Nhà hầm, địa đạo – nét đặc sắc của nhà cổ Sơn Tây, Trung Quốc

Nằm trên cao nguyên Hoàng Thổ với hơn 80% diện tích là đồi núi, nhà hầm (hay nhà hang) là kiểu kiến trúc khá phổ biến ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc.

Là một trong những nền văn minh cổ đại trên thế giới, mỗi vùng đất ở Trung Quốc đều mang những dấu ấn đặc sắc. Tỉnh Sơn Tây, nơi có Hoàng Hà – con sông dài thứ hai nước này, được mệnh danh là “dòng sông mẹ” và cái nôi của văn minh Trung Hoa – chảy qua, là một nơi giàu truyền thống cùng các giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo.

Những ngôi nhà cheo leo trên sườn núi ở làng Lý Gia Sơn

Những ngôi nhà cheo leo trên sườn núi ở làng Lý Gia Sơn

Do hơn 80% diện tích của tỉnh là đồi núi, nhà hầm (hay nhà hang) là điều không hiếm gặp ở vùng đất này.

Lữ Lương nằm ở phía Tây tỉnh Sơn Tây. Toàn bộ vùng đất này thuộc lưu vực Hoàng Hà. Diện tích vùng núi và bán sơn địa tại đây chiếm tới 91,8%, độ cao trung bình 1.000 - 2.000 mét.

Nhà hầm là hình thức sinh sống cổ xưa của những người dân trên cao nguyên Hoàng Thổ. Ở đây, tầng đất rất dày, có nơi lên tới vài chục mét, vì vậy người dân đã tận dụng địa hình đồi núi, đào sâu vào lòng đất và tạo ra những ngôi nhà như hầm và hang.

Ngôi nhà hầm cổ vẫn được người dân lưu giữ ở làng Trương Gia Tháp

Ngôi nhà hầm cổ vẫn được người dân lưu giữ ở làng Trương Gia Tháp

Lý Gia Sơn là một ngôi làng nằm trên núi và người dân tại đây sinh sống trong những kiến trúc nhà hầm như vậy. Ngôi làng này xây dựng từ thời nhà Minh, sau được một trong những họa sĩ quan trọng nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20 – Ngô Quán Trung phát hiện vào năm 1989 và ví như “chốn Đào Nguyên” (tức chốn bồng lai) tách biệt với thế giới bên ngoài.

Nếu như trước đây Lý Gia Sơn có tới 1.300 - 1.400 người sinh sống, thì nay chỉ còn khoảng 30 - 40 người, nhưng ai cũng có thể biểu diễn văn nghệ hay làm các hướng dẫn viên cho khách du lịch.

Làng Lý Gia Sơn nằm bên dòng Hoàng Hà

Làng Lý Gia Sơn nằm bên dòng Hoàng Hà

Tổng chiều cao của các ngôi nhà tại đây lên tới 11 tầng, là sự kết hợp hoàn hảo giữa độ dốc và hướng núi, do vậy còn được ví như “tiểu cung điện Potala” trên cao nguyên Hoàng Thổ.

Từ năm 2008, Lý Gia Sơn đã được đưa vào danh sách những ngôi làng văn hóa lịch sử nổi tiếng Trung Quốc.

 Một ngôi nhà hầm 3 tầng ở làng Lý Gia Sơn

Một ngôi nhà hầm 3 tầng ở làng Lý Gia Sơn

Cũng là nhà hầm, nhưng làng Trương Gia Tháp còn có hệ thống địa đạo nhằng nhịt như mê cung trong lòng đất. Các ngôi nhà ở đây được xây dựng vào cuối nhà Minh đầu nhà Thanh với hơn 300 năm lịch sử.

Do luôn đứng trước nguy cơ bị tấn công và xâm chiếm, ngôi làng này được xây dựng như một pháo đài kiên cố, với 4 cổng ở 4 phía. Hiện làng còn lưu giữ được cổng phía Nam và 36 ngôi nhà. Đây cũng là một trong những ngôi làng cổ kiểu pháo đài được bảo tồn khá hoàn chỉnh ở tỉnh Sơn Tây.

Những ngôi nhà hầm hay nhà hang ở làng Trương Gia Tháp

Những ngôi nhà hầm hay nhà hang ở làng Trương Gia Tháp

Với hơn 2km địa đạo, các ngôi nhà trong làng có thể thông nhau, người dân không cần ra khỏi cửa vẫn có thể đi lại khắp làng dưới lòng đất.

Sơn Tây từng là vùng đất hiểm yếu, nơi tranh giành của các chiến lược gia quân sự thời cổ đại, cũng là nơi sản sinh ra những thương gia giàu có nổi danh một thời ở Trung Quốc, do vậy nhiều vùng đất tại đây đã chọn kiểu kiến trúc kết hợp giữa nhà hang và địa đạo tương tự như làng Trương Gia Tháp.

Đường địa đạo sâu hút trong lòng đất ở làng Trương Gia Tháp

Đường địa đạo sâu hút trong lòng đất ở làng Trương Gia Tháp

Với những nét đặc trưng riêng có, năm 2016, Trương Gia Tháp đã được đưa vào danh sách làng truyền thống Trung Quốc và 100 ngôi làng kiểu mẫu xóa đói giảm nghèo nhờ du lịch đầu tiên ở tỉnh Sơn Tây. Năm 2022, Trương Gia Tháp cũng được đưa vào danh mục các làng kiểu mẫu về du lịch chấn hưng nông thôn của tỉnh này./.

Một số hình ảnh khác về nhà hầm độc đáo ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc:

Làng Trương Gia Tháp nằm giữa núi non hiểm trở

Làng Trương Gia Tháp nằm giữa núi non hiểm trở

Người dân địa phương không cần ra khỏi nhà vẫn có thể đi lại khắp làng nhờ hệ thống địa đạo như mê cung này

Người dân địa phương không cần ra khỏi nhà vẫn có thể đi lại khắp làng nhờ hệ thống địa đạo như mê cung này

Hệ thống thoát nước kết hợp giữa ngầm, nổi và khe núi ở các làng cổ cũng là yếu tố khiến các ngôi nhà được làm bằng đất và đá này không bị lũ cuốn trôi dù nằm trên núi

Hệ thống thoát nước kết hợp giữa ngầm, nổi và khe núi ở các làng cổ cũng là yếu tố khiến các ngôi nhà được làm bằng đất và đá này không bị lũ cuốn trôi dù nằm trên núi

Nếu trước đây lạc đà, ngựa, la, lừa là những phương tiện vận chuyển hàng hóa chính ở Lý Gia Sơn, thì này chúng được người dân địa phương dùng để làm du lịch

Nếu trước đây lạc đà, ngựa, la, lừa là những phương tiện vận chuyển hàng hóa chính ở Lý Gia Sơn, thì này chúng được người dân địa phương dùng để làm du lịch

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/nha-ham-dia-dao-net-dac-sac-cua-nha-co-son-tay-trung-quoc-post1107373.vov
Zalo