Nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường giữa lo ngại suy thoái

Trong phiên giao dịch chiều 5/8, giá dầu đi xuống khi nỗi lo về suy thoái kinh tế tại Mỹ làm mờ đi lo ngại về nguồn cung do căng thẳng Trung Đông.

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Vào lúc 13 giờ 52 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 78 xu (1%) xuống 76,03 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao dịch kỳ hạn giảm 87 xu (1,2%) xuống 72,65 USD/thùng.

Trong tuần trước, giá cả hai loại dầu trên ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp, chuỗi giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2023.

Các nhà phân tích của ngân hàng ING nhận định nỗi lo về suy thoái kinh tế tại Mỹ, sau báo cáo việc làm yếu kém trong tháng 7, cùng với mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ.

Mức tiêu thụ dầu diesel giảm mạnh ở Trung Quốc, quốc gia đóng góp nhiều nhất thế giới vào tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ, đang gây sức ép lên giá dầu.

Giá “vàng đen” cũng chịu sức ép sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh theo đuổi kế hoạch giảm dần chương trình cắt giảm sản lượng từ tháng 10. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung sẽ tăng vào cuối năm nay.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng Bảy dù tổ chức này đã cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị ở Trung Đông đã hạn chế được đà giảm của giá dầu. Căng thẳng ở Trung Đông đã leo thang trong những ngày gần đây sau vụ ám sát thủ lĩnh của lực lượng Hamas tại Tehran, Ismail Haniyeh, và cuộc không kích đã làm chỉ huy quân sự cấp cao của lực lượng Hezbollah, Fuad Shukr, thiệt mạng.

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ

Chiều 5/8, thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống, sau khi dữ liệu việc làm yếu kém tại Mỹ thổi bùng nỗi lo nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) giảm 12,4% xuống 31.458,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,5% xuống 2.860,70 điểm; còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm hơn 1,4% xuống 16.698,36 điểm.

Theo báo cáo được Bộ Lao động, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2024 đã tăng tháng thứ tư liên tiếp lên mức 4,3%, từ mức 4,1% của tháng 6, do hoạt động tuyển dụng chậm lại đáng kể, làm gia tăng lo ngại thị trường lao động đang xấu đi và có khả năng khiến nền kinh tế bị suy thoái.

Lĩnh vực phi nông nghiệp đã tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều mức dự báo được nhiều nhà kinh tế đưa ra trước đó là 175.000 việc làm.

Một loạt dữ liệu bi quan về kinh tế Mỹ đã làm dấy lên lo ngại rằng các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đã giữ chi phí đi vay ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ quá lâu và có khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "hạ cánh cứng" và rơi vào suy thoái.

Nhà phân tích Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management nhận định tâm lý của nhà đầu tư đã xấu đi sau một loạt báo cáo kinh doanh đáng thất vọng từ các công ty công nghệ khổng lồ như Tesla và Alphabet cũng như động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và số liệu kinh tế yếu hơn của Trung Quốc.

Sau khi chỉ số Nikkei 225 giảm 5,8% trong phiên cuối tuần trước, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết nước này sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường với sự quan tâm sâu sắc.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên này, chỉ số VN-Index giảm 48,53 điểm (3,92%) xuống 1.188,07 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 8,85 điểm (3,82%) xuống 222,71 điểm.

Hoạt động chốt lời đẩy vàng xuống giá

Trong phiên chiều 5/8, giá vàng châu Á đi xuống, do hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư.

Vào lúc 14 giờ 21 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 2.433,74 USD/ounce.

Nhà phân tích Tim Waterer, tại công ty môi giới KCM Trade cho rằng hoạt động chốt lời diễn ra khi các nhà giao dịch cố gắng đánh giá mức độ quyết liệt của Fed liên quan đến quy mô cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.

Theo các chuyên gia, thị trường đang lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ và liệu Fed có cắt giảm lãi suất đủ nhanh hay không. Thị trường chứng khoán đã lao dốc khi nỗi lo suy thoái kinh tế tại Mỹ khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch đang dự đoán có hơn 70% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng Chín.

Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 78,30 - 79,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trà My/TTXVN (Theo AFP, Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/nha-dau-tu-thao-chay-khoi-cac-thi-truong-giua-lo-ngai-suy-thoai-20240805164728485.htm
Zalo