Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở 'Người đi dép cao su' của nhà văn nổi tiếng người Algeria

Ngày 15/2, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công dàn dựng vở diễn 'Người đi dép cao su' của nhà văn người Algeria, Kateb Yacine. Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam - Abdelhamid Boubazine cùng đông đảo nghệ sỹ, diễn viên.

Ra mắt ê-kíp thực hiện vở diễn.

Ra mắt ê-kíp thực hiện vở diễn.

Được sự kết nối từ Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tháng 4/2021, ông Mohamed Berrah - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2019-2021) đến thăm và làm việc với Nhà hát Kịch Việt Nam. Tại buổi gặp mặt này, Đại sứ đã trao tặng Nhà hát Kịch Việt Nam tác phẩm kịch thơ “Người đi dép cao su” của các giả nổi tiếng người Algeria - Kateb Yacine và mong muốn sẽ phối hợp dàn dựng vở kịch này để chào mừng 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Algeria, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị vốn có giữa hai nước.

Kateb Yacine là nhà văn Algeria (1929 - 1989) sống nhiều năm ở Pháp, ông là người sáng tác thơ, viết tiểu thuyết và kịch. Năm 1967, Kateb Yacine đến Việt Nam, những điều tai nghe mắt thấy về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống giải phóng dân tộc trên đất nước Việt Nam… đã thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử, con người và vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta. Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Từ đó, kịch thơ “Người đi dép cao su” đã ra đời. Vở kịch này đã được dàn dựng và biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu thế giới trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX nhưng chưa từng được dàn dựng ở Việt Nam.

Tập kịch thơ “Người đi dép cao su” gồm 8 hồi với khoảng 150 nhân vật có lời thoại. Nội dung vở kịch trải dài theo trật tự thời gian của tiến trình lịch sử đất nước Việt Nam, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau Công nguyên), trải qua các cuộc đấu tranh gìn giữ đất nước qua các thời kỳ, đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Đan kết vào trục chính ấy là các hành động kịch diễn ra ở các nước như Pháp, Mỹ, Trung Quốc... và nhiều nước khác trên thế giới. Tác phẩm là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu qua nhiều tuyến nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản nguyên tác “Người đi dép cao su” của tác giả Kateb Yacine có 1.800 lời thoại, được Tiến sỹ - Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng biên tập ngắn gọn và súc tích với mong muốn khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc với những chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới góc nhìn của một nhà văn người nước ngoài. Vở diễn do Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật, với sự tham gia của ê kíp gồm các nghệ sỹ nổi tiếng như họa sỹ - Nghệ sỹ Ưu tú Doãn Bằng, biên đạo múa – Nghệ sỹ Nhân dân Kiều Lê, cùng các nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà hát Kịch Việt Nam như Nguyễn Minh Hải, Khuất Quỳnh Hoa, Trịnh Mai Nguyên, Tạ Tuấn Minh, Hoàng Lâm Tùng…

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nhìn một cách tổng quan và sâu rộng, “Người đi dép cao su” của tác giả nổi tiếng người Algeria Kateb Yacine không đơn thuần chỉ là một tác phẩm kịch thơ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là một bản trường ca, khắc họa sống động hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; ngợi ca tinh thần chiến đấy kiên cường, anh dũng để bảo vệ, giữ vững nền độc lập hôm qua, hôm nay và cho đến mai sau.

Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc chia sẻ, sự kiện khởi công dàn dựng vở diễn “Người đi dép cao su” là cột mốc đánh dấu sự hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam trong việc dàn dựng các tác phẩm sân khấu, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên phương diện nghệ thuật, giúp gắn bó và nâng cao đời sống tinh thần, đưa kịch nói Việt Nam đến gần hơn với khán giả yêu mến nghệ thuật sân khấu trên toàn thế giới.

Bài và ảnh: Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/nha-hat-kich-viet-nam-dung-vo-nguoi-di-dep-cao-su-cua-nha-van-noi-tieng-nguoi-algeria-20230215170140004.htm
Zalo