Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - 'Hạt nhân' của đòn bẩy kinh tế mới
Đề án thành lập Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng (Trung tâm LHD&NL) quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) là một trong những nhiệm vụ chiến lược theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, việc xây dựng Trung tâm LHD&NL quốc gia sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi với hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
Động lực tăng trưởng kinh tế Quảng Ngãi
NMLD Dung Quất - NMLD đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có quy mô hơn 900 ha, công suất thiết kế khoảng 140.000 thùng dầu thô/ngày, dự kiến tăng lên 171.000 thùng dầu thô/ngày sau khi nâng cấp mở rộng. Hiện nhà máy đang đáp ứng hơn 30% nguồn cung xăng dầu trong nước với đa dạng các loại sản phẩm như xăng RON92, RON95, dầu hỏa/nhiên liệu bay Jet A1, khí hóa lỏng (LPG), dầu diesel ôtô, propylene…
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã quản lý, vận hành nhà máy an toàn, ổn định với hơn 97 triệu tấn sản phẩm và đạt hơn 49 triệu giờ công an toàn từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay. Qua đó, BSR đã đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi với hơn 230 nghìn tỉ đồng. BSR cũng đã dành khoảng 870 tỉ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên khắp cả nước trong hơn 16 năm hình thành và phát triển.
NMLD Dung Quất đóng vai trò là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Khu kinh tế (KKT) Dung Quất với vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi tăng từ 3,7 nghìn tỉ đồng (giai đoạn 1996-2004) lên khoảng 84,3 nghìn tỉ đồng (giai đoạn 2007-2008). Các hoạt động của BSR cũng được xem là “bản lề” quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi từ thuần nông sang phát triển theo hướng công nghiệp hóa.
Với những đóng góp tích cực cho kinh tế tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung, NMLD Dung Quất đã giúp tỉnh “thăng hạng”, đứng thứ 12/63 tỉnh thành trong thu ngân sách (năm 2023). Đồng thời, Quảng Ngãi được xếp hạng thứ 18/63 tỉnh thành về quy mô nền kinh tế và đứng thứ 5/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trong năm 2024.
NMLD Dung Quất được thiết kế với nhiều thuận lợi trong công tác vận chuyển, kết nối. Cảng xuất sản phẩm của nhà máy đặt tại vịnh Dung Quất - vịnh nước sâu thích hợp phát triển các dịch vụ hàng hải. Mặt khác, kết nối đường bộ, hàng không cũng rất thuận lợi khi nhà máy nằm cạnh Quốc lộ 1A, cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng và gần Sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Tuy hạ tầng chưa được quy hoạch bài bản, đồng bộ, nhưng nhìn chung, KKT Dung Quất đã có những thuận lợi căn bản trong việc hình thành Trung tâm LHD&NL quốc gia tại miền Trung.
Đề án mở ra nhiều cơ hội
Quảng Ngãi là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và đi đầu trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với những cơ chế chính sách và địa lý chiến lược, KKT của tỉnh trở thành điểm sáng trong đầu tư phát triển, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu và năng lượng. Do đó, việc hình thành Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất theo nhiệm vụ của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng đối với tỉnh Quảng Ngãi và Việt Nam.
Trung tâm sẽ góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, là tiền đề quan trọng để phát triển KTXH địa phương, vùng và quốc gia. Đồng thời, phát triển các dự án năng lượng, nguyên liệu và vật liệu xanh bền vững, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng sạch, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc hình thành trung tâm cũng sẽ phát triển đồng bộ và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn khí thiên nhiên và năng lượng tái tạo trong vùng…
Đặc biệt, Trung tâm LHD&NL quốc gia sẽ trở thành động lực của khu vực, phát triển bền vững trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương và khu vực. Theo đó, trung tâm sẽ tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong khu vực, bao gồm khí và condensate từ Lô 117-118-119 (Cá Voi Xanh), Lô 113-114-115 và các khu vực lân cận; nguyên liệu sinh khối... Trung tâm sẽ tăng cường kết nối với các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; tạo mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp liên quan, như ngành thép, nhựa… tại các KKT lân cận để mở rộng chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đến năm 2030, đặt mục tiêu Trung tâm LHD&NL quốc gia đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tối thiểu 30% nhu cầu xăng dầu cả nước; mức dự trữ dầu thô đạt 30 ngày sản xuất và dự trữ xăng dầu đạt 30 ngày tiêu thụ. Tổng sản lượng năng lượng cuối cùng đạt khoảng 8 triệu tấn dầu quy đổi; đóng góp 30% vào tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi và tạo ra khoảng 10.000 việc làm mới. Mặt khác, việc hình thành trung tâm cũng sẽ phấn đấu thu hút khoảng 15 tỉ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Đến năm 2050, Trung tâm LHD&NL quốc gia đặt mục tiêu trở thành LHD&NL hàng đầu khu vực Đông Nam Á và là LHD&NL xanh, bền vững, tiên phong trong khu vực. Đồng thời, tổng sản lượng năng lượng cuối cùng đạt khoảng 25 triệu tấn dầu quy đổi và tạo ra 30.000 việc làm mới cho người dân. Góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước khoảng 50 tỉ USD.
Việc hình thành trung tâm với hạt nhân là NMLD Dung Quất không chỉ giúp sản xuất các sản phẩm dầu mỏ truyền thống mà còn mở ra cơ hội phát triển năng lượng xanh, sạch, bền vững. Qua đó, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ, ổn định năng lượng, nguyên liệu và vật liệu. Trung tâm cũng sẽ tạo “đòn bẩy” cho việc phát triển KTXH nhanh và bền vững cho tỉnh Quảng Ngãi và Việt Nam.
Đề án Trung tâm LHD&NL quốc gia tại KKT Dung Quất đang tiếp tục được các cấp liên quan cùng với các tập đoàn hàng đầu Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng tỉnh Quảng Ngãi tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp, cơ chế, chính sách… để hoàn thiện.