Gen Z kiếm 100.000 USD/tháng nhờ AI
Gen Z đang kiếm hàng nghìn USD mỗi tháng nhờ ứng dụng AI trong việc sản xuất video, quản lý mạng xã hội và sáng tạo nội dung, giúp tiết kiệm thời gian và gia tăng thu nhập.
Synthesia, một công ty công nghệ AI có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) và thành phố London (Vương quốc Anh), đang tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghệ tạo video AI sống động.
Công nghệ này giúp các nhà sáng tạo nội dung sản xuất video nhanh chóng mà không cần thiết bị quay phim hay diễn viên. Chỉ với một đoạn video dài 2-3 phút, người dùng có thể tạo ra hàng loạt video mới mà không phải quay lại cảnh quay hoặc sử dụng camera.
Điểm đột phá của Synthesia nằm ở khả năng tạo ra bản sao AI của khách hàng, với giọng nói, cử chỉ và biểu hiện gần như không thể phân biệt với người thật.
Công nghệ này mang đến sự linh hoạt vượt trội, giúp người dùng cá nhân hóa nội dung dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn, The New York Post đưa tin.
Tiềm năng của AI trong sáng tạo nội dung
“Chỉ cần ghi lại một đoạn video của chính mình, bạn có thể sử dụng nó để tạo ra bất kỳ video nào”, Alexa Zovdun, chuyên viên kinh doanh tại văn phòng Midtown của Synthesia, chia sẻ.
Công nghệ này có thể tạo ra video chỉ trong vòng 30 giây đến 2 phút, tùy vào mức độ cá nhân hóa mà người dùng muốn thực hiện.
Zovdun đã sử dụng phần mềm này để tạo ra các video quảng bá đến khách hàng tiềm năng bằng 5 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có 4 ngôn ngữ cô không thành thạo.
Với khả năng hỗ trợ dịch 140 ngôn ngữ, Synthesia giúp các nhà sáng tạo nội dung vượt qua rào cản ngôn ngữ, mở rộng tầm ảnh hưởng và tiếp cận được đối tượng khán giả toàn cầu.
“Công nghệ này loại bỏ mọi rắc rối trong việc làm video. Bất kể thời gian nào trong ngày, dù bạn cảm thấy thế nào hay đang ở đâu, bạn vẫn luôn có một phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình”, Alexandru Voica, Trưởng phòng Chính sách của Synthesia, chia sẻ.
Synthesia cũng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư lớn, trong đó có Mark Cuban, tỷ phú kiêm ngôi sao của chương trình Shark Tank. Hiện tại, phần lớn khách hàng của Synthesia là các doanh nghiệp, sử dụng công nghệ này để sản xuất video đào tạo mà không cần thuê diễn viên.
Ngoài ra, Synthesia không chỉ phục vụ cho các công ty lớn mà còn mở ra cơ hội mới cho các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng như YouTube và Instagram.
Gen Z đang kiếm tiền từ AI như thế nào?
Nhiều nhà sáng tạo nội dung đã sử dụng AI để tạo ra các video "faceless" (tạm dịch: giấu mặt) trên YouTube, giảm thiểu thời gian sản xuất và chi phí thuê freelancer.
Matt Par (24 tuổi, bang Florida, Mỹ) cũng tận dụng công nghệ AI để phát triển 12 kênh YouTube của mình về các chủ đề như du lịch, tài chính và sức khỏe, với hơn 750.000 người đăng ký. Những kênh này đều là “faceless channels” (tạm dịch: kênh không lộ mặt) - chỉ sử dụng giọng nói và hình ảnh minh họa thay vì xuất hiện trực tiếp.
Par chia sẻ rằng trước đây, anh từng mất 6 giờ để hoàn thành một video, nhưng nhờ AI, thời gian này giảm xuống chỉ còn 1 giờ.
“Tôi từng phản đối việc sử dụng AI, nhưng giờ đây tôi đã nhận ra tiềm năng to lớn của nó”, anh nói.
Par sử dụng các công cụ như ChatGPT, MidJourney và CapCut để lên ý tưởng, viết kịch bản, chỉnh sửa video, thậm chí tạo giọng nói nhân tạo cho các video của mình.
“Điều này không chỉ giúp tôi tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm chi phí thuê nhân sự. AI đang thay đổi ngành công nghiệp này một cách rõ rệt”, anh cho biết.
Cũng giống như Par, nhiều nhà sáng tạo nội dung khác cũng đang khai thác AI để tạo ra các nhân vật ảo, như trường hợp của Sfiso Sthole (19 tuổi, Vương quốc Anh), đã thực hiện một thử nghiệm độc đáo khi tạo ra một influencer ảo hoàn toàn bằng AI mang tên Kailee.
Chỉ trong vòng 30 phút, anh đã tạo ra 40 video về Kailee trong các khung cảnh nhiệt đới và đăng tải chúng lên Instagram.
Trong hai tuần, những video này thu hút 150.000 lượt xem mà không cần bất kỳ chiến dịch quảng bá nào.
“Việc này vừa dễ dàng lại vừa đáng sợ. Bạn có thể tạo ra một nhân vật thu hút mà người xem không nhận ra đó là AI", Sthole thừa nhận.
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy tiềm năng gây tranh cãi từ nhân vật AI này, Sthole đã quyết định dừng lại vì lo ngại rằng nó có thể vi phạm đạo đức.
Chase Reiner (30 tuổi, bang Arizona, Mỹ), YouTuber kiêm chủ sở hữu công ty phần mềm, đã sử dụng AI để tạo ra hình ảnh của chính mình nhằm quảng cáo các công cụ AI mà anh là đối tác.
Những hình ảnh này được tự động đăng tải lên hơn 40 nền tảng mạng xã hội, từ đó thu hút khách hàng và mang lại thu nhập từ hoa hồng.
“Tôi sử dụng AI để làm mọi thứ, từ việc quảng bá đến chăm sóc khách hàng. Nó giúp tôi kiếm được 50.000 - 60.000 USD/tháng”, anh chia sẻ.
Reiner tin rằng trong tương lai, AI sẽ tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội, khiến chúng ta khó có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Trong khi đó, Isabella Kotsias (27 tuổi, thành phố Miami, bang Florida, Mỹ) là một influencer nổi tiếng với hơn 10 triệu người theo dõi trên các kênh mạng xã hội.
Kotsias bắt đầu sự nghiệp trực tuyến trong thời kỳ đại dịch bằng cách xây dựng các kênh mạng xã hội cho bản thân và chú chó Meeka của mình. Những kênh này nhanh chóng phát triển và trở thành nguồn thu nhập chính của cô. Nhờ các hợp đồng tài trợ, doanh thu quảng cáo và việc bán sản phẩm như thú nhồi bông mô phỏng chú chó Meeka, cô kiếm được 100.000 USD/tháng.
Sự thành công này giúp cô trở thành triệu phú khi mới 25 tuổi. Kotsias đã mua được chiếc xe mơ ước và cả ngôi nhà tại Miami hoàn toàn bằng tiền mặt.
Trước đó, cô từng làm trợ lý nha khoa, nhưng đã từ bỏ công việc này để tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp trực tuyến và cùng chồng quản lý hoạt động kinh doanh gia đình.
Không chỉ vậy, Kotsias còn tận dụng AI như một “đồng nghiệp miễn phí” để quản lý công việc kinh doanh trực tuyến của mình. Từ việc chọn sản phẩm cho cửa hàng thương mại điện tử đến dự đoán xu hướng viết bài đăng cho các nền tảng như Threads và dự đoán xu hướng truyền thông xã hội trước khi chúng lan truyền với các công cụ như TrendAssistAI. AI đã giúp cô tiết kiệm 25% khối lượng công việc hàng ngày.
“Tôi ước gì biết đến AI sớm hơn, chắc chắn tôi đã có thể thành công nhanh hơn”, cô chia sẻ.