Tuyển sinh 2025: Học bạ được xét, nhưng không ưu tiên
Học bạ vẫn được xét trong tuyển sinh 2025, nhưng không còn là 'tấm vé vàng' như trước, thay vào đó là một tiêu chí phụ, đi kèm nhiều điều kiện.
Trong "làn sóng" tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học tiếp tục duy trì phương thức xét học bạ trung học phổ thông. Tuy nhiên, xét học bạ không còn là “con đường chính”, mà trở thành tiêu chí “đính kèm” - một phần trong tổng thể tuyển chọn đa tầng, đa tiêu chí.
Theo thống kê của Báo Công Thương, đến thời điểm hiện tại, có hơn 120 cơ sở giáo dục đại học đã công bố sử dụng phương thức xét học bạ trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó, đặc biệt là nhóm trường công lập, top đầu đã không còn xem đây là một phương thức độc lập. Điểm học bạ không còn là “tấm vé thông hành” đơn lẻ, mà thường chỉ đóng vai trò như tiêu chí phụ đi kèm cùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng chỉ ngoại ngữ hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực riêng của từng trường.
Danh sách các trường tuyển sinh học bạ:



Về bản chất, xét học bạ chưa bao giờ là một phương thức sai. Nó phản ánh nỗ lực dài hạn của học sinh, ghi nhận hành trình học tập thay vì chỉ đánh giá năng lực qua một kỳ thi duy nhất. Trong một hệ thống giáo dục lý tưởng, học bạ cần được coi trọng, là thước đo cả quá trình, gương phản chiếu trung thực của cả người học và cơ sở đào tạo phổ thông. Nhưng thực tế ở Việt Nam, nơi mà điểm số từng bị thổi phồng, bệnh thành tích còn len lỏi, và chất lượng học bạ giữa các địa phương có sự vênh lớn, xét học bạ một cách độc lập là điều không thể kéo dài.

Học bạ vẫn được xét trong tuyển sinh 2025, nhưng không còn là “tấm vé vàng” như trước, thay vào đó là một tiêu chí phụ, đi kèm nhiều điều kiện. Ảnh: Mai Hương
Bởi thế, những điều chỉnh kỹ thuật từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm nay là rất đáng chú ý. Việc yêu cầu các trường chỉ được sử dụng điểm cả năm lớp 12, thay vì 3 - 5 kỳ như trước; điểm xét tuyển bắt buộc phải có tổ hợp ít nhất ba môn, trong đó Toán hoặc Ngữ văn phải chiếm ít nhất một phần ba trọng số. Đặc biệt, việc xét học bạ không còn được công bố sớm mà sẽ thực hiện cùng đợt với các phương thức tuyển sinh khác… Tất cả cho thấy nỗ lực đáng kể trong việc đưa học bạ trở về đúng vai trò của nó: là một phần trong quá trình đánh giá toàn diện, chứ không thể là “lối rẽ” ưu tiên.
Xét học bạ, từ nay, là một lựa chọn có điều kiện. Nó chỉ phát huy giá trị khi đi cùng những tiêu chí đảm bảo chất lượng khác. Các trường đại học có quyền linh hoạt, nhưng linh hoạt không đồng nghĩa với dễ dãi. Và thí sinh có thêm cơ hội, nhưng cũng phải hiểu rằng cánh cửa đại học không mở bằng điểm số đẹp đẽ trên giấy, mà bằng thực lực, bằng sự phù hợp, bằng nỗ lực dài hạn.
Chính điều này mới khơi thông được hai tuyến mạch quan trọng: vừa đảm bảo chất lượng nguồn tuyển cho các trường, vừa giữ được niềm tin xã hội vào sự công bằng của hệ thống giáo dục.
Việc giữ lại xét học bạ không phải là một bước lùi, mà là một bước đi thận trọng trong quá trình chuyển đổi. Một cách mềm dẻo để thích nghi với thực tiễn, trong khi chờ đợi hệ thống giáo dục phổ thông được nâng chuẩn, đồng đều và minh bạch hơn. Đây cũng là một lời nhắc rằng, mọi phương thức dù được chọn lựa vì lý do gì, đều phải phục vụ mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng đầu vào, đào tạo nhân lực thực chất và kiến tạo niềm tin xã hội.