Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình: Cuộc đời bình dị mà kỳ lạ

Ở tuổi gần 100, bà Nguyễn Thị Bình vẫn tự tay sửa, bổ sung hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước. Cuốn sách tái bản đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước gói ghém cả cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi và nêu bật chân dung của người phụ nữ vĩ đại nhưng bình dị, được đông đảo bạn bè thế giới yêu mến, ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Bình tại lễ ký Hiệp định Paris. Ảnh: Tư liệu

Bà Nguyễn Thị Bình tại lễ ký Hiệp định Paris. Ảnh: Tư liệu

Biểu tượng sáng ngời

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, cờ hoa nhuộm đỏ từng nẻo đường, góc phố và lan rộng trên mạng xã hội. Clip tư liệu về các nhà cách mạng lừng danh của Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ, trong đó có những hình ảnh sống động về nhà ngoại giao tài ba. Đó là hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình thông minh, sắc bén, hiên ngang trong hành trình đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973, với những phát ngôn khiến cả thế giới sửng sốt, như: “Người Mỹ có thể lên Mặt trăng và trở về an toàn. Còn sang Việt Nam, thì chúng tôi không chắc”.

Cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước do NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai vừa ra mắt, lần trước đó được xuất bản năm 2023 theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Bình bắt tay viết cuốn hồi ký từ năm 2007, hoàn thành cuối năm 2009 và phát hành lần đầu năm 2012 (NXB Tri thức) nhân sinh nhật thứ 85, được chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014 và gần nhất là 2023. Tác giả dành phần đầu cuốn hồi ký để nói về gia đình, về quê hương Quảng Nam thân yêu. Là cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh, cháu nội của một nghĩa binh của phong trào Cần Vương, bà Nguyễn Thị Châu Sa (sau này đổi tên Nguyễn Thị Bình) sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng.

“Từng trang hồi ký được thể hiện bằng ngôn từ giản dị, không triết lý cao siêu mà gần gũi, sâu lắng, nhưng đã toát lên được tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, tấm lòng vì nước, vì dân, tạo nên sức nặng trong từng câu, chữ. Như nhà văn Nguyên Ngọc, người làm việc cùng bà Nguyễn Thị Bình trong suốt thời gian hoàn thiện cuốn hồi ký cho biết, qua hồi ký có thể nhận ra ở bà sự kết hợp đặc biệt giữa bình dân - tinh hoa, giản dị - sang trọng, mềm mại - kiên định. Đó là một người có sức trẻ tâm hồn và trí tuệ, kết hợp sự kiên định và dám chấp nhận thay đổi, tiếp nhận cái mới. Bà là một biểu tượng sáng ngời về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam”, lãnh đạo NXB Chính trị quốc gia Sự thật nhận định.

Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật, cho biết, năm 2023 ở tuổi 96, bà Nguyễn Thị Bình vẫn tự tay chỉnh sửa bản thảo, tự đánh máy nội dung sửa chữa và gửi cho NXB để xuất bản cuốn hồi ký đầy đủ và trọn vẹn hơn.

Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đầu năm 1961, bà được cử sang tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận và đổi tên từ Yến Sa (bí danh được bà sử dụng từ năm 1948) sang Nguyễn Thị Bình để giữ bí mật và để quốc tế dễ đọc tên hơn. Từ đây, thế giới biết đến một nữ chính trị gia Nguyễn Thị Bình với cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên tại Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình thông minh, sắc sảo mà hòa nhã khi tiếp xúc với truyền thông quốc tế trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris. Ảnh: Tư liệu

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình thông minh, sắc sảo mà hòa nhã khi tiếp xúc với truyền thông quốc tế trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris. Ảnh: Tư liệu

Đối đáp sắc sảo, khôn khéo

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973, tuy nhiên phái đoàn Việt Nam trải qua gần 5 năm đấu tranh ngoại giao cam go. Khi rời Hà Nội sang Pháp vào cuối năm 1968, không thành viên nào trong đoàn nghĩ tới quãng thời gian đằng đẵng đấu tranh ngoại giao bền bỉ như vậy. Bà Nguyễn Thị Bình kể lại cuộc đấu tranh lịch sử bằng ngôn ngữ giản dị, cô đọng và trung thực.

Có những giai đoạn hầu như ngày nào đoàn cũng phải tiếp một hay hai hãng truyền hình hoặc phóng viên các báo Pháp, Mỹ, Anh, Nhật… Báo chí nhìn chung có thiện cảm đối với đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trước những vấn đề tế nhị, cả đoàn cùng nhau bàn bạc để có cách trả lời thống nhất, khôn ngoan. “Mặt trận đối ngoại là một chiến trường, vừa đấu trí, vừa đấu lý và lần nào chúng ta cũng giành thắng lợi”, bà kể.

Bà Nguyễn Thị Bình cũng không ít lần phải đối diện với những câu hỏi khó, như xoáy vào vấn đề có quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam hay không. “Chúng tôi được chỉ thị không nói có mà cũng không nói không. Tôi trả lời: Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược. Các nhà báo có xoay đi xoay lại thế nào chúng tôi cũng chỉ một mực giữ nguyên cách nói đó, cuối cùng họ cũng đành chịu”, bà viết.

Cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước” được tái bản đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Kỳ Sơn

Cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước” được tái bản đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Kỳ Sơn

Năm 1969, đoàn đàm phán tuyên bố vùng giải phóng chiếm hai phần ba miền Nam. Đến năm 1971, ta “mở rộng” ra đến ba phần tư. Thực tế, lúc đó, trên chiến trường, quân chủ lực ta gặp khó khăn, địch ném bom khắp nơi, kể cả vùng ngoại ô Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Bình và đoàn đàm phán lại chụm đầu lại bàn bạc, tìm ra câu trả lời vững vàng khiến các nhà báo phải gật đầu: “Chúng tôi bàn với nhau để trả lời báo chí: Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom”.

Bà Nguyễn Thị Bình nhớ nhất là cuộc gặp mặt báo chí trên truyền hình trực tiếp vào giữa năm 1971. Khi ấy, truyền hình Pháp có sáng kiến tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington. Có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ coi như bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người khác phần lớn là Pháp coi như trung lập, khách quan. Khi được mời, bà có phần ngần ngại, nghĩ mình chỉ có một mình giữa bao nhiêu nhà báo sừng sỏ không quen biết, lại phải tranh luận bằng tiếng Pháp. Khi đó, người phát ngôn của đoàn và mọi người động viên bà, coi đây là dịp rất tốt để ta giới thiệu trước toàn thế giới lập trường chính nghĩa và vạch âm mưu, tội ác của Mỹ, nên phải hết sức tận dụng.

Gần hai tiếng đồng hồ căng thẳng dưới ánh đèn sáng chói của trường quay, các nhà báo chủ yếu xoay quanh lập trường của Mỹ và Việt Nam tại bàn đàm phán. Tuy hồi hộp, song bà vẫn cố gắng bình tĩnh đối đáp đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt đau khổ của nhân dân, cũng kiên quyết đến cùng vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước...

“Kết thúc họp báo, tôi thở phào vì đã hoàn thành một nhiệm vụ phức tạp. Đồng chí Xuân Thủy điện thoại khen: Cô rất dũng cảm. Nhiều bạn Pháp, nhất là các bạn nữ thì gọi điện hoan hô, coi đây là một thành công quan trọng. Nhiều ngày sau, báo chí còn tiếp tục nói đến sự kiện này”, bà kể lại.

Người phụ nữ hạnh phúc

“Tôi là người hạnh phúc”, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định. Bà đã lấy được người mình yêu, và đó cũng là mối tình đầu dù hai người gặp gỡ và phải xa cách, bặt tin nhau tới 9 năm trong kháng chiến chống Pháp. Hai ông bà thường xa nhau, nhưng bà Nguyễn Thị Bình khẳng định, tình nghĩa giữa hai người đã giúp bà đứng vững và hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, con còn nhỏ thường xuyên xa mẹ, hoặc trong thời gian ra nước ngoài đàm phán, bà được chồng động viên, cố gắng một mình chăm sóc hai con nhỏ.

“Cũng có thể nói tôi có một cuộc đời rất lạ: không thể tách ảnh hưởng và tình thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình. Đó là sức mạnh và cũng là hạnh phúc của đời tôi”, bà viết.

Ở tuổi cận kề 100, bà Nguyễn Thị Bình vẫn minh mẫn, tự tay sửa và bổ sung bản thảo hồi ký. Ảnh: Phạm Thinh

Ở tuổi cận kề 100, bà Nguyễn Thị Bình vẫn minh mẫn, tự tay sửa và bổ sung bản thảo hồi ký. Ảnh: Phạm Thinh

Cố gắng ghi chép lại sự kiện lịch sử bằng nhãn quan của người trong cuộc, có độ lùi lịch sử, bà Nguyễn Thị Bình gói gọn gần 5 năm đàm phán trong những trang sách sống động. Cuốn sách còn có nhiều trang viết theo dòng lịch sử sau này khi thống nhất đất nước, về quãng thời gian bà làm việc trong ngành giáo dục, làm Phó Chủ tịch nước, nghỉ hưu nhưng vẫn bận rộn…

NGUYÊN KHÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-ngoai-giao-nguyen-thi-binh-cuoc-doi-binh-di-ma-ky-la-post1737794.tpo
Zalo