Nhà hàng Nhật treo biển cấm khách Trung Quốc vì 'thô lỗ', cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt

Một nhà hàng chuyên đồ nướng tại Osaka, Nhật Bản đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khi treo bảng thông báo trước cửa, từ chối phục vụ khách Trung Quốc vì lý do 'nhiều người cư xử thô lỗ'. Vụ việc khiến dư luận quốc tế chỉ trích nặng nề, đồng thời khơi lại tranh cãi về mối quan hệ căng thẳng giữa du khách Trung Quốc và một bộ phận người Nhật.

Theo thông tin từ mạng xã hội, tấm biển xuất hiện tại nhà hàng Hayashin, tọa lạc tại thành phố Osaka, được phát hiện vào ngày 10/5. Nội dung được viết bằng tiếng Trung giản thể, ghi rõ: “Không tiếp khách Trung Quốc, vì nhiều người trong số họ thô lỗ”.

Hiện vẫn chưa rõ điều gì khiến nhà hàng đưa ra quyết định gây tranh cãi như vậy, song đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp tại Nhật bị tố phân biệt đối xử với người Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2023, một nhà hàng Trung Quốc tại Tokyo bị một influencer tố cáo sau khi phát hiện tấm biển cấm người Trung Quốc ngay trước cửa. Thậm chí, biển còn có dòng chữ bằng tiếng Nhật với nội dung: “Biện pháp ngăn chặn virus Trung Quốc”.

Biển còn có dòng chữ bằng tiếng Nhật với nội dung: “Biện pháp ngăn chặn virus Trung Quốc”. (Ảnh: X)

Biển còn có dòng chữ bằng tiếng Nhật với nội dung: “Biện pháp ngăn chặn virus Trung Quốc”. (Ảnh: X)

Vụ việc khi ấy đã khiến người tố cáo bị đuổi khỏi nhà hàng ngay sau khi lên tiếng. Cũng trong năm ngoái, một nhà hàng khác ở Tokyo đăng bài trên mạng xã hội tuyên bố cấm cả du khách Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi một số người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ động thái của nhà hàng tại Osaka, cho rằng đây là “quyền tự vệ văn hóa”, thì phần lớn cộng đồng mạng, đặc biệt là người Trung Quốc, bày tỏ phẫn nộ.

“Một nhà hàng treo bảng như vậy còn thô lỗ hơn cả những vị khách mà họ chỉ trích,” một người bình luận. Một ý kiến khác cho rằng: “Việc lợi dụng tinh thần dân tộc để kinh doanh rẻ tiền là điều không thể chấp nhận.”

Tuy vậy, cũng có một số người Trung Quốc đồng tình với nhà hàng, cho rằng chính hành vi thiếu ý thức của một số đồng hương đã làm xấu hình ảnh chung. “Nếu bạn muốn phàn nàn, hãy nói với chính những người cư xử tồi tệ,” một người viết.

Trong khi một số người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ động thái của nhà hàng tại Osaka, cho rằng đây là “quyền tự vệ văn hóa”, thì phần lớn cộng đồng mạng, đặc biệt là người Trung Quốc, bày tỏ phẫn nộ. (Ảnh: Shutterstock)

Trong khi một số người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ động thái của nhà hàng tại Osaka, cho rằng đây là “quyền tự vệ văn hóa”, thì phần lớn cộng đồng mạng, đặc biệt là người Trung Quốc, bày tỏ phẫn nộ. (Ảnh: Shutterstock)

Thời gian qua, truyền thông Nhật Bản từng đưa tin về một số vụ việc du khách Trung Quốc bị chỉ trích vì hành vi thiếu tôn trọng quy tắc công cộng, khiến chủ đề “du lịch quá mức” (overtourism) trở thành tâm điểm tranh luận. Trong đó có trường hợp influencer Trung Quốc ăn ngấu nghiến hải sản đắt tiền tại buffet, hai phụ nữ nằm giữa đường cao tốc để chụp ảnh, hay du khách Đài Loan lắc mạnh cành hoa anh đào để tạo hiệu ứng “lãng mạn” cho bức ảnh.

Không ít influencer Nhật đã tận dụng trào lưu này để tăng lượng người theo dõi, bằng cách đăng tải video đối đầu hoặc chỉ trích du khách Trung Quốc.

Theo luật pháp Nhật Bản, các cơ sở kinh doanh có thể từ chối phục vụ khách không nói tiếng Nhật vì lý do ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc từ chối phục vụ dựa trên quốc tịch hoặc sắc tộc được xem là vi phạm hiến pháp, trong đó bảo vệ nguyên tắc bình đẳng.

Năm 2024, Nhật Bản đón hơn 36,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 47,1% so với năm trước và vượt kỷ lục cũ được thiết lập vào năm 2019. Trong số này, du khách Hàn Quốc chiếm 23,8%, còn Trung Quốc đứng thứ hai với 18,9%.

Khi Nhật Bản ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của du khách toàn cầu, các vấn đề liên quan đến ứng xử văn hóa và phân biệt đối xử càng trở nên phức tạp. Vụ việc lần này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường du lịch công bằng, an toàn và tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

Ngọc Bảo (Theo SCMP)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/nha-hang-nhat-treo-bien-cam-khach-trung-quoc-vi-tho-lo-cong-dong-quoc-te-phan-ung-gay-gat-15883.html
Zalo