Nhà lãnh đạo luôn tận hiến, hết mình vì dân

Bác sĩ Trần Duy Hưng được nhiều thế hệ người Hà Nội nhớ đến không chỉ bởi là vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố đầu tiên, người đảm nhận cương vị này lâu nhất trong lịch sử chính quyền thành phố, mà còn bởi tài năng và đức độ của một người lãnh đạo gần dân, yêu dân.

Giữ chức Chủ tịch thành phố khi mới 33 tuổi

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16-1-1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tiếp thu truyền thống gia đình, từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ lòng yêu nước. Ông học Trường Đại học Y Hà Nội cùng lứa với những tên tuổi ngành Y sau này như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ...

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Trần Duy Hưng mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm. Không chỉ nổi tiếng về chuyên môn, ông còn được người dân Hà Nội thời đó yêu quý bởi tấm lòng đức độ, sẵn sàng cưu mang, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Cũng chính tại cơ sở chữa bệnh của mình, ông đã cứu chữa, che chở nhiều cán bộ Việt Minh khỏi vòng vây của mật thám. Lòng yêu nước của bác sĩ Trần Duy Hưng ngày càng sâu sắc, trở thành hành động khi ông tự nguyện trở thành cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám.

Theo "Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội", ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 30-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động đến thăm bác sĩ Trần Duy Hưng tại phòng khám và cũng là nơi ở của gia đình ông. Người trao cho ông trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, khi ấy ông mới 33 tuổi. Ông Trần Tiến Đức - con thứ hai của bác sĩ Trần Duy Hưng cho biết, Bác Hồ rất sáng suốt khi chọn những người có uy tín trong xã hội tham gia Chính phủ mới, mà cha ông là một trong số đó.

Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được minh chứng theo thời gian. Với uy tín của mình, bác sĩ Trần Duy Hưng đã vận động, quy tụ được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân sĩ, trí thức, các nhà tư sản yêu nước tham gia vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đã giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách, như ổn định nhân tâm, đoàn kết nhân dân, xây dựng chính quyền các cấp từ thành phố xuống huyện, xã, khu phố; thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần...

Trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên của dân tộc ta, bác sĩ Trần Duy Hưng được Mặt trận Việt Minh giới thiệu ứng cử tại Hà Nội và đã trúng cử.

Bước vào giai đoạn Toàn quốc kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng lên Chiến khu Việt Bắc và được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế. Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, ngày 10-10-1954, ông trở về tiếp quản Thủ đô với trọng trách Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính. Đến ngày 4-11-1954, bác sĩ Trần Duy Hưng được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố và đảm nhiệm cương vị này cho đến năm 1977.

Một con người của nhân dân, vì nhân dân

Sinh ra đúng năm Thủ đô giải phóng, ông Trần Chiến Thắng là con út của bác sĩ Trần Duy Hưng. Chia sẻ với phóng viên Hànôịmới, điều nổi bật mà ông Thắng thấy ở cha mình là lối sống giản dị, liêm khiết, gần dân, luôn tận tụy vì dân. Ông kể, tất cả các công văn, diễn văn, thư từ, điện tín đều do đích thân cha mình soạn thảo. “Cha tôi tự lái xe đi khắp nơi giải quyết công việc... Mùa hè cha tôi thường vận áo sơ mi ngắn tay và quần soóc. Nhiều lần đi cùng ông tới thăm bà con nông dân, tôi mới biết ông giữ lối ăn mặc như thế bởi ông sẵn sàng lội đồng cùng bà con nông dân”. Ông Thắng chia sẻ thêm rằng, bác sĩ Trần Duy Hưng có một cuốn sổ ghi lại những cuộc gặp gỡ với người dân và nguyện vọng của họ với ký hiệu đánh dấu các trường hợp đã hoặc chưa giải quyết.

Những ngày Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, Chủ tịch Trần Duy Hưng nhiều lần trực tiếp giúp các y tá, bác sĩ băng bó cho những người bị thương. “Cha tôi nói, nhiều người khác có thể làm điều đó, nhưng nhìn cha làm, người dân sẽ bớt bị hoảng loạn. Vào lúc cùng cực nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ở bên cạnh mình” - ông Thắng nhớ lại.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bác sĩ Trần Duy Hưng là một trong những nhà lãnh đạo dám đột phá khi đề ra một số chủ trương như cho tư nhân sản xuất một số mặt hàng thiết yếu đang khan hiếm do điều kiện chiến tranh; xây dựng khu tập thể lắp ghép 2 tầng; xây dựng khu công nghiệp Cao - Xà - Lá... và đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch Thủ đô.

“Phải giữ lấy cốt cách, còn sống ngày nào thì phải đàng hoàng và cống hiến hết mình ngày ấy”, từ phương châm đó, theo ông Trần Chiến Thắng, cha ông đã động viên hai con nhập ngũ: “Các con phải thấy được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự to lớn của mỗi người dân, bất kể là ai”. Hai người con của bác sĩ Trần Duy Hưng là Trần Thắng Lợi và Trần Chiến Thắng đã tình nguyện nhập ngũ. Trong nhóm hiện vật “Đơn tình nguyện của cán bộ, viên chức, sinh viên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu” của Bảo tàng Chiến thắng B52, lá thư mang số hiệu lưu trữ 135 G - 65 được đồng chí Trần Duy Hưng viết tay đề ngày 16-4-1965 gửi tới Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thủ đô đơn xin nhập ngũ của hai con trai.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét, đồng chí Trần Duy Hưng là “một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.

Luôn tận hiến, hết mình cho Thủ đô, gương mẫu để người dân tin yêu và làm theo; giản dị, gần dân để lắng nghe được tiếng nói từ các nẻo khuất nhất của cuộc sống và đưa ra các quyết định sáng suốt nhất..., đó là những phẩm chất tạo nên hình ảnh thân thuộc của vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội. Như nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã bày tỏ về người tiền nhiệm của mình: “Nhân dân Hà Nội luôn nhớ tới ông. Chúng tôi - những người kế thừa sứ mệnh mà ông để lại - luôn tự hào về một vị Chủ tịch giàu lòng nhân ái, từng có nhiều năm hy sinh cho Thủ đô”.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nha-lanh-dao-luon-tan-hien-het-minh-vi-dan-680833.html
Zalo