Nhà đầu tư Shark Tank và chủ CLB Olympique Marseille thực hiện nỗ lực cuối để mua TikTok ở Mỹ

Kevin O'Leary và Frank McCourt đang hợp tác để cố gắng mua TikTok ở Mỹ trước khi lệnh cấm toàn quốc có hiệu lực.

Kevin O'Leary, một trong những "cá mập" của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank, cho biết ông tham gia một nhóm có tên People's Bid for TikTok, đang đưa ra đề nghị mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Nỗ lực này do tỷ phú Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers) dẫn đầu. Frank McCourt là doanh nhân và tỷ phú người Mỹ, nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, thể thao và công nghệ.

Nếu thành công, nhóm này cho biết sẽ xây dựng lại nền tảng theo cách ưu tiên quyền riêng tư của khoảng 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.

“Cùng với Frank, chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp một nền tảng do người Mỹ sở hữu, bảo vệ an ninh quốc gia. Tôi tin tưởng rằng tầm nhìn chung của chúng tôi, kết hợp với sự nhạy bén trong kinh doanh của Tổng thống đắc cử Trump, sẽ dẫn đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi người”, Kevin O'Leary cho biết trong một tuyên bố.

Trước đây, Kevin O'Leary (người Canada) đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với các nhà đầu tư khác để mua TikTok ở Mỹ, khởi động một nỗ lực gây quỹ cộng đồng hiện sẽ được đưa vào People's Bid for TikTok. Dự án The People's Bid for TikTok đã đảm bảo được sự hỗ trợ từ ngân hàng đầu tư Guggenheim Securities và Kirkland & Ellis (một trong những công ty luật lớn nhất thế giới).

“Kevin là người ủng hộ không ngừng nghỉ quyền sở hữu mới của TikTok vì ông hiểu được cơ hội to lớn mà việc mua lại nền tảng này mang đến cho các nhà đầu tư, hàng triệu người sáng tạo dựa vào TikTok để kiếm sống và những người Mỹ bình thường yêu thích nền tảng này. Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng công nghệ hoàn toàn mới, do người Mỹ sản xuất và tiếp tục là nhà thầu khả thi duy nhất có thể cung cấp quá trình chuyển đổi liền mạch cho mọi người trên TikTok mà không cần thuật toán hiện có”, Frank McCourt tuyên bố.

Frank McCourt cho biết nỗ lực “kết hợp của cả hai sẽ mang lại một động lực đáng kể” cho thương vụ, nhưng không cung cấp các con số tài chính.

Thông qua Dự án Liberty, Frank McCourt từng đưa ra đề xuất trị giá hơn 20 tỉ USD để mua TikTok và mở ra cái mà ông gọi là bình minh của một "mạng internet được thay thế, nâng cấp" cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn dữ liệu cá nhân của họ. Dự án Liberty gồm cả một tổ chức vì lợi nhuận và một tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, Frank McCourt nhấn mạnh: "Rất khó để có độ chính xác liên quan đến các chi tiết cụ thể của một thương vụ tiềm năng vì rõ ràng là chúng ta không biết ByteDance đang bán cái gì".

Dự án Liberty (Project Liberty) là sáng kiến của Frank McCourt. Dự án này nhằm mục đích tái cấu trúc cách thức hoạt động của internet và mạng xã hội, với trọng tâm là mang lại cho người dùng quyền kiểm soát nhiều hơn với dữ liệu cá nhân của họ. Đây là một nỗ lực nhằm tạo ra một "internet được thay thế và nâng cấp", giúp người dùng thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nền tảng tập trung.

Mục tiêu chính của Dự án Liberty

Xây dựng một giao thức phi tập trung

Dự án hướng đến việc phát triển một giao thức cốt lõi mới cho internet, cho phép các ứng dụng mạng xã hội hoạt động trên nền tảng phi tập trung. Người dùng sẽ không cần sử dụng nhiều tài khoản hay mật khẩu và có toàn quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân của họ.

Quản lý dữ liệu cá nhân

Thay vì các công ty lớn sở hữu và sử dụng dữ liệu của người dùng cho mục đích thương mại, Dự án Liberty trao quyền cho người dùng trong việc kiểm soát và cấp quyền sử dụng dữ liệu theo điều kiện của họ.

Thúc đẩy một mô hình kinh tế mới

Thay vì dựa trên mô hình kinh doanh thu lợi từ quảng cáo nhắm mục tiêu, dự án mong muốn phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số tôn trọng quyền riêng tư và dân chủ hóa quyền lực trên internet.

Thành phần của Dự án Liberty

Thực thể vì lợi nhuận: Phần này tập trung vào việc phát triển các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ dựa trên giao thức phi tập trung.

Tổ chức phi lợi nhuận: Phần này hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục và thúc đẩy sự tham gia của công chúng trong việc xây dựng internet phi tập trung.

Liên hệ với TikTok

Frank McCourt đã gắn Dự án Liberty với nỗ lực mua lại TikTok, một nền tảng mạng xã hội video ngắn với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ. Ông coi việc mua TikTok là cơ hội để biến nền tảng này thành một ví dụ quy mô lớn của mạng xã hội phi tập trung, thay vì tiếp tục duy trì mô hình tập trung hóa vốn gây tranh cãi.

Dự án Liberty nhận được sự hỗ trợ tài chính, pháp lý từ tổ chức lớn như Guggenheim Securities và hãng luật Kirkland & Ellis. Sáng kiến này không chỉ là dự án kinh doanh, mà còn được Frank McCourt trình bày như một phong trào cải cách internet toàn cầu.

Thay vì tái tạo thuật toán TikTok và tiếp tục hoạt động như hiện nay, McCourt hy vọng sử dụng nó như một ví dụ quy mô lớn về ứng dụng mạng xã hội phi tập trung, cho phép người dùng kiểm soát nhiều hơn dữ liệu cá nhân của họ.

Kevin O'Leary...

Kevin O'Leary...

... và Frank McCourt đang hợp tác để cố gắng mua TikTok ở Mỹ trước khi lệnh cấm toàn quốc có hiệu lực - Ảnh: Reuters

... và Frank McCourt đang hợp tác để cố gắng mua TikTok ở Mỹ trước khi lệnh cấm toàn quốc có hiệu lực - Ảnh: Reuters

Phiên tranh luận tại Tòa án Tối cao Mỹ sắp tới

Tương lai của TikTok tại Mỹ vẫn chưa chắc chắn kể từ năm 2020, thời điểm ông Trump khi đó là Tổng thống Mỹ đã ra lệnh đóng cửa ứng dụng video dạng ngắn này nhưng bị tòa án chặn lại.

Ông Trump và những người khác từng nêu ra viễn cảnh rằng ByteDance (chủ sở hữu TikTok) có thể hỗ trợ chính phủ Trung Quốc bằng cách chia sẻ dữ liệu mà họ thu thập được từ người dùng Mỹ; nhúng phần mềm độc hại vào ứng dụng; hoặc giúp phát tán thông tin sai lệch. Điều đó đã dẫn đến nhiều năm tranh cãi giữa TikTok và chính phủ Mỹ. Vào tháng 4.2024, Tổng thống Biden đã ký một luật yêu cầu ByteDance bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ cho một thực thể không thuộc Trung Quốc trước ngày 19.1.2025 hoặc sẽ bị đóng cửa.

Hai công ty Trung Quốc đã phản ứng bằng cách kiện chính phủ Mỹ vào tháng 5.2024, nói rằng lệnh cấm sẽ vi phạm quyền của Tu chính án thứ nhất. Họ cũng cho rằng luật mới “không cung cấp bất kỳ cơ sở nào” cho ý tưởng rằng quyền sở hữu của Trung Quốc với TikTok gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia.

Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.

“Rủi ro gây hại mang tính suy đoán là không đủ khi các giá trị của Tu chính án thứ nhất đang bị đe dọa”, TikTok và ByteDance cho biết trong hồ sơ của họ.

Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ ở quận Columbia (bang Washington, Mỹ) đã giữ nguyên luật vào tháng 12.2024, mở đường cho một cuộc đối đầu tại Tòa án Tối cao. Phiên tranh luận dự kiến diễn ra vào ngày 10.1.2025.

Lệnh cấm TikTok tiềm tàng ở Mỹ là một trong những mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế sáng tạo. Ứng dụng chia sẻ video này không chỉ thường xuyên tạo ra các ngôi sao mà còn là trung tâm của văn hóa internet và là động cơ cho vô số công ty khởi nghiệp thương mại điện tử.

TikTok Shop đã giúp mua sắm xã hội thực sự bùng nổ ở Mỹ vào năm 2024, với doanh thu 100 triệu USD chỉ trong ngày Black Friday và trở nên phổ biến hơn trong số người mua sắm trực tuyến so với Shein và Sephora, theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Coefficient Capital và The New Consumer.

Ông Trump có thể sẽ cố gắng giải cứu TikTok. Song nếu lệnh cấm TikTok ở Mỹ được ban hành, những người sáng tạo mới nổi có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Một số người sáng tạo TikTok đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Trong khi những người khác nói với trang Insider rằng họ hy vọng có thể chuyển đối tượng khán giả TikTok sang YouTube và Instagram, vốn đã có sự trở lại ấn tượng vào năm 2024, thu hút nhiều thanh thiếu niên hơn.

TikTok vẫn không hề nao núng trước cuộc chiến pháp lý dù Giám đốc điều hành Shou Chew đã có những động thái trực tiếp và gián tiếp với Tổng thống đắc cử Donald Trump khi vụ kiện được đưa lên Tòa án tối cao Mỹ.

Hôm 18.12.2024, Tòa án tối cao Mỹ cho biết sẽ xem xét thách thức pháp lý của TikTok và ByteDance, trong đó yêu cầu ngăn chặn lệnh cấm hoặc việc bán tài sản sắp xảy ra, và sẽ tổ chức tranh luận về vấn đề này vào ngày 10.1.

Bộ Tư pháp Mỹ đã nói rằng với tư cách là một công ty Trung Quốc, TikTok gây ra "mối đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ sâu sắc và quy mô to lớn" vì có thể truy cập vào lượng lớn dữ liệu về người dùng Mỹ, từ vị trí đến tin nhắn riêng tư và có khả năng bí mật thao túng nội dung mà người Mỹ xem trên ứng dụng.

TikTok cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố sai về mối quan hệ của ứng dụng truyền thông xã hội này với chính phủ Trung Quốc, lập luận rằng công cụ đề xuất nội dung và dữ liệu người dùng của nó được lưu trữ tại Mỹ trên các máy chủ đám mây do Oracle vận hành, trong khi các quyết định kiểm duyệt nội dung ảnh hưởng đến người dùng Mỹ được đưa ra tại nước này. TikTok nói rằng họ không gây ra mối đe dọa sắp xảy ra với an ninh Mỹ.

TikTok và ByteDance cho biết luật này vi phạm quyền bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Từng cố gắng cấm TikTok không thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2020, Trump đã đảo ngược lập trường của mình và hứa trong cuộc đua Tổng thống Mỹ năm nay rằng ông sẽ cố gắng cứu TikTok. Trump cho biết "có một vị trí ấm áp trong trái tim dành cho TikTok" và ông sẽ xem xét vấn đề này.

Ông Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2025, một ngày sau hạn chót với luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ.

Cuối năm 2024, ông Trump đề nghị Tòa án tối cao Mỹ đình chỉ lệnh cấm TikTok để chính quyền của ông “theo đuổi giải pháp đàm phán”.

“Do tính chất đặc biệt và khó khăn của trường hợp này, tòa nên cân nhắc hoãn ra phán quyết qua đó cho thêm thời gian giải quyết vấn đề. Làm vậy cho phép chính quyền theo đuổi giải pháp đàm phán có thể ngăn chặn việc cấm TikTok trên toàn quốc, bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người Mỹ theo Tu chính án thứ nhất mà vẫn giải quyết được lo ngại về an ninh quốc gia”, nhóm pháp lý của ông Trump cho hay.

Hôm 19.12.2024, Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul đã thúc giục Tổng thống Joe Biden gia hạn thêm 90 ngày với hạn chót là 19.1.2025 để ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ hoặc ứng dụng video ngắn này phải đối mặt với lệnh cấm.

"Với tương lai không chắc chắn của luật và hậu quả của nó với quyền tự do ngôn luận, chúng tôi kêu gọi ông kích hoạt gia hạn 90 ngày trước ngày 19.1", Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul gửi cho ông Biden.

Trước đó một ngày, hôm 18.12.2024, Mitch McConnell (lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện) trong một tài liệu gửi lên Tòa án Tối cao đã thúc giục tòa bác bỏ bất kỳ sự trì hoãn nào, so sánh TikTok với một “tội phạm nguy hiểm”. Các thượng nghị sĩ khác như Josh Hawley (đảng Cộng hòa) và Richard Blumenthal (đảng Dân chủ) nói rằng ByteDance phải tuân theo luật pháp.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nha-dau-tu-shark-tank-va-chu-clb-olympique-marseille-thuc-hien-no-luc-cuoi-de-mua-tiktok-o-my-228050.html
Zalo