Nhà hát kịch Việt Nam công diễn vở kịch 'Bệnh sĩ' tại Thái Nguyên

Một vở hài kịch nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ mang tên 'Bệnh sĩ' được Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức công diễn tại Thành phố Thái Nguyên.

“Bệnh sĩ” là vở kịch có nội dung phê phán tính khoác lác, phô trương, háo danh, ham thành tích - những biểu hiện nổi cộm của thói sĩ diện mà Lưu Quang Vũ gọi là bệnh sĩ.

Mong muốn của ông Toàn Nha - nhân vật chủ tịch xã chính là: ai ai cũng ao ước “Sáng mai ngủ dậy được là người Hùng Tâm”.

 “Bệnh sĩ” là một trong những vở hài kịch đặc sắc làm nên tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

“Bệnh sĩ” là một trong những vở hài kịch đặc sắc làm nên tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

“Bệnh sĩ” vẽ nên một bức tranh nông thôn thời kì đầu đổi mới, những căn bệnh thành tích, háo danh dẫn đến thói sĩ diện, rởm đời và cao hơn là căn bệnh dối trá, thiếu trung thực ngày càng lan rộng trong xã hội.

Sau gần 3 thập kỷ, những vấn đề đặt ra trong “Bệnh sĩ” vẫn mang tính thời sự, thậm chí người xem còn cảm thấy Lưu Quang Vũ đang viết về đời sống hôm nay, với những thông điệp sâu sắc mang tính dự báo và tính xã hội được phản ánh một cách chân thực.

Vở kịch với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng: NSƯT Xuân Bắc, NSND Việt Thắng, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Đình Chiến, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Dũng Nam, Hồ Liên... cùng các nghệ sĩ trẻ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả Thái Nguyên một sân khấu bùng nổ và ngập tràn tiếng cười.

Lưu Quang Vũ sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc lại ở quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh, và tuổi thơ sống tại Phú Thọ cùng cha mẹ. Khi hòa bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.

N.T (t/h)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-hat-kich-viet-nam-cong-dien-vo-kich-benh-si-tai-thai-nguyen-post258657.html
Zalo