể, đồng bộ để các cấp chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, người lao động thực sự quan tâm và cùng vào cuộc. Gắn các ưu đãi riêng với trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có trách nhiệm đầu tư khu nhà ở công nhân. Có các phương án hỗ trợ cho công nhân; hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà cho thuê, nhà ở xã hội phải gần khu công nghiệp; nghiên cứu, điều tra toàn diện, trong đó chú trọng cơ cấu xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với lối sống, thu nhập, gắn với đặc điểm của công nhân di cư đến làm việc.

Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Cùng với việc tích cực nghiên cứu, triển khai các thiết chế nhà ở, thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lối sống và văn hóa, văn minh công nghiệp cho công nhân, người lao động, để họ dần thay đổi, từ bỏ các thói quen, lối sống tùy tiện, từng bước thích nghi với môi trường lao động công nghiệp, hiện đại.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình mới về đầu tư, quản lý và vận hành nhà ở xã hội cho công nhân lao động nhằm nâng cao tính khả thi của những dự án này, đồng thời bảo đảm điều kiện sinh hoạt văn hóa, giải trí cơ bản và phát triển bền vững của các khu công nghiệp thành phố.

Năm là, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, chú trọng kiểm tra, giám sát việc xây dựng, cho thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động

Các cấp, ngành, địa phương cần rà soát quỹ đất thực hiện, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục cấp phép xây dựng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở công nhân nhiều hơn nữa, theo đúng quan điểm đã được định hướng là rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội; đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố; các tỉnh, thành phố bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Các đơn vị theo chức năng phối hợp rà soát các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội. Các bước rà soát, tổng hợp số liệu các đối tượng người lao động đủ điều kiện, có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội cần được đánh giá, báo cáo để các cấp kịp thời tham mưu quản lý, vận hành công trình nhà ở xã hội cho phù hợp.

Tăng cường công tác phối hợp, minh bạch trong các quy trình xét duyệt hồ sơ đăng ký, xác định đối tượng đủ điều kiện, trình phê duyệt danh sách người được thuê, mua nhà ở; bảo đảm giải quyết thủ tục nhanh nhất để công nhân sớm được bố trí chỗ ở. Kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp chậm trễ, ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục cho công nhân; đồng thời biểu dương, nhân rộng các nơi làm tốt, cách làm hay để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra đối với các khâu của quá trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội; siết chặt các quy định để tránh tình trạng, như người có thu nhập cao mua nhà ở xã hội, bán lại hoặc cho thuê lại đối với công nhân các khu công nghiệp, khu đô thị. Đa dạng hóa cách thức, lực lượng kiểm tra, giám sát, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và của chính công nhân trong việc tham gia vào quá trình triển khai các bước trong xây dựng nhà ở xã hội./.

TS. PHẠM THỊ HOÀNG HÀ
Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

__________________

* Bài viết là sản phẩm của đề tài nhà nước: "Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay: Đặc điểm, vấn đề và định hướng chính sách", mã số KX.04.25/21-25

(1) Điều 2, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, ngày 27/11/2023 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(2) Xem: Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Nhà ở công nhân, nhà ở xã hội: Thực trạng và suy nghĩ, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp điện tử, ngày 12/6/2023.

(3) Điều 80, về hình thức phát triển nhà ở xã hội, Luật Nhà ở (sửa đổi): Luật số 27/2023/QH15, ngày 27/11/2023 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(4) Xem: Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030: Thành phố Hà Nội: 33.666 căn/38 đang làm thủ tục; 6.634 căn/5 dự án đang xây dựng; Thành phố Hồ Chí Minh: 8.975 căn/11 dự án đang làm thủ tục; 45.385 căn/38 dự án đang xây dựng; Đà Nẵng: 1.135 căn/2 dự án đang làm thủ tục; 2.691 căn/3 dự án đang xây dựng; 2.129 căn/1 dự án đang xây dựng; Quảng Ninh: 6.620 căn/8 dự án đang làm thủ tục; 1.000 căn/1 dự án đang xây dựng; 2.997 căn/4 dự án đang xây dựng; Bình Dương: 66.119 căn/42 dự án đang làm thủ tục; 26.400 căn/6 dự án đang xây dựng; Đồng Nai: 3.951 căn/12 dự án đang làm thủ tục; 14.285 căn/14 dự án đang xây dựng.

(5) Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/nha-o-xa-hoi-cho-cong-nhan-viet-nam-trong-giai-doan-hien-nay-154622
Zalo