Thư viện sách điện tử: Cơ hội và thách thức

Cùng với hệ thống thư viện trên cả nước chuyển đổi số, phát triển văn hóa đọc thì các đơn vị tư nhân cũng đã và đang mở rộng các hình thức sách điện tử, trở thành những thư viện sách điện tử ngày một phong phú, hấp dẫn, tiện ích cho độc giả ở khắp mọi nơi. Thư viện sách điện tử đang mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị thực hiện cũng như độc giả nhưng bên cạnh đó hình thức hoạt động này cũng gặp không ít khó khăn thách thức.

Nhiều cơ hội

Cuộc sống hiện đại đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực, từ việc làm việc, chăm sóc gia đình đến những hoạt động giải trí và thư giãn. Trong bối cảnh ấy, việc dành thời gian để đọc sách trở nên eo hẹp đối với nhiều người. Với người đọc, việc sở hữu và mang theo một cuốn sách truyền thống đôi khi không thuận tiện, trong khi việc sử dụng các thiết bị di động để đọc hoặc nghe sách trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Với sự phát triển của công nghệ, việc sản xuất và phân phối sách điện tử và sách nói đã trở thành xu hướng không thể phủ nhận.

Việt Nam đã chứng kiến sự mở rộng của mạng 4G và 5G, cung cấp tốc độ kết nối nhanh hơn, ổn định hơn và cơ hội tiếp cận nội dung trực tuyến đa dạng. Theo dữ liệu từ GSMA Intelligence, vào đầu năm 2023, Việt Nam có 161,6 triệu kết nối di động. Do đó, không có gì lạ khi số liệu kết nối di động vượt quá đáng kể so với tổng số dân số. Theo số liệu của GSMA Intelligence, tỷ lệ này tương đương với 164,0% tổng dân số vào tháng 1 năm 2023. Số lượng kết nối di động tại Việt Nam cũng tăng thêm 4,7 triệu (+3,0%) từ năm 2022 đến năm 2023.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, số lượng xuất bản phẩm điện tử ước đạt con số 3.200, với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so năm 2021. Đại diện đơn vị sách nói Bookas cho rằng: Lựa chọn và phát triển hoạt động phát hành, cung cấp sách theo xu hướng điện tử là một tất yếu phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng của thời đại. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng nói chung mà còn giúp tạo ra một cộng đồng độc giả sáng tạo và hứng thú với việc học hỏi và tiếp cận tri thức.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những lợi ích của sách điện tử trên các thư viện số, đó là dễ dàng tìm kiếm đối với độc giả ở mọi không gian, thời gian. Người đọc có thể đọc mọi lúc mọi nơi, không bị phụ thuộc thời gian đóng, mở khi mượn- trả sách hoặc thanh toán phí.

Việc chuyển đối số cho sách còn tạo ra nhiều phiên bản sách hấp dẫn như sách nói, sách có hình ảnh minh họa tích kèm giọng đọc truyền cảm, dễ nghe, dễ liên tưởng…tăng cơ hội tiếp nhận dễ dàng thuận lợi cũng như cảm xúc cho độc giả. Từ đó độc giả tăng đọc sách, lan tỏa giá trị cũng như tình yêu sách đến đông đảo hơn, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Còn non trẻ và không ít khó khăn

Bên cạnh những ưu điểm của các phiên bản sách điện tử trên nền tảng internet thì dòng sách này cho đến nay vẫn còn một số khó khăn.

Theo đại diện của đơn vị phát hành sách nói Bookas cho rằng: Không ít người Việt Nam đến nay vẫn duy trì thói quen truyền thống đọc sách giấy, chưa sẵn sàng tiếp cận với hình thức sách nói và các phiên bản sách điện tử nói chung. Từ đó dẫn đến sự dè dặt trong việc thử nghiệm hình thức này.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất sách nói (bao gồm biên tập nội dung, thu âm, xử lý âm thanh) cao, nhưng số lượng người dùng vẫn chưa đủ lớn để tạo doanh thu bù đắp. Cùng với đó, độc giả có nhiều lựa chọn thay thế, sự xuất hiện của các nền tảng giải trí khác như video, podcast, audiobook quốc tế làm giảm sự chú ý của người dùng đối với sách nói nói riêng cũng như các phiên bản sách điện tử nói chung. Sự cạnh tranh từ nền tảng quốc tế cũng là một trong những trở ngại, khi các nền tảng này có kho nội dung phong phú và chất lượng cao đang dần thâm nhập vào thị trường Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn.

Một khó khăn nan giải nữa là vấn đề xâm phạm bản quyền. Nhiều tác phẩm sách nói, sách điện tử bị sao chép và phân phối trái phép trên các nền tảng trực tuyến, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và tác giả. Trong khi đó, một số người dùng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc dùng sách điện tử có bản quyền, dẫn đến việc sử dụng các nguồn miễn phí, trả phí rất thấp hoặc không chính thức.

Sự phát triển chưa đồng đều về công nghệ và hạ tầng ở một số vùng miền cũng làm giảm khả năng tiếp cận sách điện tử của người dân. Người dùng ở khu vực nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong việc truy cập và tải sách điện tử do hạn chế về mạng internet.

Là đơn vị chuyên về sách nói, để khắc phục những khó khăn kể trên trong thời gian tới, đại diện Bookas cho rằng sẽ đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, giới thiệu lợi ích của sách nói để thay đổi thói quen của người dùng. Cùng với đó sẽ sử dụng công nghệ AI để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện chất lượng giọng đọc và âm thanh. Mở rộng các thể loại sách để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng hơn. Ký kết với các tác giả, nhà xuất bản uy tín, đồng thời áp dụng công nghệ bảo vệ bản quyền chặt chẽ. Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ người dùng bằng cách tăng cường các chính sách ưu đãi, trải nghiệm miễn phí để thu hút người dùng mới, đặc biệt là ở các khu vực chưa tiếp cận nhiều với sách nói.

Hà Anh

* Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thu-vien-sach-dien-tu-co-hoi-va-thach-thuc-20241124111810811.htm
Zalo