Công tác chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 qua hồ sơ lưu trữ

Sau khi hòa bình được củng cố ở miền Bắc, Đảng, Chính phủ, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội tiếp tục một cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương và chính sách lớn nhằm: đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh để củng cố nền hòa bình, phục hồi và nâng cao sản xuất, tǎng cường xây dựng lực lượng quân đội, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trên toàn quốc.

 Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải) và Bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái) chỉ huy nghi lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, ngày 10/10/1954. Nguồn: TTXVN.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải) và Bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái) chỉ huy nghi lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, ngày 10/10/1954. Nguồn: TTXVN.

Vừa đấu tranh, vừa chuẩn bị cho ngày tiếp quản

Đồng thời, Đảng, Chính phủ còn lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta thực hiện một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng đó là tiếp quản các thành thị và vùng nông thôn mới giải phóng, phục hồi trật tự cách mạng, cải tổ, xây dựng bộ máy chính quyền của nhân dân...

Riêng đối với Hà Nội, Đảng, Chính phủ nhận định việc tiếp quản Thủ đô có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các khu tập kết, đến các hoạt động đấu tranh ngoại giao, đấu chính trị trong khuôn khổ pháp lý Hiệp định Genève của nhân dân ta.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, công tác chuẩn bị cho tiếp quản Hà Nội lại gặp không ít khó khăn, bởi theo quy định của Hiệp định Genève, Hà Nội đang nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của Quân đội Pháp.

Để tránh quân Pháp lợi dụng thời gian tập kết để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, làm cho Hà Nội trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, Đảng, Chính phủ đã chủ động đề phòng, đấu tranh quyết liệt với địch, ra sức bảo vệ máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu, đồng thời, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.

 Trang 1 Quyết định số 01/QĐ của Ủy ban Quân chính Hà Nội về nguyên tắc tổ chức bộ máy tiếp quản của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội. Nguồn: TTLTQGIII, Phông Bộ Nội vụ, Hồ sơ 3276, tờ 219.

Trang 1 Quyết định số 01/QĐ của Ủy ban Quân chính Hà Nội về nguyên tắc tổ chức bộ máy tiếp quản của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội. Nguồn: TTLTQGIII, Phông Bộ Nội vụ, Hồ sơ 3276, tờ 219.

Hội nghị quân sự Trung Giã (họp theo quyết định của Hội nghị Genève về Đông Dương từ ngày 04/7/1954 - 27/7/1954), giữa đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Việt Nam và đại diện Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp, đã bàn bạc và đề xuất những biện pháp thực hiện các vấn đề quân sự được thỏa thuận tại Hội nghị Genève, giải quyết những vấn đề khác do tình hình cụ thể tại chỗ đặt ra (thực hiện ngừng bắn, trao trả tù binh, điều chỉnh khu vực tập kết quân đội...).

Trong khuôn khổ hội nghị này phía ta đã chủ động yêu cầu phía Pháp phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hoạt động công cộng được diễn ra bình thường sau khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội, bên cạnh việc kịp thời bổ sung, tăng cường lực lượng quân sự, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu tham gia trực tiếp lãnh đạo công tác tiếp quản.

Ngày 29/8/1954, Trung ương ra Nghị quyết số 145 về tăng cường Thành ủy Hà Nội. Nghị quyết đã bổ sung thêm các đồng chí Trần Danh Thuyên, Vương Thừa Vũ, Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng vào Thành ủy Hà Nội.

Ngày 06/9/1954, Trung ương ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản. Đảng ủy tiếp quản chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn bộ các mặt quân sự, hành chính, kinh tế - văn hóa, xã hội và trật tự an ninh trong thành phố.

Kiện toàn bộ máy tiếp quản

Trong 02 ngày (11/9 - 12/9/1954), Hội đồng Chính phủ đã tiến hành họp bàn về vấn đề thực hiện đình chiến, tiếp quản Thủ đô và một số vấn đề nội vụ. Hội đồng Chính phủ đã ra quyết nghị về vấn đề tiếp quản Thủ đô, thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội bên cạnh Ủy ban Quân chính; giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu quyền hạn, nhiệm vụ, đồng thời phân biệt giữa hai ủy ban và chuẩn bị danh sách hai ủy ban này trình Chính phủ. Hội đồng Chính phủ quyết nghị đổi tên Ủy ban Kháng chiến Hành chính các cấp thành Ủy ban Hành chính.

Ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội, do đồng chí Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, các đồng chí Trần Danh Tuyên, Trần Duy Hưng là Phó chủ tịch. Hội đồng Chính phủ cũng chỉ rõ: Trong thời kỳ tiếp quản, Ủy ban Quân chính Hà Nội là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hà Nội, thống nhất quyền lãnh đạo đối với các ngành hoạt động. Mọi chỉ thị của Chính phủ và các Bộ đều gửi cho Ủy ban Quân chính. Mọi mệnh lệnh công bố do Ủy ban Quân chính đưa ra. Ủy ban Quân chính phải thi hành đúng chế độ báo cáo chính trị.

Để ổn định lòng dân, phục hồi trật tự cách mạng, phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra trong việc tiếp quản Hà Nội và các đô thị mới giải phóng, ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ đã thông báo “Tám chính sách lớn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với các thành phố mới giải phóng” và “Mười điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng” do Phủ Thủ tướng ban hành.

 Tám chính sách lớn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn: TTLTQGIII, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ 97, tờ 14-18.

Tám chính sách lớn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguồn: TTLTQGIII, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ 97, tờ 14-18.

Tám chính sách lớn của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm:

1. Bảo hộ tính mệnh, tài sản của toàn thể nhân dân trong thành phố;

2. Bảo hộ công thương nghiệp;

3. Tiếp thu và quản lý xí nghiệp, công sở của Chính phủ Pháp và Bảo Đại;

4. Bảo hộ trường học, nhà thương, cơ quan văn hóa, giáo dục;

5. Những viên chức trong cơ quan chính quyền Pháp và Bảo Đại đều được tuyển dụng theo tài năng;

6. Những quân lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại còn ở lại trong vùng giải phóng sau khi đến ghi tên đều có thể được giúp đỡ về quê quán hoặc được tuyển dụng tùy theo năng lực;

7. Bảo hộ tài sản của ngoại kiều;

8. Thực hiện tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Mười điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng, gồm:

1. Tất cả bộ đội, cán bộ nhân viên vào công tác ở thành phố mới giải phóng đều phải có giấy ủy nhiệm;

2. Cấm ngặt việc phá hoại các tài sản và kiến trúc công cộng trong thành phố;

3. Không được tự ý bắt bớ, trừ những trường hợp đối với những kẻ cầm vũ khí chống lại Chính phủ và những kẻ đang có hành động phá hoại;

 Biên bản ghi Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ ngày 03.11 - 04.11.1954 về việc thành lập UBHC Hà Nội. Nguồn: TTLTQGIII, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 99, tờ 2.

Biên bản ghi Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ ngày 03.11 - 04.11.1954 về việc thành lập UBHC Hà Nội. Nguồn: TTLTQGIII, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 99, tờ 2.

4. Tất cả mọi tài sản, tiền bạc, vật dụng tiếp thu của chính quyền Pháp và Bảo Đại đều phải nộp vào của công, không được tự ý lấy dùng hoặc phân phát cho người khác;

5. Đối với nhân dân, phải thân mật, hòa nhã, không được hống hách, cưỡng bách, mệnh lệnh;

6. Không được tự tiện vào nhà dân và cửa hiệu để khám xét và ở trọ;

7. Mua bán phải công bằng, không được phạm đến cái kim sợi chỉ của nhân dân. Nghiêm cấm ăn hối lộ;

8. Không được tự ý chiếm đoạt và chiếm giữ nhà cửa công cộng và tự ý khuân dọn đồ đạc, dụng cụ công cộng từ nơi này qua nơi khác;

9. Khi mới vào thành phố, không được tự ý mua hàng;

10. Không được say rượu, đánh bạc, không được chơi bời trụy lạc.

Từ chính quyền quân chính sang dân chính

Nhằm đảm bảo việc tiếp thu và quản lý tất cả các cơ quan các cấp của chính quyền Pháp và Bảo Đại, ngày 09/10/1954, Ủy ban Quân chính Thủ đô ra quyết định số 01/QĐ về nguyên tắc tổ chức bộ máy tiếp quản của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.

Về nguyên tắc: Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội lãnh đạo trực tiếp việc tiếp quản các ngành, mỗi ngành do 1 ban phụ trách lãnh đạo tiếp quản, việc phối hợp điều hòa công tác tiếp quản của các ngành trong một khối do các ban phụ trách.

Về tổ chức bộ máy: Ủy ban Quân chính bao gồm:

- Sở Tư lệnh khu Hà Nội.

- Các ban và các sở:

+ Ban Nội chính có: Sở Công an, Sở Tư pháp.

+ Ban Tài chính có: Sở Tài chính, Sở thuế, Sở Kho thóc, Sở Kho bạc, Sở địa chính, Sở Trước bạ điền thổ, Sở Mậu dịch, Sở Ngân hàng, Sở Canh nông, Sở Lao động.

+ Ban Xí nghiệp công ích có: Sở Hỏa xa, Sở Bưu điện, Sở Giao thông, Sở Công thương, Sở Công vụ.

+ Ban Tuyên văn xã có Sở Tuyên truyền, Đài Phát thanh, Tờ báo Tin tức, Nhà in Quốc gia, Ban Tiếp quản ngành Giáo dục, Ban Tiếp quản ngành Y tế.

- Văn phòng Ủy ban Quân chính gồm các bộ phận trực thuộc Ủy ban Quân chính: Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Quản lý và Phân phối tài sản, Phòng Ngoại kiều, Ban Kiểm tra, Ban Cung cấp.

 Sơ đồ tổ chức Ủy ban Hành chính Hà Nội năm 1954. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ lịch sử Hà Nội, Phông UBHC Hà Nội, SLT 09.

Sơ đồ tổ chức Ủy ban Hành chính Hà Nội năm 1954. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ lịch sử Hà Nội, Phông UBHC Hà Nội, SLT 09.

Trong thời gian tiếp quản Thủ đô, Ủy ban Quân chính được thiết lập đã nhanh chóng thực thi chức năng nhiệm vụ của mình, duy trì trật tự, ổn định và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để hành chính hóa hoạt động quản lý đô thị Hà Nội.

Sau gần 2 tháng kể từ ngày tiếp quản, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương chuyển dần bộ máy chính quyền thành phố từ cơ quan quân chính sang dân chính.

Ngày 3/11 - 4/11/1954, Hội đồng Chính phủ đã họp và bàn nhiều vấn đề quan trọng, đồng thời ra quyết nghị thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội, gồm 6 Ủy viên:

- Ông Trần Duy Hưng: Chủ tịch UBHC.

- Ông Trần Danh Tuyên: Phó Chủ tịch.

- Ông Khuất Duy Tiến: Ủy viên.

- Ông Trần Văn Lai: Ủy viên.

- Ông Lê Quốc Thân: Ủy viên.

- Ông Hà Kế Tấn: Ủy viên.

Với việc thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội, hoạt động của Ủy ban Quân chính thu hẹp, giảm dần. Ủy ban Hành chính dần thực hiện chức năng quản lý thành phố, Ủy ban Quân chính chuyển dần thành cơ quan quân sự có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng và Chính phủ, mọi hoạt động của thành phố vẫn được duy trì; trật tự trị an vẫn được bảo đảm trong quá trình thực thi Hiệp định Genève và chuẩn bị đón quân cách mạng vào tiếp quản Thủ đô.

Với việc thành lập bộ máy tiếp quản Thủ đô, kiện toàn dần bộ máy chính quyền từ quân chính sang dân chính, Hà Nội đã khôi phục và xây dựng các công tác, thực hiện những cải cách xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân, cải tổ, thiết lập, vận hành bộ máy chính quyền quản lý, xây dựng thành phố thành trung tâm chính trị, hành chính của đất nước.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-tac-chuan-bi-cho-ngay-tiep-quan-thu-do-nam-1954-qua-ho-so-luu-tru-post1502939.html
Zalo