Nhà máy Đạm Cà Mau: Điểm sáng vùng Đất Mũi

Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành liên tục, ổn định, hiệu quả; sản lượng sản xuất lũy kế đến tháng 7/2024 vượt 10,5 triệu tấn; Nhà máy Đạm nói riêng cùng với Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau nói chung đã trở thành đòn bẩy tạo đà để phát triển công nghiệp tỉnh Cà Mau và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững. Nhân dịp, đất nước chuẩn bị đón một mùa Xuân mới - xuân Ất Tỵ, cùng PetroTimes nhìn lại không khí lao động, khẩn trương, thi đua sôi nổi của Nhà máy Đạm Cà Mau xuân Nhâm Thìn 2012.

Những ngày đầu xuân Nhâm Thìn 2012, toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà máy sản xuất đạm Cà Mau vẫn hăng say làm việc nhằm đảm bảo cho nhà máy hoạt động thông suốt, đạt hiệu suất tốt nhất.

Họ lao động với niềm tự hào Nhà máy Đạm Cà Mau là hạt nhân của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, là điểm sáng công nghiệp của vùng Đất Mũi. Những nỗ lực của họ đã được đền đáp khi nhà máy bắt đầu đi vào vận hành thương mại, cho ra đời những dòng sản phẩm urê hạt viên đầu tiên mang thương hiệu "Đạm Cà Mau”. Niềm vui như gấp bội khi công trình trọng điểm quốc gia ở vùng cực Nam của Tổ quốc nay dần hoàn thiện trong không khí thi đua sôi nổi mừng Đảng, mừng Xuân…

Sức xuân bừng dậy

Đến thăm Nhà máy Đạm Cà Mau vào những ngày đầu xuân Nhâm Thìn chúng tôi cảm nhận những thay đổi to lớn, những dấu ấn hoàn thiện ngoạn mục của công trình này trên mảnh đất xa tít giữa vùng rừng nước U Minh Hạ. Đó là cả một hệ thống cỗ máy sản xuất phân đạm có tầm vóc đồ sộ với những cụm thiết bị hiện đại bậc nhất trên thế giới, được lắp đặt hoàn chỉnh và nay bắt đầu đi vào vận hành thương mại, là điểm nhấn của Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm ở xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau).

Con đường chính xen lẫn các con đường phụ loanh quanh Nhà máy Đạm Cà Mau nay đã trải nhựa phẳng phiu, điểm xuyến cùng những bãi cỏ mọc xanh rì, những hàng cây cảnh khoe sắc thắm như đua nhau mời gọi. Những âm thanh rộn rã tựa thác đổ phát ra từ các phân xưởng sản xuất như chào đón chúng tôi. Và kia nữa, những công nhân, kỹ sư vận hành trẻ trung dưới sắc áo màu bàng bạc mới toanh, đang chạy đi chạy đi lại kiểm tra máy móc hoặc chăm chú nhìn vào bảng điều khiển điện tử theo dõi từng thông số kỹ thuật… Những hình ảnh, âm thanh ấy như tô điểm sắc xuân cho nhà máy.

Kiểm tra hệ thống máy móc của Nhà máy Đạm Cà Mau

Kiểm tra hệ thống máy móc của Nhà máy Đạm Cà Mau

Còn nhớ, cách đây khoảng 2 tháng, sự kiện Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức cho ra mẻ urê hạt đục đầu tiên đã đánh dấu một bước ngoặt mới trên công trình này. Thời điểm ấy, vào lúc 12h25 ngày 24/11/2011, nhà máy đã chạy thử thành công xưởng tạo hạt, một trong những công đoạn cuối cùng cho ra đời sản phẩm đạm Cà Mau. Sản phẩm hạt urê đầu tiên trong niềm vui mừng, phấn khởi của các kỹ sư, công nhân của Ban Quản lý Dự án (QLDA) Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Tổng thầu WEC-CMC. So với mốc dự kiến ngày 27/11/2011, sản phẩm của xưởng tạo hạt đã ra đời sớm hơn 3 ngày so với kế hoạch.

Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Trưởng ban QLDA Khí – Điện – Đạm Cà Mau kiêm Giám đốc PVCFC cùng các thành viên Ban QLDA không giấu được niềm tự hào về những nỗ lực quyết tâm của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và cán bộ, công nhân trên công trường từ những ngày đầu xây dựng nhà máy. Ngay sau khi khởi công xây dựng vào ngày 26/7/2008, Ban QLDA đã phối hợp chặt chẽ với Tổng thầu EPC tổ chức thi công quyết liệt, cùng với các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng hiệu quả cho công trình. Chính vì vậy, các mốc tiến độ xây dựng theo hợp đồng hầu như hoàn thành so với mục tiêu đề ra.

Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, chính việc hoàn thành cơ bản lắp đặt cơ khí Nhà máy Đạm Cà Mau vào cuối tháng 8/2011 là một trong các mốc có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của dự án. “Để đạt đến mốc này chúng tôi đã phải trải qua và hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trước đó. Đó là hoàn thành công tác thiết kế, mua sắm, đặt hàng vận chuyển đến công trường, xử lý nền, xây dựng móng và kết cấu bên trên; lắp đặt kết cấu thép, lắp đặt thiết bị, gia công chế tạo và lắp đặt đường ống, thiết bị điều khiển… với khối lượng rất lớn và phức tạp”, Tiến sĩ Hùng bộc bạch.

Hơn thế nữa, việc Ban QLDA và Tổng thầu EPC cho tiến hành chạy thử song song xưởng urê và tạo hạt của nhà máy là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của dự án. Sản phẩm được tạo ra trong quá trình tạo hạt được đưa đi thí nghiệm, theo đánh giá thì sản phẩm được tạo ra ổn định và có chất lượng tốt. Sản phẩm đạm Cà Mau đã được khảo nghiệm tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau trong vụ hè thu 2011 và cho năng suất lúa khá cao với nhiều ưu thế vượt trội, được nông dân tín nhiệm tin dùng. Đối với các thiết bị trong quá trình chạy thử cũng cho thấy chạy ổn định và chất lượng.

Công tác vận hành nhà máy cũng được Ban QLDA và PVCFC thực hiện rất kỹ lưỡng. Một bộ phận nhân lực gồm 173 kỹ sư và 284 công nhân vận hành đã được tuyển dụng, đào tạo tại Trường cao đẳng nghề Dầu khí, đào tạo thực tế tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, đào tạo tại các nhà cung cấp thiết bị, nhà bản quyền công nghệ và đào tạo tại nhà máy đạm tương tự. Các nhân sự này đã được đưa về từ tháng 3/2011, vừa tham gia quá trình đào tạo tại chỗ, vừa tham gia giám sát, hỗ trợ nhà thầu để học hỏi thêm. Sau đó, họ được bố trí đi theo học hỏi, đào tạo trong quá trình vận hành thử Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngoài ra, lực lượng kỹ sư có nhiều kinh nghiệm, đã từng là trưởng ca, quản đốc, kỹ sư vận hành, bảo dưỡng từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang công tác tại Ban QLDA đã được sắp xếp vào các vị trí quan trọng trong sơ đồ tổ chức vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau.

Tự tin vươn tới

Với việc bắt đầu vận hành thương mại, cho ra sản phẩm phân đạm mang tính thị trường, Nhà máy Đạm Cà Mau đã tự tin điền tên tỉnh Cà Mau lên bản đồ sản xuất phân đạm trong nước ở vị trí hàng đầu. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, một trong những cơ sở cho việc toàn bộ nhà máy đi vào vận hành thương mại chính là quá trình chạy thử 312/342 thiết bị động, đạt 91,23%, nhà máy đã chạy thử các hệ thống phụ trợ như: cụm sản xuất nước demi, cụm sản xuất khí nén, khí điều khiển và nitơ, hệ thống bơm nước sông bổ sung, hệ thống nước làm mát… đã chạy thử thành công cụm cô đặc chân không và xưởng tạo hạt sản xuất ra sản phẩm urê hạt đục.

Được biết dự án Nhà máy Đạm Cà Mau là một trong các dự án thành phần của Cụm Dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau được xây dựng theo Quyết định đầu tư số 1218/QĐ-TTg ngày 10/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo đảm cung cấp ổn định phân đạm cho phát triển của đất nước đến năm 2025. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong chiến lược phát triển của ngành Dầu khí đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025.

Toàn cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau

Toàn cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau

Trên diện tích 62ha nằm trong Cụm Khí – Điện – Đạm, Nhà máy Đạm Cà Mau được khởi công xây dựng vào ngày 26/7/2008, với vị trí gần tuyến ống dẫn khí PM3-Cà Mau, gần thị trường tiêu thụ, giao thông thuận tiện (đặc biệt là giao thông đường thủy). Công trình cũng đáp ứng các yêu cầu về xây dựng và phát triển (quỹ đất, địa chất, thủy văn), khả năng cấp điện, cấp nước, giao thông phục vụ thi công thuận tiện, giảm thiểu tác động môi trường, chi phí xây dựng thấp nhất và hiệu quả khai thác sử dụng cao do chi phí đền bù di dân thấp, tập kết vật liệu thuận tiện.

Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn urê/năm với tổng mức đầu tư được duyệt là khoảng 780 triệu USD, trong đó giá trị hợp đồng EPC là 563 triệu USD. Công nghệ được sử dụng cho nhà máy là công nghệ tiên tiến được cung cấp bởi các nhà cung cấp bản quyền công nghệ có uy tín trên thế giới. Theo đó, công nghệ xây dựng nhà máy được lựa chọn: Công nghệ sản xuất a-mô-ni-ác của Haldor Topsoe (Đan Mạch), công nghệ sản xuất urê của SAIPEM (Italia), công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp (Nhật Bản). Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có nguồn gốc từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn phòng cháy chữa cháy của Việt Nam. Nhà máy Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu WEC – CMC (Trung Quốc) làm Tổng thầu EPC.

Nguồn khí thiên nhiên cung cấp cho nhà máy là khí từ lô PM3 – CAA, mỏ Cái Nước thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam thông qua đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau. Qua kết quả phân tích về cân đối cung – cầu khí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy nguồn cung cấp khí là ổn định và đáp ứng nhu cầu cho Nhà máy Đạm Cà Mau cũng như toàn bộ Cụm Khí – Điện – Đạm. Sản phẩm phân đạm chất lượng cao, dạng viên, a-mô-ni-ác, khí CO2 tinh khiết phục vụ đời sống, sản xuất công nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Nhà máy Đạm Cà Mau khi đi vào vận hành sẽ cùng với Nhà máy Đạm Phú Mỹ nâng tổng sản lượng phân đạm do Petrovietnam sản xuất lên 1.540.000 tấn/năm, đáp ứng phần lớn tổng nhu cầu phân đạm của cả nước, góp phần bình ổn giá đạm và an ninh phân bón, lương thực của cả nước.

Đòn bẩy cho vùng Đất Mũi

Theo đánh giá, mục tiêu lớn nhất của Cụm Khí – Điện – Đạm nói chung và Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng là đòn bẩy tạo đà để phát triển công nghiệp tỉnh Cà Mau và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững. Bởi vì sau khi các công trình này hoàn thành và đi vào hoạt động thì với những sản phẩm của Cụm Khí – Điện – Đạm sẽ làm thay đổi theo chiều hướng đi lên của kinh tế, đời sống Cà Mau và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp khác sử dụng nguồn khí áp thấp sản xuất các sản phẩm hóa học nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Công nghiệp địa phương cũng từ đó có thêm điều kiện phát triển.

Nói về ý nghĩa của Nhà máy Đạm Cà Mau và Cụm Khí – Điện – Đạm, ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho rằng, Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào vận hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ làm thay đổi bộ mặt của tỉnh mà còn đóng góp đáng kể vào bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nếu như năm 2005, cơ cấu công nghiệp xây dựng trong tổng sản phẩm của tỉnh chỉ chiếm 24% thì đến nay cơ cấu công nghiệp trong tổng sản phẩm của tỉnh đã tăng lên 39%. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp của Cà Mau trước đây chủ yếu là chế biến tôm xuất khẩu, nay đã thay thế bằng sản phẩm công nghiệp điện, khí, phân đạm.

Theo ông Mai Hữu Chinh, Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng và Cụm Khí – Điện – Đạm nói chung còn góp phần làm tăng giá trị sản phẩm, giúp tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, vươn lên mức thu nhập trung bình của cả nước. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người là 1.100USD. Ngân sách từ cụm công nghiệp này nộp cho tỉnh tăng dần qua các năm, gần bằng 50% số thu nội địa của tỉnh. Đến năm 2011 vừa qua, cụm công nghiệp này nộp cho tỉnh 1.295 tỉ đồng trên số thu nội địa 2.773 tỉ đồng, góp phần rất lớn trong quá trình tự cân đối ngân sách của tỉnh. Dự kiến sau năm 2015 số thu trên địa bàn tỉnh sẽ vượt nhu cầu chi và sẽ nộp về ngân sách Trung ương.

Có thể thấy rằng, Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn một vạn người trong thời gian xây dựng và khoảng 400 người trong giai đoạn vận hành. Đây sẽ là nơi tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cà Mau, là điểm đầu mối tác động rất lớn đến tác phong công nghiệp trong vận hành nền kinh tế của tỉnh và các tỉnh cực Nam. Trong quá trình xây dựng và hoạt động, cụm công nghiệp này đã hỗ trợ các chương trình phúc lợi cho địa phương hàng trăm tỉ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp đáng lý ra ngân sách địa phương phải đầu tư.

Một điều đáng vững tin vào sứ mạng lớn của Nhà máy Đạm Cà Mau khi ra đời ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa, vựa cây ăn trái và hoa màu lớn nhất nước ta. Hơn nữa, đây còn là vùng đất kề cận Campuchia, Thái Lan – những quốc gia nằm trong lưu vực sông Mê Kông, chuyên canh tác nông nghiệp. Điều này mang đến một hy vọng sớm trở thành hiện thực với việc xuất khẩu phân đạm urê hạt đục mang thương hiệu “Đạm Cà Mau” sang các nước sẽ có nhiều thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sông và đường biển…

PetroTimes - Xuân Nhâm Thìn 2012

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nha-may-dam-ca-mau-diem-sang-vung-dat-mui-721046-721046.html
Zalo